Thực tế và những ý kiến sai lầm về buôn bán hổ

ThienNhien.Net – Xung quanh những ý kiến về việc xử lý số hổ nuôi nhốt ở Bình Dương, chúng tôi xin cung cấp tới độc giả thêm một nguồn tài liệu tham khảo tổng hợp về vấn đề quản lý nuôi nhốt và buôn bán loài động vật quý hiếm này dưới quan điểm của các nhà bảo tồn quốc tế hiện nay.

Hợp thức hóa buôn bán hổ nuôi nhốt là quyền của bất kỳ quốc gia nào?

Thực tế:

– Nghị quyết 12.5 trong cuộc hội thảo về công ước CITES yêu cầu các quốc gia thành viên nghiêm cấm việc buôn bán các bộ phận của hổ cũng như các sản phẩm từ hổ, cả trong nước và trên phạm vi quốc tế, thậm chí là từ nguồn gốc nuôi nhốt. Nghị quyết này đã nhận được sự đồng thuận của tất cả các thành viên.

– Các quốc gia trong phạm vi phân bố của các quần thể hổ hoang dã không có quyền đơn phương quyết định hợp thức hóa bất cứ hình thức buôn bán hổ nào.

– Bất cứ quốc gia nào hợp thức hóa việc buôn hổ kể từ thời gian này sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc làm mất đi những con hổ ngoài hoang dã do bị xâm hại.

Việc ngăn cấm buôn bán hổ đã không có hiệu quả, vì vậy cần phải có cách tiếp cận mới?

Thực tế:

– Việc ngăn cấm buôn bán các sản phẩm từ hổ trong phạm vi quốc gia và quốc tế đã giúp quần thể hổ ở Nga hồi phục và các quần thể hổ ngoài hoang dã tiếp tục tồn tại.

– Nếu không có việc ngăn cấm này, các quần thể hổ ngoài hoang dã thậm chí có thể còn tồi tệ hơn hiện nay.

– Kinh nghiệm cho thấy rằng việc ngăn cấm buôn bán các loài động vật đang nguy cấp khác rất có hiệu quả – nếu được ủng hộ và thực thi một cách hợp lí.

Các phương pháp bảo tồn truyền thống không có hiệu quả khi các bằng chứng cho thấy các quần thể hổ ngoài hoang dã đang tiếp tục bị suy giảm?

Thực tế:

– Một số quốc gia trong vùng phân bố tự nhiên của hổ đã sử dụng quyền lực chính trị và đầu tư ngân sách cần thiết cho công tác bảo tồn hổ theo phương pháp truyền thống.

– Việc bảo vệ môi trường sống, nguồn thức ăn kết hợp với các nỗ lực chống nạn săn bắt đã duy trì  ổn định các quần thể hổ ngoài hoang dã ở vùng Viễn Đông Nga, Ấn Độ và một số vùng khác nữa.

– Các quần thể hổ hoang dã thường sống sót và phát triển mạnh hơn nhiều nếu chúng được bảo vệ tốt tại chỗ.

– Việc bảo tồn cho một con hổ theo biện pháp truyền thống tốn ít chi phí hơn rất nhiều so với việc bảo tồn chuyển vị và còn giúp bảo tồn toàn bộ các loài và các hệ sinh thái.

Việc nhân nuôi hổ sẽ cung cấp đáp ứng được nhu cầu về sản phẩm từ hổ với giá hợp lí?

Thực tế:

– Ở Ấn Độ, việc chăm sóc một con hổ trong nuôi nhốt cho đến lúc trưởng thành sẽ đắt gấp 250 lần việc săn bắt chúng từ ngoài hoang dã. Vì vậy, việc săn bắt hổ từ tự nhiên rẻ hơn so với hổ có nguồn gốc hợp pháp.

– Các thủ tục pháp lý làm cho chi phí sản phẩm từ hổ có nguồn gốc nuôi nhốt tăng lên, khiến cho việc săn bắt hổ với chi phí thấp hơn càng có sức hút.

– Chưa có bằng chứng nào chứng minh hổ trang trại sẽ là biện pháp kinh tế đối với việc săn bắt hổ.

– Chưa có đủ thông tin về nhu cầu tiềm năng nếu việc lệnh cấm được bãi bỏ.

Buôn bán hợp pháp sản phẩm hổ có nguồn gốc nhân nuôi sẽ làm giảm nhu cầu các bộ phận hổ ngoài hoang dã?

Thực tế:

– Chưa có bằng chứng nào chứng minh cho giả định này.

– Việc hợp pháp hóa buôn bán sẽ kích thích nhu cầu của những người từng tiêu thụ trước đó và thu hút thêm người tiêu dùng mới, vì vậy sẽ làm tăng nhu cầu.

– Người tiêu dùng thường cho rằng xương hổ có nguồn gốc hoang dã sẽ giúp tăng cường sức khỏe, điều đó làm cho xương hổ hoang dã sẽ có giá trị hơn là xương có nguồn gốc từ nhân nuôi.

