ThienNhien.Net – Cuộc thảo luận về vấn đề nuôi nhốt hổ Bình Dương trên báo chí mặc dù đã tạm lắng song vẫn chưa ngã ngũ. Trong khi chờ đợi quyết định chính thức của Chính phủ, nhiều độc giả tiếp tục gửi thư đến ThienNhien.Net bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề này.
Dưới đây, ThienNhien.Net xin trích đăng các ý kiến của một độc giả ở Hà Nội với 5 vấn đề cần chú ý trong khi đánh giá và giải quyết vụ việc nhân nuôi hổ ở Bình Dương, căn cứ vào các quy định pháp luật của Việt Nam cũng như nguyên tắc bảo tồn các loài động vật quý hiếm được thừa nhận rộng rãi trên phạm vi quốc tế:
Thứ nhất: Đứng trên quan điểm luật pháp hiện hành của Việt Nam, tôi ủng hộ việc Cục Kiểm lâm đưa ra thông cáo báo chí khẳng định việc làm của một số hộ nuôi nhốt hổ tại Bình Dương là bất hợp pháp. Nếu hợp pháp thì các chủ hộ phải có phương án nhân nuôi và được Bộ trưởng Bộ NN&PT phê duyệt (khoản 1 điều 6, Nghị định 32/2006/NĐ-CP). Thêm vào đó, họ phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của 5 con hổ ban đầu. Việc mua 5 con hổ không có bất cứ giấy tờ gì từ một kẻ bán dạo là vi phạm pháp luật.
Hơn thế nữa, không ai có thể đảm bảo chắc chắn về điều chủ hộ nuôi nói là mua 5 con hổ đó đang bị ốm sắp chết và bị mang bán dạo? Dù là người dân thường tại những vùng sâu vùng xa cũng hiểu được là hổ thuộc danh mục hàng quốc cấm, cấm săn bắt hay buôn bán trao đổi những con có nguồn gốc bất hợp pháp, vậy họ có mang đi bán dạo không? Mà nếu có việc đó thì dù ông ta có gọi điện để hỏi ý kiến của bí thư tỉnh ủy (cũ) và được ông này cho phép, nhưng không có văn bản thì không có ý nghĩa về mặt pháp lý. Nếu nói sự đồng ý bằng miệng của ông bí thư là chứng cứ biện hộ cho hành vi nuôi nhốt hổ thì điều đó là không có căn cứ. Ngoài ra, lý luận theo kiểu “khi mua đã báo cáo rồi” cũng rất khó chấp nhận, điều này có khác gì nói tôi mua đồ ăn cắp của người ta rồi gọi điện báo công an là trở thành hợp pháp. Nếu chủ hộ nuôi vô tình mua hổ có nguồn gốc bất hợp pháp do không hiểu luật thì đây chỉ là tình tiết giảm nhẹ mà thôi.
Nhà nước khuyến khích việc nhân nuôi và phát triển những loài động vật hoang dã quý, hiếm nhưng kèm theo đó có rất nhiều yêu cầu về chuồng trại, con giống, kỹ thuật và phải “Đăng ký trại nuôi sinh sản những loài động vật đã được cơ quan khoa học CITES Việt Nam xác nhận bằng văn bản là có khả năng sinh sản liên tiếp qua nhiều thế hệ trong môi trường có kiểm soát” (mục b, khoản 1, điều 10 nghị định 82/2006/NĐ-CP) và “Đăng ký trại nuôi sinh trưởng những loài động vật đã được cơ quan khoa học CITES Việt Nam xác nhận bằng văn bản là việc nuôi sinh trưởng không ảnh hưởng tới việc bảo tồn loài đó trong tự nhiên” (mục c, khoản 1, điều 10 nghị định 82/2006/NĐ-CP).
Thứ hai: Theo như phân tích của các tổ chức bảo tồn, việc làm của các hộ nuôi không có ý nghĩa về mặt bảo tồn. Đâu phải loài nào cũng cứ đưa vào nuôi nhốt và nhân giống là tốt. Việc nhân giống và nuôi nhốt lâu dài không quản lý được nguồn gen “sạch”, và làm mất đi tập tính hoang dã sẽ không có giá trị. Đặc biệt, việc làm này có thể sẽ ảnh hưởng đến công tác bảo tồn loài ngoài tự nhiên và do đó không thể gọi đó là việc làm vì mục đích bảo tồn. Đưa động vật hoang dã vào chuồng trại không thể giảm được nguy cơ đe doạ trong tự nhiên đối với chúng. Ví dụ điển hình ở Việt Nam là các loài hươu sao, ba ba, cá sấu. Hươu sao không còn tồn tại trong tự nhiên, chỉ còn trong nuôi nhốt. Ba ba và cá sấu được nhân nuôi rất nhiều nhưng số lượng trong tự nhiên vẫn không ngừng thuyên giảm bởi người dân vẫn “tích cực” săn bắt chúng.
