Tăng cường đầu tư cho khoa học – công nghệ là nhiệm vụ hàng đầu của ngành nông nghiệp trong những năm tới để sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn Việt Nam tiếp tục tăng trưởng bền vững, với tốc độ khoảng 5,5% mỗi năm.
Quan tâm tới vấn đề giải quyết giống tốt sẽ là khâu quyết định để nâng cao năng xuất, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đẩy mạnh việc đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, lấy phát triển bền vững về kinh tế làm trọng tâm để phát triển bền vững xã hội và môi trường.
Bộ sẽ có nhiều biện pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông nghiệp-nông thôn; nâng cao năng lực của người dân; đẩy nhanh việc qui hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh theo hướng hiện đại và bền vững, nhằm cải thiện điều kiện sản xuất và nâng cao mức sinh hoạt của người dân.
Khoảng 20 năm trở lại đây, sản xuất nông nghiệp Việt Nam đã tăng trưởng nhanh và ổn định. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trung bình 5,5% mỗi năm. Nhờ đó, Việt Nam đã cơ bản giải quyết được vấn đề an ninh lương thực, mở đường chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển các ngành phi nông nghiệp.
Từ một nền nông nghiệp tự cấp, tự túc, năm 2004 Việt Nam đã xuất khẩu 4,2 tỷ USD nông-lâm sản, tăng khoảng 32% so với năm trước và là con số cao nhất từ trước tới nay. Một số sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam đứng vào hàng cao nhất thế giới như hồ tiêu, cà phê vối, gạo và điều. Mức thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn trong vòng 10 năm trở lại đây đã tăng gấp đôi.
Với 90% người nghèo Việt Nam sống ở nông thôn, nông nghiệp phát triển tạo nền tảng vững chắc cho công cuộc xóa đói giảm nghèo. Trong những năm qua, 80% thu nhập tăng thêm của các hộ thoát nghèo là nhờ vào sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ hộ đói nghèo nông thôn giảm đều với mức 2% mỗi năm.
Trên 94% số xã đã có đường ôtô đến trung tâm, 100% xã có trạm y tế; gần 100% xã có trường tiểu học, gần 90% số xã có điện lưới quốc gia và 58% dân nông thôn được sử dụng nước sạch.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mặc dù nền nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, nhưng chưa thể nói quá trình phát triển của nông nghiệp Việt Nam là bền vững. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi diễn ra với tốc độ nhanh, thay đổi cơ cấu mạnh đã làm thay đổi cả phương thức sử dụng tài nguyên tự nhiên đất, nước, sinh học trên quy mô lớn, bên cạnh đó công tác điều tra khảo sát quy hoạch, thiết kế, kiểm tra, giám sát còn nhiều bất cập làm xuất hiện nguy cơ phá vỡ cân bằng sinh thái, đe dọa khả năng cạnh tranh vững bền của ngành hàng.