ThienNhien.Net – Các vườn thú hiện đại đóng góp rất lớn đối với công tác bảo tồn. Nhiều vườn thú đã chủ động tiến hành những dự án của họ trong lĩnh vực này, nhưng sự đóng góp không chỉ dừng lại ở đó, các vườn thú còn có thể cho sinh sản các loài có nguy cơ tuyệt chủng mà một trong số đó là loài hổ.
Cũng như các khu bảo tồn có chức năng bảo vệ tính đa dạng về gen và giáo dục – tuyên truyền cho cộng đồng, các quần thể động vật trong vườn thú có thể lập thành một cơ sở hiệu quả để kêu gọi tài trợ và trở thành nguồn tài nguyên quan trọng tạo ra những thông tin và kĩ năng sinh học hữu ích. Những đóng góp này sẽ tăng gấp bội phần nếu liên kết với các vườn thú khác, và trong thực tế, mục tiêu đa dạng hoá nguồn gen sẽ không thể đạt được nếu họ hoạt động cô lập.
Việc nuôi nhốt những loài có nguy cơ tuyệt chủng trong vườn thú chịu sự quản lý cục bộ nhằm đảm bảo tối đa hoá nỗ lực bảo tồn các quần thể loài. Để làm được điều này, các vườn thú cần phải giữ cho các quần thể khoẻ mạnh cả về thể chất, nguồn gen và tập tính. – không chỉ trước mắt mà về lâu dài, ít ra là 100 năm sau. Vì vậy công tác quản lý việc nhân nuôi đặt mục tiêu bảo tồn nguồn gen càng nhiều càng tốt và đảm bảo số lượng hợp lý các con non sinh ra hàng năm. Hầu hết các vườn thú đều chịu trách nhiệm quản lý ít nhất một chương trình bảo tồn loài. Hiệp hội bảo vệ động vật Luân Đôn (ZSL) – một trong những nơi có đóng góp lớn nhất đối với công tác bảo tồn trong các vườn thú trên thế giới, hiện đang quản lý rất nhiều chương trình bảo tồn loài ở châu Âu.
Chương trình nhân nuôi hổ của châu Âu (EEP) được thực hiện bởi ZSL từ năm 1991, và phát triển rất tốt kể từ đó đến nay. Những thông tin dưới đây nói về loài hổ là một ví dụ để minh chứng cho sự đóng góp về mặt bảo tồn của các quần thể được nhân nuôi trong các vườn thú.
1. Thu hút sự quan tâm/ Giáo dục
Đây là lĩnh vực mà bất cứ con hổ được nuôi nhốt nào, kể cả hổ lai, cũng có ý nghĩa đóng góp. Những con hổ rất cần sự ủng hộ của mọi người trên toàn thế giới. Trung bình mỗi năm có khoảng 600 triệu người thăm các vườn thú – nhiều hơn số người đi xem những trận đấu bóng đá – và các vườn thú có hổ đều có trách nhiệm nâng cao nhận thức của người dân về những nhân tố đe doạ chúng và khuyến khích sự giúp đỡ của họ, cho dù đó là ở phương Tây – nơi tập trung hầu hết các khoản tài trợ, hay ở châu Á – nơi có hổ sinh sống và con người sống ngay gần chúng. Truyền hình và sách báo không thể thay thế những con vật thực đang tồn tại, đang thở và gầm được. Chúng ta chỉ có thể thực sự mong muốn bảo vệ những gì chúng ta biết và yêu mến. Cần có những thông tin tốt cùng với những con vật được triển lãm hấp dẫn để khuyến khích và thu hút sự quan tâm, yêu mến. EEP đã đưa ra báo cáo dự án và các thông tin cập nhật qua trang web Hổ thế kỉ 21 (www.21stCenturyTiger.org). Tại đây có sẵn tranh ảnh dể các vườn thú thành viên đã đăng ký có thể dễ dàng tải về. EEP đã hỗ trợ những áp phích hổ đẹp cho các vườn thú khắp nước Nga và Thái Lan để trưng bày cho khách tham quan thưởng thức.
