ThienNhien.Net – Chó sói – loài vật đã được ghi vào Sách Đỏ, hiện đang ở tình trạng cực kỳ nguy cấp. Đây là thông tin từ Hạt Kiểm lâm Quỳnh Nhai (Sơn La). Điều này bắt nguồn từ một sự thật “khó tin”: mỗi năm có 30 – 40 con trâu, bò ở bản Hé – bản Púm bị đàn sói ăn thịt. Thanh niên trong bản bực mình vác súng vào rừng bắn chết 11 con sói để …rửa hận.
Từ bữa thui chó sói ở bản Hé
Đến bến phà Pá Uân, hỏi chuyện chó sói, nghe mọi người kể rất rôm rả về vụ dân bản Hé (xã Mường Chiên) vừa trả thù cho đàn bò, bằng cách… thui 11 con chó sói giữa bản, rồi đánh chén ê hề.
Người chứng kiến tường tận là ông Lò Văn Niện. Ông Niện có thâm niên 31 năm làm công an, 10 năm làm Trưởng Công an huyện Quỳnh Nhai. Ông đã nghỉ hưu hơn chục năm nay và sống ở bản Hé.
Ông Niện kể: “Hôm đi săn cả bản tham gia vì nhà nào cũng có trâu bò thả trong núi từng bị chó sói sát hại. Họ kéo nhau vào tít trong rừng già, đi đến quá trưa thì thấy xác 5 con bò vừa bị sói ăn thịt. Trong một năm mà có 20-30 con trâu, bò bị chó sói móc bụng xơi, tiếc đứt ruột”.
Anh Điêu Chính Huân, một thợ săn dẫn đầu đoàn hôm đó kể lại: “Chúng tôi mang đi khoảng 30 khẩu súng tự chế. Người đuổi, người phục kích, đàn bà thì mang xoong nồi, mâm, chậu vào rừng gõ loạn xạ. Chúng tôi tìm được một khe núi rộng 3-4m, hai bên vách núi cao 50m. Theo tính toán, một khi chó sói sa vào trận đồ này thì chỉ có nước mọc cánh mới thoát ra được”.
Lúc đầu, câu chuyện của họ có vẻ dè dặt, bởi họ đã bị kiểm lâm và công an dọa phạt vì tội giết hại động vật trong Sách Đỏ, thế nhưng, làm vài chén rượu tiết chó và nhớ lại buổi đi săn hôm đó, họ không còn e ngại nữa mà tranh nhau kể.
Anh Điêu Chính Huyến cởi trần trùng trục, vận quần cộc hăng hái kể tiếp: “Khi chúng tôi tới nơi, thấy tận mắt đàn sói đang xâu xé, móc mông lôi ruột 5 con bò, rồi xé thịt đùi ra ăn. Trông như một bãi chiến trường với thịt xương, máu me kinh khủng. Nghe tiếng xoong, nồi, mâm, chậu khua, chúng bỏ chạy. Đàn chó được để cửa chạy về phía núi, chỉ có đúng 9 con bị dồn vào “giao thông hào”. Chúng vừa chạy vừa tru lên, trông rất hung dữ. Lông chúng màu vàng đỏ, hung hung, rất dày. Cả 9 con lọt vào khe núi đều bị bắn chết. Hôm sau, chúng tôi lại vào rừng, lần theo tiếng tru và bắn chết 2 con nữa. Tổng cộng, chỉ trong hai ngày thịt được 11 “thằng” chó sói.
Theo lời anh Huyến, gần đây, chắc là thấy bị giết nhiều quá, bọn sói sợ nên ít mò về. Đồng bào giăng bẫy đầy trong rừng mà không dính con nào. Khi nghe tin người dân bản Hé bắn chết hàng loạt chó sói, công an và kiểm lâm đã tìm vào đòi xử lý vì tội bắn giết động vật hoang dã.
