Đó là 3 sản phẩm Metavina 90DP, Metavina 80LS và Metavina 10DP do Trung tâm nghiên cứu Phòng trừ mối (Viện Khoa học Thủy lợi) nghiên cứu và áp dụng thành công hơn một năm qua. Công trình “Hoàn thiện công nghệ sản xuất chế phẩm vi nấm Metavina có hoạt lực cao phòng trừ mối” được trao giải 3 Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2006 tối 28/3/2007.
Nguyên liệu sản xuất loại thuốc vi sinh phòng trừ mối này là cơm và khoai tây. Metavina 90DP dùng để phòng trừ mối cho nền các công trình xây dựng, kho tàng, nhà cửa xây mới hoặc cải tạo nâng cấp; Metavina 10DP trộn với đất, cát để xây hàng rào; Metavina 80LS hòa với nước bơm vào tổ mối phòng trừ mối cho đê, đập. Ba sản phẩm này đều làm từ cơm nguội và khoai tây nghiền. “Cơm để tạo ra Metavina 90DP và Metavina 10DP bằng công nghệ lên men xốp, còn khoai tây để sản xuất Metavina 80LS bằng phương pháp lên men dịch thể”, Thạc sĩ Trịnh Văn Hạnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phòng trừ mối, Chủ nhiệm đề tài giải thích. Chủng nấm Metarhizium được sử dụng trong các sản phẩm vốn có trong tự nhiên và đã được phân lập.
Cấy nấm Metarhizium vào cơm nguội 12 ngày, sau đó sấy ở nhiệt độ ổn định ta thu được một loại cơ chất gồm cơm khô với rất nhiều bào tử nấm màu xanh. Tách các bào tử nấm Metarhizium ra khỏi cơm khô, ta thu được Metavina 90DP, còn nghiền nhỏ cơ chất trên thu được Metavina 10DP.
Thạc sĩ Trịnh Văn Hạnh cho biết trước đây, nhóm nghiên cứu sử dụng khoai tây để làm nguồn nguyên liệu sản xuất Metavina 80LS. Chủng nấm Metarhizium được cấy vào dịch khoai tây, sau đó lên men trong nồi lên men đặc chủng. “Nhưng khi đó khoai tây phải cắt nhỏ, đun sôi trong nước vì thế để tạo được 100 lít dịch lên men, cần tới 20kg. Với công nghệ lên men dịch thể được cải tiến này, khoai được xay nhỏ rồi lọc đã tiết kiệm tới 90% lượng nguyên liệu đầu vào”.
Thuốc trừ mối thân thiện môi trường
Các sản phẩm này không gây ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, sức khỏe người lao động thay thế được hóa chất trừ mối góp phần bảo vệ môi trường – đó là một trong những tiêu chí để Ban giám khảo Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam 2006 trao giải cho công trình này. Sở dĩ như vậy bởi chủng nấm Metarhizium vốn có trong tự nhiên, chỉ làm “gây bệnh” khiến loài mối và một số loài côn trùng gây hại như bọ nhảy, ấu trùng bọ hung, bọ hà, sâu xám chết. Metarhizium không gây hại cho người và các động vật máu nóng. Sản phẩm đã được dùng để xử lý mối cho đê ở Nam Định, Thanh Hóa, đập Rào Đá (Quảng Bình) và hàng trăm công trình nhà cửa, đền chùa trong cả nước.
Một trong những điểm nổi bật của đề tài là chế tạo được những thiết bị giá rẻ. “Tôi đã đặt hàng mua nồi lên men loại thường giá 35-40.000 USD còn máy lắc chừng 10.000 USD ở Trung Quốc. May sao sau đó, chúng tôi liên kết với một số nhà cơ khí học ở Đại học Bách khoa Hà Nội và chế tạo thành công thiết bị, giá chỉ bằng 1/7-1/8 hàng nhập ngoại”, thạc sĩ Trịnh Văn Hạnh nói. Làm chủ thiết bị, nhóm nghiên cứu có thể chỉnh sửa, nâng cấp cho phù hợp với điều kiện sản xuất trong tương lai.
“Phải có kiểm định và giám sát việc sử dụng hóa chất trừ mối”
Đây là kiến nghị của nhóm nghiên cứu đề tài này. Theo thạc sĩ Trịnh Văn Hạnh, một trong các phương pháp phòng trừ mối tỏ ra có công hiệu nhất hiện nay là dùng hóa chất. Tuy nhiên trên thị trường đang tồn tại những loại thuốc trừ mối dạng bột màu đỏ được nhập lậu từ Trung Quốc. Rất nhiều cơ sở phòng trừ mối “rong” đang sử dụng loại thuốc này. “Loại bột này bay theo gió rất dễ gây ra các bệnh hô hấp, đó là chưa kể độ độc hại của thuốc chưa được cơ quan nào kiểm chứng. Những loại thuốc này hiện được sử dụng khá phổ biến để phòng trừ mối ở các công trình nhà cửa trong dân”.
So sánh với một số loại hóa chất trừ mối nhập ngoại được phép sử dụng phòng trừ mối hiện nay thì giá thành và hiệu quả các sản phẩm Metavina của Trung tâm nghiên cứu Phòng trừ mối là tương đương. Với công suất mỗi tháng là 50kg Metavina 90DP, 1500 lít Metavina 80LS, 6-9 tấn Metavina 10DP, lượng này chỉ cung cấp đủ cho đội thi công phòng trừ mối của Trung tâm, phân phối một phần cho Công ty Thành Phương (Long Biên – Hà Nội) và Công ty Phòng trừ mối Việt Nam. Dự định sắp tới của nhóm nghiên cứu là thiết kế dây chuyền công nghiệp với công suất lớn hơn 3-4 lần.