2. Tăng ngân sách
Tài trợ cũng có thể là một hình thức đóng góp lớn đối với những quần thể nuôi nhốt, mặc dù điều này thường không được đề cập đến. Đối với loài hổ, sự đóng góp của vườn thú rất quan trọng. Chẳng hạn ở Sumatra, tính đến nay, hơn một nửa nguồn ngân sách mà các tổ chức phi chính phủ đầu tư bảo tồn loài hổ là từ các vườn thú. Chương trình bảo tồn hổ của EEP khuyến khích các nhà tài trợ hổ nói chung và cho các vườn thú nhận tài trợ cho Hổ thế kỉ 21. Đây là một chương trình hợp tác giữa ZSL với Tổ chức Giám sát hổ toàn cầu, một đơn vị chuyên hỗ trợ cho những dự án bảo tồn loài hổ, chủ yếu ở Ấn Độ, Indonesia và Nga. Vào năm 2003 và 2004, Hiệp hội các vườn thú của châu Âu (EAZA) đã phát động một chiến dịch bảo vệ loài hổ và năm 2004 Hiệp hội người Úc cũng đã làm như vậy. Tất cả các khoản ngân sách đều được dành cho những dự án được lựa chọn thông qua Dự án Hổ thế kỉ 21, riêng EAZA đã quyên góp 750.000 euro! Rất nhiều vườn thú tư nhân quan tâm đặc biệt đến hổ cũng đã chọn Hổ thế kỉ 21 là một kênh để ủng hộ, cùng với những chiến dịch hợp tác mang tính khu vực.
3. Thu thập thông tin
Các quần thể hổ trong vườn thú đã có những đóng góp lớn đối với việc hiểu biết nhiều khía cạnh khác nhau về sinh thái học loài hổ và công tác quản lý. Chăm sóc thú y là một minh chứng rõ ràng; nếu không có kiến thức về cách gây tê những con hổ thì chắc chắn sẽ chẳng thể có những nghiên cứu theo dõi hổ qua radio. Điều cốt yếu là sự hợp tác và phối hợp, cũng như thông tin phải được tập trung và sẵn sàng cho những ai cần nó. Chương trình hổ của EEP đã thu thập được kích thước dấu chân từ những con hổ đã biết, thông tin về tuổi đời nuôi nhốt ở vườn thú để chuẩn hoá các kết quả điều tra lần theo dấu vết của hổ trong tự nhiên, đồng thời cung cấp những mẫu máu hỗ trợ việc tìm kiếm các mẫu DNA sử dụng trong việc nhận dạng các cá thể hổ hoang dã từ phân của chúng. Những yêu cầu trợ giúp từ các nhà bảo tồn hổ ngoài hiện trường dĩ nhiên có thể được đưa ra thông qua các chương trình nhân nuôi. Chương trinh bảo tồn hổ EEP có sự phối hợp rất tốt với những dự án hiện trường trên thế giới.
4. Bảo tồn thông qua nhân nuôi chính là bảo tồn nguồn gen
Trước hết, để đóng góp trong lĩnh vực này, một vườn thú phải có nguồn hổ thuần chủng. Hiện nay trên thế giới còn 5 phân loài hổ (trước đây có 8 phân loài) đó là hổ Ấn Độ (Bengan), Amua (Siberian), Sumatran, Đông Dương và Nam Hoa (một nghiên cứu gần đây đã tách hổ Đông Dương thành hai phân loài là Đông Dương và Malaysia, và nếu điều này được chấp nhận thì sẽ có 6 phân loài hổ).
Nhìn chung, đa số hổ nuôi nhốt là hổ lai hoặc không rõ nguồn gốc và vì thế không có ích cho mục đích sinh sản để bảo tồn. Chỉ những con hổ có nguồn gốc được ghi chép rõ ràng và hổ được bắt từ tự nhiên mới có thể sử dụng cho các chương trình sinh sản để bảo tồn. Chưa thể xác định chắc chắn căn cứ của sự phân chia những loài hổ đang tồn tại nhưng điểm mà các nhà bảo tồn lưu ý – đó là hổ đã tiến hóa về mặt di truyền để thích nghi với các điều kiện theo phạm vi của chúng, và các hoạt động bảo tồn của chúng ta trong tự nhiên và cả trong vườn thú cần tìm hiểu để bảo vệ những điều này, chú ý về phương diện quần thể hơn là chỉ những phân loài.