Tuy nhiên, cả bản đều nhất nhất nói: “Nếu các anh đền cho tôi mấy chục con bò bị sói xơi thịt, chúng tôi sẽ đền cả 11 con chó ác độc ấy cho các anh”. Anh em công an, kiểm lâm nghe đồng bào lý luận như vậy thì không biết phải xử trí thế nào, thôi thì cứ tịch thu hết súng đạn. Từ bấy đến giờ, đồng bào muốn bắt sói chỉ còn cách đặt bẫy, mà loài sói khôn ngoan lắm, chả mấy khi mắc bẫy.
Lại nói về chuyện sau khi bắn gục 11 con chó sói, cả bản mở tiệc ăn mừng. Bọn sói được đưa lên cân, con nào con nấy đều trên dưới 30kg, con to nhất đến 40kg. Đàn bà chuẩn bị xoong nồi, đun nước sôi. Đàn ông vặt lông, đem thui rơm vàng óng, rồi mổ phanh bụng, xả thịt, chia mỗi người một phần đem về nấu nướng chén sạch. Mọi người hả hê vì đã “rửa hận” cho đàn bò, trâu nhà mình.
Đến số phận loài động vật quý hiếm
Không những người dân bản Hé, mà nhiều bản làng khác cũng “thề không đội trời chung”, vì chó sói sát hại rất nhiều trâu, bò của người dân. Điển hình ở bản Púm (xã Pha Khinh) có dãy núi Huổi Luông cao chất ngất.
Anh Điêu Chính Pâng, Trưởng bản Púm kể rằng, trung bình mỗi năm dân bản mất tới 20 con bò vì chó sói tấn công. Từ trước đến nay, đồng bào ở đây không chăn bò theo kiểu ngày dắt lên nương, đêm dắt về chuồng mà cứ dắt bò vào rừng thả, rồi thỉnh thoảng mang muối vào cho chúng ăn. Ăn muối quen, chúng không dám đi đâu xa nữa, cứ quanh quẩn ở góc rừng để chờ có muối ăn, vì vậy, đồng bào không sợ mất bò. Những năm trước, ít khi mất trâu bò, mặc dù trong rừng rất nhiều sói, bởi vì khi ấy thú rừng nhiều, đàn sói chả lúc nào thiếu ăn.
Nhưng mấy năm nay, rừng bắt đầu bị tàn phá, thú rừng bị bắn hạ nhiều, đàn sói không có mồi ăn, nên chúng mới tìm đến đàn bò, đàn trâu của đồng bào. Nhiều đêm nghe tiếng gà kêu quác quác, lợn kêu éc éc, chạy ra xem thì chuồng đã trống trơn. Nhìn dấu chân là biết đàn sói mò về quắp đi mất.
Dân bản Púm nhiều khi không còn gạo ăn, song lại có thịt bò đánh chén suốt ngày, vì bò chết (do sói cắn). Đồng bào Thái bản Púm hận đàn sói lắm, nhưng súng đã bị công an huyện thu giữ hết nên chẳng biết làm sao. Dân bản đặt bẫy dày đặc trong rừng, song chỉ trúng lợn rừng và… bò nhà mình, chứ chả mấy khi trúng sói.
Tôi đến sườn núi Pú Coong Khẩu vào bản Phiêng Mựt tìm gặp ông Lò Văn Que, thợ săn nổi danh của đất Quỳnh Nhai và cũng là người rất hiểu về sói. Khuôn mặt ông Que biến dạng vì bị gấu cắn xé, chỉ ngồi một chỗ, ngâm đôi bàn chân phù nề vào nồi nước thuốc. Đôi mắt giả của ông lúc nào cũng mở tông hống, kể cả lúc ngủ (vì gấu rút mất cơ mặt nên không khép mi được).
