LHQ đang kêu gọi các nước hãy kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc xuất khẩu và sử dụng thuốc trừ sâu nguy hiểm. Các loại hoá chất này thường bị cấm ở các nước phát triển, nhưng vẫn được các nước đang phát triển sử dụng.
Ông Klaus Toepfer, Giám đốc Chương trình môi trường LHQ (UNEP), cho biết một hội nghị quốc tế đã khai mạc tại Bonn (Đức) để thúc đẩy việc phê chuẩn hiệp định về việc giới hạn buôn bán rất nhiều hoá chất gây nguy hiểm đến đời sống và sức khoẻ con người. Ông cho biết: ”Đây là thời điểm thuận lợi để phê chuẩn hiệp định. Tôi hy vọng hiệp định này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ giữa năm 2003”.
Hiệp định Rotterdam, tên gọi sau khi được chấp thuận lần đầu tiên vào năm 1998 tại thành phố này của Hà lan, sẽ không thể có hiệu lực nếu không có sự đồng tình của ít nhất là 50 quốc gia. Hiệp định đưa ra danh mục 31 loại thuốc trừ sâu và hoá chất gây nguy hiểm cần được cấm và giới hạn sử dụng.
UNEP lưu ý rằng rất nhiều các loại thuốc trừ sâu đã bị cấm hoặc hạn chế ở các nước phát triển vẫn đang được sử dụng phổ biến tại các nước đang phát triển. Tổ chức này cho biết hội nghị tại Bonn sẽ đưa ra nhiều thông tin hơn về nguy cơ tiềm tàng của các hoá chất được sử dụng làm thuốc trừ sâu.
Hiệp định trên quy định rằng các nước xuất khẩu những hoá chất huỷ hoại sức khoẻ hoặc môi trường phải thông báo cho nước nhập khẩu biết về mức độ nguy hiểm có thể xảy ra. Đồng thời, Hiệp định cũng quy định việc xuất khẩu hoá chất nguy hiểm trái với yêu cầu của nước nhập khẩu là bất hợp pháp.
Ông Toepfer cho biết khi Hiệp định này được thực thi, các công ty xuất khẩu hoá chất có hại sẽ phải đương đầu với khó khăn để tiếp tục bán các sản phẩm này. Ông cho biết: ”Các công ty này sẽ phải công bố trung thực và rõ ràng về mức độ nguy hiểm của hoá chất mà họ định xuất khẩu”.
Một hoá chất mà UNEP muốn bổ sung vào danh sách Rotterdam tại Hội nghị Bonnn là một loại thuốc trừ sâu có tên monocrotophos. UNEP cho biết loại thuốc trừ sâu này vẫn đang được sử dụng rộng rãi ở các nước đang phát triển. Monocrotophos có thể gây chứng nôn mửa, suy giảm thị lực, các bệnh về đường hô hấp và thậm chí còn có thể dẫn đến tử vong, đe doạ mạng sống của hàng nghìn nông dân trên toàn thế giới.
Theo WHO, khoảng 1 triệu người trên thế giới đã nhiễm độc và 20.000 người chết mỗi năm sau khi tiếp xúc với các thuốc trừ sâu nguy hiểm trong thập kỷ 90, hầu hết là ở các nước đang phát triển.