Thứ hai, có một quan niệm sai lầm phổ biến cho rằng càng nhiều con hổ được sinh ra trong nuôi nhốt thì càng tốt. Chỉ cần ngẫm nghĩ một chút sẽ thấy điều này là không đúng. Những chuồng trại tốt phải rộng rãi và chi phí xây dựng rất tốn kém, chính vì vậy nên việc cung cấp nơi ở của hổ trong các vườn thú chỉ có một giới hạn nhất định.
Hổ sinh sản rất tốt trong điều kiện nuôi nhốt và lớn rất nhanh – không đầy 2 năm sau, những con hổ con và bố mẹ của chúng sẽ đánh nhau và cần phải được tách riêng. Theo đó, nếu toàn bộ các vườn thú muốn luôn có thể tìm những nơi ở tốt cho những con hổ sinh ra trong vườn thú, thì phải áp dụng các biện pháp để điều chỉnh việc sinh sản sao cho số hổ con mới sinh hàng năm chỉ vừa đủ để thay thế những con hổ đã chết. Đây là một phần trong các nhiệm vụ của Chương trình châu Âu, nhờ đó, hàng năm mỗi vườn thú trong chương trình được báo về việc có nên cho những con hổ của họ sinh sản hay không. Ngay cả đối với những vườn thú có hổ thuần chủng tham gia vào chương trình, chúng ta vẫn cần phải chọn lọc kĩ những cặp đôi phù hợp nhất về mặt di truyền trong khi gây giống, nhằm bảo vệ tối đa tính đa dạng về gen, đồng thời hạn chế được số lượng những con hổ con được sinh ra.
Những quần thể trong các vườn thú được quản lý như trên được coi như “nguồn cung cấp gen” phòng khi nhu cầu trong tương lai cần bổ sung cho những quần thể hổ trong tự nhiên hay tái thả hổ về nơi chúng đã biến mất. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng không thể đoán định được việc tái thả hổ hay khả năng thực hiện điều đó trong thời gian trước mắt.
Cho đến nay, vẫn còn rất xa mới có thể đáp ứng được các điều kiện tiên quyết như việc loại bỏ các nguyên nhân suy giảm. Hơn nữa, không phải bất cứ con hổ nào được sinh ra và nuôi dưỡng trong vườn thú cũng sẽ thích hợp để thả ra tự nhiên; hổ con cần có thời gian thiích nghi với những điều kiện giống với nơi ở ngoài tự nhiên, với khả năng săn mồi và chúng phải được đảm bảo ít tiếp xúc với con người. Cũng có khả năng cho việc bổ sung mà không thả những con trưởng thành trong nuôi nhốt, ví dụ đổi những con non sinh ra trong tự nhiên với những con non được nuôi hoặc thụ tinh bởi những con cái hoang dã với tinh dịch từ những con đực không có quan hệ họ hàng trong nuôi nhốt. Nhưng trong bất cứ tình huống nào cũng không có biện pháp xác định như là một hành động bảo tồn cần thiết và khả thi trong các khu vực đặc thù.
Trong khi đó, chiến lược quản lý gen (như đã đề cập trên đây) rất cần thiết để duy trì các quần thể hổ nuôi khoẻ mạnh để chúng có thể tiếp tục đáp ứng tất cả các chức năng bảo tồn được đề ra trong thế kỷ mới, không chỉ là việc lưu giữ nguồn gen. Chương trình hổ sinh sản nuôi nhốt của châu Âu (bắt nguồn từ tiếng Đức và có nghĩa gốc là Chương trình nuôi nhốt sinh sản các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng), gồm tất cả các vườn thú của Nga và các vườn thú tại châu Âu. Hiệp hội bảo vệ động vật Luân Đôn cũng là tổ chức đồng quản lý chương trình Úc về bảo tồn hổ Sumatra, kết hợp với quần thể hổ của châu Âu bởi tổ chức này khá nhỏ để tồn tại độc lập. Tại khu vực bắc Mỹ cũng có chương trinh bảo tồn hổ trong vườn thú riêng của họ, viết tắt là SSP (Kế hoạch cứu hộ loài).