Nhân giống trong điều kiện nuôi nhốt không thể thay thế việc bảo tồn chúng ngoài hoang dã. Có chăng chỉ là tạo nguồn giống dự trữ, làm công cụ phục vụ công tác giáo dục nâng cao nhận thức, nghiên cứu khoa học. Việc nhân giống phải được quản lý một cách nghiêm ngặt, không để xảy ra tình trạng lai cận huyết, và duy trì được các tập tính hoang dã của chúng một cách tốt nhất trong khả năng có thể. Tất cả yêu cầu này phải duy trì được không dưới 100 năm.
Hiện nay, mỗi chương trình nhân giống bảo tồn một loài động vật hoang dã đang bị nguy cấp thường có sự tham gia của nhiều vườn thú trên thế giới. Mỗi đơn vị tham gia sẽ đảm nhiệm nuôi một số cá thể đã được hoàn chỉnh hồ sơ và hàng năm họ sẽ quyết định cho con nào sinh sản, dựa trên kết quả của mô hình máy tính. Việc làm này đảm bảo được sự cách ly giữa các động vật về mặt địa lý để tránh lai cận huyết, tránh tình trạng bệnh dịch gây chết hàng loạt, chia sẻ khả năng tài chính cho việc nuôi nhốt và cơ sở vật chất cũng như tăng cường công tác giáo dục.
Riêng với loài hổ, hiện nay có 5 phân loài, gồm hổ Ấn Độ, hổ Seberia, hổ Sumatra, hổ Đông dương và hổ Nam Trung Hoa. Nếu hổ Đông Dương được công nhận chia thành phân loài hổ Đông Dương và hổ Malaysia thì sẽ có 6 phân loài. Theo tôi được biết, hiện chưa có chương trình nhân giống bảo tồn quốc tế nào được thực hiện cho hổ Đông Dương, mà các nhà tài trợ và các tổ chức bảo tồn đang nỗ lực đầu tư cho việc bảo tồn chúng ngoài tự nhiên.
Tôi cho rằng các cơ sở nuôi nhốt ở Bình Dương không thể đáp ứng được các yêu cầu nêu trên. Nguồn gốc động vật ban đầu còn mơ hồ và việc quản lý chưa khoa học sẽ gây ra việc lai cận huyết là điều chắc chắn.
Thứ ba: Tôi cũng đồng ý với ý kiến của một chuyên gia bảo tồn đã phát biểu trên ThienNhien.Net rằng việc nhân nuôi trên đây không phải xuất phát từ động cơ bảo tồn mà chỉ là mục đích lợi nhuận. Chính điều này đã được một chủ nuôi khẳng định: về lâu dài họ sẽ phải bán sản phẩm từ hổ để lấy tiền nuôi chúng. Có chủ trại nói rằng ông ta bỏ ra 10 triệu đồng mỗi ngày, tương đương với 300 triệu mỗi tháng và 3 tỷ 600 triệu đồng mỗi năm tiền thức ăn nuôi động vật – quả là một con số mơ ước của nhiều dự án bảo tồn và phát triển cộng đồng ở Việt Nam. Chỉ vì bảo tồn, chỉ vì yêu động vật mà ông ấy bỏ ra như thế thì thật đáng khâm phục. Nhưng thiết nghĩ nếu chỉ vì mục đích bảo tồn ông ấy nên tài trợ cho một dự án bảo tồn hổ nào đó, giúp chính phủ xây dựng và kiện toàn lại cơ sở vật chất trong các vườn thú, các trung tâm cứu hộ làm công tác này thay ông. Chắc chắn công tác bảo tồn hổ ngoài tự nhiên sẽ giúp bảo tồn được nhiều loài khác hơn, mà không làm tăng nguy cơ đe dọa từ việc săn bắt và buôn bán chúng như việc làm nuôi nhốt của họ hiện nay.
Mục đích nhân nuôi vì lợi nhuận được thể hiện rõ hơn ở việc khi chưa được phép họ đã sưu tập một số loài khác nữa để nhân nuôi (vượn, cầy, …). Vậy thì không chỉ có hổ mà sẽ đến lượt tất cả các loài đang bị nguy cấp khác nữa. Và như phân tích ở trên thì có lẽ sau này chúng ta chỉ thấy động vật trong các trang trại thôi, còn ngoài rừng thì trống trơn. Và các tài liệu của chúng ta sẽ phải viết lại rằng: Việt Nam là một nước có sự đa dạng sinh học cao, đứng thứ 16 trên thế giới với rất nhiều loài quý hiếm, như tê giác, vượn voọc, cầy chồn, hổ báo, đang được nuôi nhốt và được bày bán tràn lan trên mọi ngõ ngách…!
Thứ tư: Theo hướng dẫn của IUCN và của CITES, động vật được đưa vào chương trình nhân giống bảo tồn phải có nguồn gốc rõ ràng, nguồn gen còn sạch sẽ, việc nuôi nhốt phải không làm ảnh hưởng đến công tác bảo tồn loài ngoài tự nhiên.