– Không thể phân biệt được sản phẩm từ hổ có nguồn gốc hoang dã với sản phẩm từ hổ nhân nuôi. Vì vậy, việc hợp thức hóa buôn bán sản phẩm từ hổ nhân nuôi sẽ khiến công tác ngăn chặn các sản phẩm từ hổ trong hoang dã khó khăn hơn nhiều.

Một ngày nào đó hổ nhân nuôi sẽ được thả ra tự nhiên mà vẫn đảm bảo được sự sống sót của những con hổ ngoài hoang dã?

Thực tế:

– Hổ hoang dã có thể được duy trì một cách dễ dàng hơn rất nhiều và tốn ít chi phí hơn bằng cách bảo vệ nơi sống và con mồi của các quần thể ngoài tự nhiên.

– Hầu hết tất cả các trại nuôi đều không thể biết rõ được phả hệ gen để thả chúng ra tự nhiên

– Hổ trong các trại nuôi đều rất dễ sinh sản với các hổ khác, những con hổ có nguồn gốc hoang dã trong vùng có tập tính phân biệt lãnh thổ sẽ có thể giết chết hổ được thả ra từ trại nuôi.

– Cho đến nay, việc tái thả hổ và các loài thú ăn thịt khác đều đã thất bại và kết quả là làm nguy hại đến sinh mạng con người, đến vật nuôi và các loài động vật hoang dã khác nữa trong phạm vi tái thả.

– Vì không sợ người nên hổ có nguồn gốc nuôi nhốt sẽ dễ dàng bị săn bắt.

– Nếu được quản lý tốt, số hổ ngoài hoang dã hiện nay có thể đảm bảo được sự hồi phục. Thực tế cho thấy thực thi triệt để được các điều luật hiện hành thì chúng sẽ “sinh sản như mèo” do nơi sống và con mồi được bảo vệ.

Sản phẩm từ hổ là cần thiết cho sức khỏe con người và để duy trì ổn định bản sắc văn hóa?

Thực tế:

– Các thành viên đứng đầu trong ngành công nghiệp sản xuất thuốc bắc (TCM) nói rằng họ không cần hoặc muốn sản phẩm từ hổ lại tiếp tục bị buôn bán, các sản phẩm như thế sẽ làm tổn hại đến danh tiếng của TCM. Cần tôn trọng ước vọng và quan điểm này, đặc biệt là những nỗ lực sử dụng sản phẩm thay thế xương hổ.

– Người đứng đầu các cộng đồng dân tộc thiểu số đã từng dùng trang phục da hổ hiện nay đang khuyến khích người dân của họ chấm dứt mặc các đồ lông hổ và các loài động vật hoang dã khác.

Hợp pháp hóa buôn bán sản phẩm từ hổ nuôi nhốt sẽ nâng cao cuộc sống của dân địa phương?

Thực tế:

– Hợp thức hóa việc buôn bán hổ có nguồn gốc nhân nuôi sẽ chỉ tăng cường (làm lợi thêm) cuộc sống của những người đã thực sự giàu có như: chủ trại nuôi, nhà sản xuất thuốc, hoặc là cho mạng lưới tội phạm đưa hổ có nguồn gốc vào thị trường này.

– Việc tăng cường cuộc sống cho người nghèo ở nông thôn rất quan trọng, nhưng việc hợp pháp hóa buôn bán các sản phẩm hổ sẽ không thể đạt được điều đó. Ở Ấn Độ, người dân nghèo khó sống gần những khu bảo tồn hổ có thể dựa được vào nguồn thu nhập từ các hoạt động du lịch và nghề thủ công. Vì vậy, cho mở lại việc buôn bán xương hổ ở Trung Quốc sẽ làm nguy hại đến người dân nghèo ở Ấn Độ.

– Việc buôn lậu bộ phận và các sản phẩm từ hổ là dấu hiệu của việc thực thi luật pháp yếu kém trong việc ngăn chặn việc buôn bán qua biên giới, điều đó có ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội và kinh tế. Tham gia nhiệt tình  vào những nỗ lực đa phương là cách các chính phủ cùng nhau hướng đến cuộc chiến không chỉ với tệ nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép, mà còn đối với nhiều loại tội phạm khác nữa.


* Tài liệu này được tổng hợp với sự tham gia của Trường đại học Y học cổ truyền Hoa Kỳ, Tổ chức Bảo tồn Quốc tế (CI), Cơ quan Thanh tra Môi trường (EIA), Tổ chức Con người Quốc tế (HSI), Quỹ quốc tế về Quyền động vật (IFAW), Quỷ bảo tồn Hổ (STF), Tổ chức TRAFFIC quốc tế (TRAFFIC), Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang Dã (WCS), Tổ chức bảo tồn Động vật Hoang dã Ấn Độ (WTI), Hiệp hội Bảo vệ Động vật hoang dã Ấn Độ (WPSI), Hiệp hội Bảo vệ Động vật hoang dã Thế giới (WSPA) và Quỹ Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF).