15 năm phát triển, TPHCM đã có 14 khu chế xuất và khu công nghiệp (KCX-KCN) nhưng đến nay mới chỉ có 6 KCX-KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Một thực trạng là càng đầu tư phát triển công nghiệp bao nhiêu thì hiểm họa ô nhiễm môi trường càng đến gần với cộng đồng cư dân bấy nhiêu…
Có kẽ hở để… lách
Vì sao suốt thời gian dài xây dựng các KCX-KCN, việc xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức? Một cán bộ Phòng Quản lý Xây dựng và Môi trường của Ban quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza) cho biết, trước đây việc quản lý môi trường tại các KCX-KCN theo Quyết định số 76 của UBNDTP. Quyết định này cho phép các nhà đầu tư hạ tầng xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung khi diện tích trong KCX-KCN đã cho thuê 50% tổng diện tích.
Đây chính là kẽ hở để các nhà đầu tư “lách”, trì hoãn việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung và Hepza cũng không có quyền bắt buộc họ phải xây dựng nhà máy xử lý nước thải khi KCX-KCN mới đi vào hoạt động. Trên thực tế, một số KCX-KCN như Tân Thuận (Q7), Linh Trung (Q.Thủ Đức)… xây dựng theo mô hình nước ngoài nên hạ tầng kỹ thuật gắn liền với hạng mục xây dựng nhà máy xử lý nước thải công nghiệp tập trung. Riêng các KCN hình thành sau như Tân Bình (Q.Tân Bình), Bình Chiểu (Q.Thủ Đức), Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh)…, nhà đầu tư hạ tầng chỉ tính đến việc xây dựng hạ tầng và cho thuê, còn nước thải công nghiệp tại đây thì bỏ mặc doanh nghiệp tự xử lý.
Ở những KCX-KCN chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung, các doanh nghiệp cứ xả nước thải ra kênh rạch. Tuy nhiên, tại các KCX-KCN đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung và đưa vào vận hành, thì việc theo dõi các doanh nghiệp đấu nối vào hệ thống chung cũng có vấn đề. Có thể dẫn chứng về KCN Tân Bình nằm ở ngay nội thành nhưng gần 15 năm phát triển… mới xây dựng xong nhà máy xử lý nước thải và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung trong năm 2006. Qua kiểm tra 27 doanh nghiệp trong KCN này có 6 doanh nghiệp chưa đấu nối vào hệ thống chung của KCN mà xả thẳng ra hệ thống kênh rạch. Cụ thể như ở KCN Bình Chiểu có đến 26 doanh nghiệp xả nước thải vào hệ thống cống chung của TP và 16 doanh nghiệp xả nước thải trực tiếp vào hệ thống kênh mương xung quanh.
Việc quản lý giám sát xử lý nước thải của các doanh nghiệp trong KCX-KCN lại càng khó khăn hơn khi các văn bản quy định “vô tình” tạo điều kiện cho doanh nghiệp đối phó với cơ quan chức năng. Anh Phan Thanh Trực, Phó phòng Quản lý Xây dựng và Môi trường Hepza, nói: “Tuy có chức năng, quản lý môi trường trong các KCX-KCN nhưng chúng tôi muốn kiểm tra cơ sở nào cũng phải báo trước cho đơn vị, doanh nghiệp đó; nếu có vi phạm chúng tôi phải làm văn bản đề nghị Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) xử lý…”. Như vậy, lại có trường hợp, quanh năm doanh nghiệp đó tha hồ xả thải nước công nghiệp ra kênh rạch để tránh phải nộp phí nước thải, nhưng đến khi biết có cuộc kiểm tra thì… đấu nối vào hệ thống xử lý chung (!?).
Ô nhiễm… chuyển vùng?
Vấn đề môi trường của thành phố đã đến mức báo động. Thời gian qua thành phố cũng đã có chủ trương vận động di dời một số cơ sở sản xuất ô nhiễm trong nội thành ra các KCX-KCN. Kết quả đã có 1.195 cơ sở đã thực hiện hoàn tất việc di dời, trong đó có 583 cơ sở đã di dời, ngưng sản xuất 372 cơ sở, chuyển đổi ngành nghề 78 cơ sở và khắc phục ô nhiễm được xóa tên khỏi danh sách 96 cơ sở khác! Di dời những cơ sở sản xuất ô nhiễm từ nội thành đến một địa chỉ khác để tiếp tục sản xuất, liệu có hợp lý? Một cán bộ Sở Công nghiệp thành phố cho biết, di dời các cơ sở này ra các KCN là để có hệ thống xử lý môi trường tập trung và cơ bản vẫn là vận động các cơ sở sản xuất ô nhiễm chuyển đổi ngành nghề. Cách giải thích này chưa thật sự thuyết phục bởi lẽ, các KCN được xây dựng để đón các doanh nghiệp di dời như Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), Hiệp Phước (huyện Nhà Bè)… thì đến nay chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Như vậy, ô nhiễm nội thành sẽ chuyển đến các vùng đầu nguồn nước, khiến cho tình hình ô nhiễm môi trường ở thành phố ngày càng nghiêm trọng hơn.
Mới đây, Sở TN-MT TP liên tiếp có 2 văn bản báo cáo UBND thành phố về tình hình đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của các KCX-KCN và kiến nghị các biện pháp xử lý. Công văn này cũng đề xuất việc xem xét trách nhiệm cá nhân đối với lãnh đạo Công ty CP đầu tư xây dựng Sài Gòn Tây Bắc – chủ đầu tư KCN Tân Phú Trung và Công ty CP KCN Phong Phú (huyện Bình Chánh) – Chủ đầu tư KCN Phong Phú trong việc quản lý vấn đề xử lý nước thải, việc mà lâu nay chúng ta vẫn thường… “bỏ qua”.