Nếu để cho các chủ hộ tiếp tục nuôi nhốt, chắc chắn sẽ làm dấy lên một phong trào ‘người người nhân nuôi, nhà nhà nhân nuôi’ với tất cả mọi loài, và ai cũng cho rằng đấy là bảo tồn. Mới đây, chủ hộ nuôi nhốt hổ tại Đồng Nai đã lên tiếng “xin” lại hổ đã bị tịch thu từ mấy tháng trước – khi chủ hộ này phong phanh biết được Chính phủ tiếp tục cho các hộ ở Bình Dương nuôi nhốt hổ. Tôi cho rằng, nếu đã cho nhân nuôi thì sẽ có chuyện buôn bán trao đổi. Đến nay, cũng chưa có cơ quan chức năng nào phân biệt được đâu là sản phẩm hổ nuôi nhốt, đâu là sản phẩm ngoài hoang dã. Vậy khi đó, quản lý và kiểm soát sản phẩm bất hợp pháp như thế nào? Chỉ có những người giàu mới có đủ điều kiện để nhân nuôi, mà dân nghèo không có khả năng thì họ sẽ săn hổ từ ngoài tự nhiên để bán cho người giàu. Ở Ấn Độ, người ta đã tính toán rằng việc nuôi nhốt một con hổ từ lúc bé cho đến lúc trưởng thành sẽ tốn kém gấp 250 lần việc tổ chức săn bắt hổ ngoài tự nhiên – vậy thì tội gì không săn bắt. Giới “làm ăn” có thừa các mánh khóe để hợp thức hóa sản phẩm bất hợp pháp. Điều đó sẽ dẫn đến việc gần 100 con hổ ngoài tự nhiên ở Việt Nam sẽ nhanh chóng bị biến mất khỏi những khu rừng.
Xin hãy xem lại một bài học nhãn tiền về gấu ở Việt Nam. Một đàn gấu khoảng 4.500 con đã làm cho Chính phủ tốn bao công sức và tiền bạc để gắn chíp và quản lý. Kể từ khi gấu bị săn bắt và đem nuôi nhốt khai thác lấy mật, số lượng gấu ở Việt Nam đã suy giảm một cách nhanh chóng. Những kẻ săn bắt gấu cho biết, hiện nay họ rất hiếm khi săn được gấu tại các khu rừng ở Việt Nam – mà phải sang tận bên Lào để săn. Điều này có nghĩa là số lượng gấu ngoài tự nhiên ở Việt Nam không còn bao nhiêu. (Chỉ còn lại một số ít tại những nơi được quản lý và bảo vệ rất nghiêm ngặt – ThienNhien.Net).
Thứ năm: Có ý kiến cho rằng, Chính phủ dùng luật để “bắt nạt dân” và việc nhân nuôi hổ này mang lại nhiều lợi ích cho dân. Tuy nhiên, thử hỏi dân ở đây là ai? Chỉ có vài hộ, cộng thêm một số người lao động làm thuê cho họ. Sau đó, nếu được buôn bán trao đổi sẽ có thêm một số người vận chuyển, tiêu thụ nhỏ nữa.
Hiện nay, nhờ có hổ (tất nhiên là còn nhiều loài khác nữa) mà rất nhiều người dân nghèo sống gần các khu bảo tồn được hưởng lợi từ các dự án bảo tồn và phát triển. Khi cho nhân nuôi, liệu những người dân này có được hưởng lợi hay không? Cũng có thể khi các chủ nuôi bán được nhiều hổ, làm từ thiện cho người dân một ít tiền ở một vùng cụ thể nào đó. Nhưng có bù lại được không khi mà các nhà tài trợ chấm dứt tài trợ dài hạn cho các dự án đang được thực thi ở các cộng đồng này?
Cá nhân tôi cho rằng, Nhà nước cần xử lý triệt để vụ việc này để làm gương, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật Việt Nam, không tạo ra tiền lệ xấu cho vấn đề nhân nuôi động vật hoang dã ở nước ta. Thà mất đi 43 con hổ (có giá trị ước tính khoảng 2,15 triệu đô la Mỹ) của một số ít cá nhân chứ không nên làm mất đi những dự án bảo tồn thiên nhiên và phát triển cộng đồng hàng chục/hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi năm ở Việt Nam. Thêm vào đó, hành động kiên quyết sẽ nâng cao được vị thế của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn cũng như phát triển.
Một ý khác tôi thấy cần so sánh: Có rất nhiều người đang ủng hộ việc dỡ bỏ phần xây dựng trái phép của các tòa nhà ở Hà Nội – thế thì tại sao không ủng hộ việc Chính phủ sẽ xử lý nghiêm việc buôn bán hổ?
Tựu chung lại, có những lĩnh vực đặc thù chuyên môn và cần đảm bảo lợi ích của xã hội thay vì cá nhân nên không thể tuỳ tiện hô hào “xã hội hoá” được. Việc nuôi nhốt và bảo tồn nguồn gen của loài là công việc đòi hỏi đầu tư nghiêm túc về mặt khoa học. Xã hội hóa trong việc bảo tồn loài nên được thực hiện thông qua khuyến khích người dân tài trợ cho các dự án bảo tồn, nâng cao ý thức trong việc tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã…