Một cá nhân vừa đăng ký độc quyền ý tưởng xây dựng một con đập đặc biệt, có thể tự tháo lắp dễ dàng để ngăn sông Hồng vào mùa cạn, lấy nước chống hạn cho các tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Ý tưởng đập thông minh với nhiều tính năng mới để giải quyết khô hạn ở đồng bằng sông Hồng được ông Lại Bá Ất – Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại dịch vụ & Chuyển giao công nghệ toàn cầu nghĩ ra cách đây hai năm.
Tuy nhiên, mãi đến đầu tháng 2/2007, ông Ất mới đi đăng ký bản quyền sáng chế lên Cục Sở hữu Trí tuệ (SHTT). Ông còn gửi một báo cáo lên Bộ trưởng NN&PTNT về ý tưởng của mình.
Dù đến thời điểm này, cả hai nơi chưa có phản hồi, ý tưởng đập mà ông Ất gắn cho tên là “thông minh” vẫn gây sự chú ý của một số nhà khoa học. Một chuyên gia ở Viện Khoa học Thủy lợi (KHTL) cho rằng đó là một dự án có cơ sở khoa học.
Nguyên lý hoạt động của đập thông minh được ông mô tả rất đơn giản: Các thùng sắt được đặt song song ngang dòng sông và được chằng néo xuống sông có chiều cao lớn hơn khoảng cách từ đáy sông đến mặt nước cần nâng cao khoảng một mét trở lên.
Các thùng này được chở nổi đến vị trí xây dựng đập và đánh chìm rồi cố định xuống lòng sông. Khe hở giữa các thùng được lấp đầy bằng các bao cát. Cát được lấy từ đáy sông bơm vào các bao này.
Khi dỡ đập, các bao này được xé ra cho cát chảy vào lòng sông. Với hệ thống đập mềm trên, mực nước lúc cần có thể dâng lên từ 2-3 mét. Khi đó, về cơ bản, có thể giải quyết vấn đề nước tưới cho vùng đồng bằng ven sông Hồng vào mùa khô hạn.
Ông Ất cho biết đã tính toán kỹ về khả năng chịu lực của kết cấu đập tràn cũng như những giải pháp đảm bảo cho giao thông thủy lợi. Đập thông minh khác đập thông thường ở chỗ, nó có thể được lắp đặt và tháo đi một cách dễ dàng, nhanh chóng và không gây cản trở dòng chảy.
Mặt khác, những vật liệu dùng cho đập thông minh rất dễ trang bị, do đó giảm đáng kể chi phí lắp đặt. Theo ước tính của ông, lắp đặt hệ thống đập này cho cả sông Hồng tốn chưa đến 150-160 tỷ đồng. Hiện tại, ông vẫn chưa có đủ điều kiện về kinh phí và sự cho phép của các cấp ngành liên quan để thực nghiệm.
Không mới?
Ý tưởng đập thông minh ngăn sông Hồng để chống hạn của ông Ất được các chuyên gia thủy lợi đánh giá là táo bạo nhưng không mới.
Ông Trần Đình Hòa – Trưởng ban nghiên cứu chiến lược và phát triển công nghệ thủy lợi thuộc Viện KHTL cho biết: “Việc xây dựng các công trình thủy lợi trên sông Hồng được chúng tôi nghiên cứu từ nhiều năm trước đây. Trên thực tế mô hình đập xà lan là một trong những giải pháp chúng tôi đưa ra để thực hiện việc giữ và dâng mực nước hệ thống sông Hồng, đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Theo mô tả của ông Ất về công trình đập thông minh ở đồng bằng sông Hồng, ý tưởng này cũng dựa theo những nguyên lý chính của đập xà lan mà chúng tôi có kế hoạch triển khai ở đồng bằng sông Hồng trong thời gian sắp tới”.
Ông Hòa cũng cho biết thêm, công trình này được ứng dụng ở tỉnh Bạc Liêu để ngăn mặn giữ ngọt. Những nơi thử nghiệm như các xã Phước Long, Thông Lưu, Ninh Quới, Quản Lộ (huyện Phụng Hiệp) cho thấy tác dụng của nó. Công trình cũng mới được Cục SHTT cấp bằng độc quyền sáng chế ngày 07/02/2007.
“Đập thông minh và đập xà lan có thể giống nhau về ý tưởng nhưng hiệu quả kinh tế chưa chắc như nhau. Tôi sẵn sàng cho thử nghiệm nếu được phép” (Ông Lại Bá Ất) |
Trên cơ sở những nghiên cứu về đặc điểm riêng của đồng bằng sông Hồng, Viện KHTL đưa ra nhiều phương án trong đó có phương án dùng đập ngăn sông tháo lắp di động bằng kết cấu thép liên hợp.
Các chuyên gia Viện KHTL cho rằng đập xà lan của Viện cũng là một dạng đập di động như đập thông minh của ông Ất. Đập xà lan bao gồm hộp đáy, trụ pin là các hộp phao rỗng. Giữa hai trụ pin có gắn cửa van để điều tiết nước. Cho nước vào đáy và trụ pin thì đập chìm, chắn ngang dòng chảy. Rút nước ra, đập lại nổi lên và có thể di chuyển đến vị trí mới theo yêu cầu sản xuất.
Có ý kiến cho rằng, trong lúc chờ đợi Cục SHTT làm rõ ý tưởng của ông Ất có trùng với công trình của Viện KHTL hay không, điều quan trọng nhất là, cần sớm đưa công trình vào thử nghiệm khi nước sông Hồng mấy năm nay xuống thấp kỷ lục và thiệt hại cho mùa màng do thiếu nước lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm.