Bài học về vụ phá rừng Nước Nia (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn còn nóng hổi, Đinh Du Chiên và một số đồng bọn đã ngồi “bóc lịch” trong trại giam. Thế nhưng rừng xanh của Quảng Ngãi lại tiếp tục “khóc”. Lần này, nạn phá rừng xảy ra ở một huyện miền núi khác nghiêm trọng không kém – huyện Ba Tơ.
“Xẻ thịt” rừng xanh
Theo chân một người dân bản địa, từ thôn Măng Đen (xã Ba Vì), sau hơn 3 giờ luồn rừng, leo dốc ngược lên Đồi 900 – quả đồi vừa bị “cạo trọc” – chúng tôi tận mắt nhìn thấy rừng bị tàn phá. Ngót nghét cũng gần 100ha rừng chỉ còn trơ gốc, toàn những cây gỗ quý như lim, sến, chò… có đường kính từ 0,4m – 1m. Tại “đại bản doanh” này, lán trại, lều bạt được dựng làm nơi trú ngụ để tiện việc… phá rừng. Cạnh bên, những dấu tích của một đợt tàn sát rừng vẫn còn nguyên vẹn. Bên cạnh những tấm gỗ thành phẩm đang chờ “xuống núi” là những cây to vừa bị đốn hạ đang chờ “xẻ thịt”.
Anh X, người dẫn đường (xin được giấu tên) cho hay: “Đây là những cây mới bị triệt hạ. Bọn chúng có đủ phương tiện để “chế biến” gỗ tại chỗ. Tùy theo thời điểm, có khi chúng ở lại lán trại khoảng 10 ngày để khai thác, sơ chế sau đó mới vận chuyển gỗ về xuôi”. Đi thêm chừng 1km nữa, chúng tôi bắt gặp ngay trên Đồi 900, những con đường ngang dọc như ô bàn cờ được phát dọn tỏa ra nhiều hướng, nối sang những quả đồi khác, được bọn lâm tặc lót bằng những tấm gỗ bìa để tiện việc tìm gỗ và vận chuyển. Xa xa đâu đó, tiếng máy cưa, xẻ và tiếng cười nói vang dội vào vách núi. “Bọn lâm tặc đấy”, anh X nói.
Vô tư vận chuyển gỗ trái phép
Cũng giống như việc “hạ gục” cây trên các quả đồi, sau khi những tấm gỗ (chủ yếu là các loại gỗ quý như chò, sến…) được cưa, xẻ ra thành nhiều khối, lâm tặc thả gỗ xuống núi theo những sườn đồi. Sau đó, kéo gỗ xuôi theo các con suối nhỏ hướng ra sông Re rồi tập kết dọc bờ sông ở khu thị tứ Ba Vì để bán cho các chủ gỗ. Có một điều mà chúng tôi khá ngạc nhiên là bọn chúng ngang nhiên kéo gỗ giữa thanh thiên bạch nhật mà không hề tỏ ra e sợ. Ngay cả khi gặp chúng tôi là những người lạ mặt, bọn này vẫn không đoái hoài đến. X nói: “Thỉnh thoảng cán bộ kiểm lâm mới đi kiểm tra, mỗi lần đi thì y như rằng bọn chúng đều biết và “án binh bất động”.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, sông Re là con đường “huyết mạch” để bọn lâm tặc tập kết gỗ từ các hướng về Ba Vì. Trên dòng sông này, bất kể mùa nắng hay mưa, bọn lâm tặc đều tận dụng triệt để cho việc vận chuyển gỗ. Một vài người dân địa phương cho hay, ngày cao điểm, có đến 40-50 người vận chuyển gỗ, số lượng không dưới 10m3 gỗ/ngày. Việc này diễn ra đã nhiều năm, đến giờ vẫn chưa chấm dứt.
Phá rừng vì… nghèo!
Gỗ khai thác trái phép được kéo ra sông Re về xuôi tiêu thụ (Ảnh: SGGP) |
Theo ông Nguyễn Văn Y, ở thôn Măng Đen, trung bình mỗi ngày có đến 30, 40 thanh niên bản địa (chia thành nhiều tốp, mỗi tốp 4-5 người) vào rừng khai thác gỗ; chí ít cũng hơn 200 người dân là lao động chính (từ 16 tuổi đến 40 tuổi) tham gia phá rừng và vận chuyển gỗ trái phép. Có gia đình cả 4 người con đều tham gia khai thác gỗ. Đem chuyện này trao đổi với Chủ tịch UBND xã Ba Vì, ông Phạm Văn Túc, được biết: “Việc khai thác gỗ trái phép là do có “một nhóm người” ở thị tứ Ba Vì tác động đến người dân, phần khác là bởi người dân còn quá nghèo nên họ mới làm thuê để kiếm thêm thu nhập (!?)”.
“Một nhóm người” như lời ông Túc nói, qua tìm hiểu của chúng tôi là các tay đầu nậu gỗ thường lôi kéo người dân bằng cách thuê trả tiền công cao và đảm bảo giải quyết đầu ra cho “sản phẩm”. Ông Túc cũng thừa nhận việc phá rừng là có thật nhưng do các đối tượng thường đi gỗ ban đêm nên rất khó phát hiện (!?). Không những thế, ông Túc cho rằng để xảy ra tình trạng phá rừng là do lỗi của các… trưởng thôn trong vấn đề quản lý bảo vệ rừng và tinh thần tố giác của người dân trong vùng còn quá thấp… (!?).
Còn ông Lê Minh Khánh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ, cho rằng: “Chuyện phá rừng trên địa bàn huyện là có nhưng chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, không đáng kể”(?). Ông Khánh khăng khăng: “Mỗi năm Hạt Kiểm lâm đều phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ rừng, đồng thời thường xuyên tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ trái phép, giảm thiểu đến mức thấp nhất nạn phá rừng”.
Trái ngược với những lời giải thích của ông Lê Minh Khánh, rừng ở khu Tây Ba Tơ vẫn bị tàn phá và tình trạng này kéo dài trong nhiều năm qua mà rất ít bị phát hiện! Dư luận người dân đang đặt câu hỏi: Phải chăng nạn phá rừng và buôn bán gỗ trái phép ở Ba Tơ có một “đường dây” hậu thuẫn, bao che?