Ông Que kể về giống sói Quỳnh Nhai với giọng méo mó: “Bọn sói chỉ xơi thịt mông, thịt đùi và bộ lòng bò to, nhưng bê con thì chúng nhai hết cả xương. Răng chó sói cũng không nhọn lắm, dài hơn nanh chó nhà tí, thế mà nó xé thịt bò, da bò ngon ơ. Da con bò nái nhiều khi con dao đi rừng phải liếc mãi mới cắt được, thế mà đàn sói xé tanh bành trong nháy mắt. Kỳ lạ thật! Bọn sói thường đi săn theo đàn, 7 đến 8 con, cũng có khi đến 20 con. Nước đái lũ sói rất độc. Trước khi dàn trận săn bò, chúng đái té tát lên cành lá. Khi đàn bò bỏ chạy, nước đái trên lá dính vào mắt khiến mắt bò sưng lên, mù tịt luôn, thế là chúng xúm vào xơi tái từng con. Người đi săn cũng phải cẩn thận, nếu nước đái của chúng bắn vào mắt thì sẽ không tìm được đường về”.
Ông Que kể, lần ấy, khi tiến đến đàn sói đang dàn trận săn bò trên sườn núi Pú Coong Khẩu, ông giáp mặt ngay “lão gấu” to tướng nấp trong bụi cây. Ông bắn một phát, nó không chết, lại lao ra đớp gẫy tay ông, cắn mất mảng ngực, lột cả mảng da mặt, da đầu, cắn mất cả mũi và nghiền vụn xương quai hàm. Mọi người khiêng “đống thịt” bầy nhầy xuống bệnh viện Sơn La, rồi chuyển xuống bệnh viện Việt-Đức, thế mà ông sống được. Nhưng giờ sống chung với bệnh tật.
Đám thanh niên trong bản tiếp tục lên rừng tiêu diệt bọn sói để bảo vệ trâu bò. Số phận loài chó sói quý hiếm ở rừng Quỳnh Nhai rất mong manh trước những nòng súng kíp mà công an chưa thu hết được.
Theo các nhà khoa học, ở Việt Nam chỉ có hai loài chó sói. Loài thứ nhất là sói đỏ (tên khoa học là Cuon alpinus), có đặc điểm thân dài, mõm ngắn, tai vểnh, lông lưng và bên sườn màu vàng đỏ, lông bụng màu sáng nhợt, lông ở chân và đuôi chuyển sang nâu đen hoặc đen, gốc đuôi thắt nhỏ, xù ở phần cuối. Giống sói đỏ sống từng đôi hoặc nhập đàn 5-7 con, khi đi săn có thể “bày binh bố trận” đông tới 15-20 con.
Loài thứ hai là sói xám, hay còn gọi là chó rừng (tên khoa học là Canis aurreus Linnaeus). Sói xám chỉ mới phát hiện ở vùng rừng khộp trong Đắk Lắk, chúng chỉ hoạt động lúc sáng sớm, chiều tối và ban đêm. Như vậy, theo đặc điểm sinh thái và mô tả của người dân thì nhiều khả năng loài sói ở Quỳnh Nhai chính là sói đỏ, loài động vật cực kỳ quý hiếm, được xếp vào nhóm 2B, hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Mới đây, sự xuất hiện của một vài con sói đỏ ở vùng rừng Cam Lộ, Quảng Trị đã khiến các nhà khoa học trong cũng như ngoài nước sốt sắng tìm đến nghiên cứu, bảo tồn, thế nhưng, không hiểu sao, sự xuất hiện hàng đàn sói đỏ ở rừng Quỳnh Nhai, đến nay chưa thấy nhà khoa học nào đến nghiên cứu, khẳng định để có chiến lược bảo tồn nguồn gen quý hiếm.
Câu chuyện về 11 con chó sói bị hạ gục thui rơm ở bản Hé chỉ là điển hình cho hiện tượng sát hại loài chó sói quý hiếm ở Quỳnh Nhai đã diễn ra từ nhiều năm nay. Việc xử lý những người bắn hạ chó sói rất khó khăn, vì sói đã gây hấn trước bằng việc ăn thịt rất nhiều trâu, bò của các làng bản. Tuy nhiên, nếu cứ vì cái lý ấy rồi xuê xoa cho việc bắn giết loại động vật cực kỳ quý hiếm này thì không chỉ bà con mà cả các cán bộ cũng đã vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.