ThienNhien.Net – Rất quan tâm đến vấn đề bảo tồn động vật hoang dã của Việt Nam, một số chuyên gia nước ngoài đã gửi về ThienNhien.Net những bài viết thể hiện rõ quan điểm của họ trước câu chuyện hổ nuôi nhốt hiện nay.
Josh Kempinski (Chuyên gia bảo tồn):
Cũng như rất nhiều người yêu mến động vật khác, tôi cảm thấy việc nuôi nhốt và nhân giống hổ như những “bộ sưu tập tư nhân” ở tỉnh Bình Dương đang là mối đe dọa cho công tác bảo tồn và làm tăng thêm áp lực tuyệt chủng đối với loài này. Dưới đây là một vài luận điểm của tôi phản đối việc các cơ sở tư nhân nuôi và nhân giống hổ:
1) Những con hổ đang được nuôi nhốt và nhân giống tại những cơ sở này đều có nguồn gốc bất hợp pháp. Những quần thể hổ ngoài hoang dã tại các nước Đông Nam Á cũng như tại các nước trong vùng phân bố của hổ, đang bị phân tán và suy giảm một cách nhanh chóng. Nguồn hổ để cung cấp cho các cở sở tư nhân là hiểm họa đáng kể cho sự tồn tại của chúng.
2) Những con hổ được sinh ra tại các trại nuôi sẽ không và sẽ không bao giờ có thể thả trở lại được tự nhiên. Chúng bị mất hết tập tính săn mồi tự nhiên và bản năng tránh xa con người, vì vậy không thể sống sót nếu được thả ra. Thêm vào đó là hiểm họa từ việc làm lây lan dịch bệnh và lai tạp đối với những con ngoài tự nhiên.
3) Thông tin từ nhiều báo cho thấy việc nuôi nhốt hổ trong chuồng và cho sinh sản vài con mỗi năm làm cho đông đảo công có suy nghĩ: a) Nuôi nhốt hổ có nguồn gốc từ hoang dã và hành vi tốt, b) hổ sẽ “không có vấn đề gì’ (không bị tuyệt chủng) nhờ những hoạt động nhân nuôi và c) việc bảo tồn hổ ngoài tự nhiên là việc làm lãng phí thời gian và tiền bạc (khi chúng ta chỉ cần mang chúng nhốt vào chuồng hoặc một khu đất nhỏ rồi cho sinh sản!). Hành vi này đã đi ngược lại với các hoạt động khó khăn nhưng rất có ý nghĩa của nhiều tổ chức và cá nhân, những người đang giúp nâng cao nhận thức về nạn buôn bán động vật hoang dã và sự khủng hoảng mà các loài thú lớn cũng như các loài động vật hoang dã khác đang phải đối mặt với ở Việt Nam. Hoạt động nhân nuôi của các cơ sở tư nhân này đang ngấm ngầm phá hoại các chương trình nhân giống bảo tồn, bằng việc tạo ra sự nhầm lẫn cho các cơ quan chức năng và người dân.
Tiến sĩ Keith Williams (nguyên Cố vấn trưởng Dự án Xây dựng chiến lược quản lý hệ thống khu bảo vệ ở Việt Nam đến 2010 của Cục Kiểm Lâm – Bộ NN và PTNT)
Thật không may khi một số người có ảnh hưởng lớn đến dư luận không nhận thức được vấn đề này. Họ chỉ nghĩ đến những cá thể và nhóm hổ đó. Bất kể chúng không được thả lại tự nhiên, chúng vẫn là sản phẩm của việc buôn bán bất hợp pháp và bị nuôi nhốt trong những điều kiện chuồng trại. Rõ ràng cần xem lại quan điểm bảo tồn đa dạng sinh học hoặc chính các bạn sẽ bị dư luận quốc tế đánh giá là không tuân thủ các nguyên tắc và thông lệ trong các thoả thuận quốc tế, đặc biệt là Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật nguy cấp (CITES) và Công ước đa dạng sinh học (CBD) mà các bạn đã ký kết. Chính các bạn sẽ tạo một ấn tượng không tốt trên trường quốc tế.
Vấn đề bảo tồn các loài bị đe dọa không phải là giữ được số lượng cá thể của loài ở một quốc qua hay trên phạm vi trên toàn thế giới mà là bảo đảm số lượng cá thể của loài tồn tại trong sinh cảnh tự nhiên. Giữ một số lượng lớn cá thể của loài trong điều kiện nuôi nhốt không giúp ích gì cho công tác bảo tồn loài mà còn gây ra nhiều vấn đề khi phải xử lý chúng. Những cá thể hổ nuôi nhốt không thể thả lại được tự nhiên (chúng không có được kỹ năng săn mồi và bản năng sợ người nữa). Điều đó cũng có thể dẫn đến việc các bộ phận của hổ sẽ được sử dụng làm thuốc, như vậy càng tăng thêm nguy cơ tuyệt chủng của các cá thể ngoài tự nhiên dưới áp lực săn bắn phục vụ nhu cầu thị trường. Nguyên nhân là do chúng ta không thể phân biệt được những bộ phận này là từ nguồn săn bắt hay từ nguồn nuôi nhốt một khi chúng được đem ra buôn bán. Như vậy thì việc nuôi nhốt thực ra càng làm gia tăng nguy cơ tuyệt chủng của loài hổ.
Không những không đáng được ca ngợi, việc nhân nuôi hổ tại tỉnh Bình Dương cần bị đánh giá là không mang giá trị bảo tồn chút nào. Việc nuôi nhốt hổ nên bị coi là bất hợp pháp và trong trường hợp không thể chuyển chúng về các vườn thú quốc tế (mặc dù thực tế có vẻ không như vậy), nên để chúng được hưởng cái chết nhân đạo (nhờ những chuyên gia thú y) và tiêu huỷ xác công khai. Cục Kiểm lâm và Bộ Nông nghiệp và PTNT cần sự tham gia hỗ trợ của các tổ chức, đơn vị quan tâm trong khâu xử lý này.