ThienNhien.Net – Người dân vùng ven đồi cát ở 2 huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh (Quảng Bình) có một cách lấy nước độc đáo không giống ai. Đó là việc họ biết tự chủ để nâng cao chất lượng nước dùng sinh hoạt, phù hợp với điều kiện của người dân vùng nông thôn nghèo, hợp vệ sinh và mang tính bền vững.
Quê tôi ở xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh thuộc tỉnh Quảng Bình – nơi có cồn cát trắng chạy dài ven biển. Nhìn những cồn cát trắng ấy, tưởng như chỉ toát lên cảnh của sự hoang sơ hay chang chang cái nắng hè bỏng rát. Nhưng chính thiên nhiên nơi đây lại luôn cất giử một nguồn nước mát trong lành từ trong lòng cát.
Nước ở đây có thể nói như là một đặc sản vì nó vừa sẵn, vừa trong, lại ngọt mát ngon lành. Vài chục năm trước, hầu hết người dân quê tôi thường uống nước lã. Đặc biệt, những ngày hè nóng nực ai đi đâu về đâu lữ hành qua đất Võ Ninh, đang cơn khát hãy vục đầu xuống dòng nước trong mát rượi chảy từ chân bờ cát trắng ra mà hớp ừng ực thì chao ơi là sảng khoái!
Nước từ đâu ra? Đó chính là từ nước mưa hằng năm vẩn ngấm xuống đồi cát được lòng cát lưu giử, chắt lọc qua cả núi cát trắng tinh rồi từ từ chảy ra ven chân đồi cát. Đây chính là nhà máy lọc nước tự nhiên hiếm có mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này. Bằng cách lấy nước trực tiếp từ ao rãnh ngay bờ cát chảy ra hoặc làm một cái giếng nhỏ đơn giản là có ngay nước để dùng.
Những năm về sau, nhiều gia đình tự đào giếng khơi tại nhà. Nhà nước cũng có chủ trương hổ trợ khoan giếng theo dự án của UNISEV cho mọi gia đình. Thế nhưng, nước của 2 loại giếng này lại không ổn: giếng khơi thì nước không ngọt, còn nước giếng khoan của dự án thì bị nhiểm phèn và có thể còn những vi chất không mong muốn khác khi lấy nước khoan sâu trong lòng đất.
Cái khó ló cái khôn, để khắc phục các nhược điểm trên mà tận dụng được nguồn nước tốt, mấy năm gần đây người dân các xã ở ven bờ cát của huyện Lệ Thuỷ và Quảng Ninh đã áp dụng một cách lấy nước độc đáo rất tiện dụng và sáng tạo.
Ý tưởng này được vận dụng tương tự như việc dẫn nước suối bằng đường ống về bản làng ở vùng núi. Phương pháp chính là sử dụng ống nhựa để dẫn nước từ bờ cát về tận từng gia đình. Nhưng quan trọng hơn là ở việc xử lí đầu lấy nước vào, đó là sử dụng nhiều ống lọc bằng nhựa từ giếng khoan của dự án (có bán nhiều ở thị trường) gắn liên kết lại thành một cụm nhằm tăng tiết diện tiếp xúc của đầu lọc để có được nhiều nước chảy vào ống dẫn nước. Từ chân bờ cát, ống dẫn nước chính sẻ nối dài đưa nước về từng hộ gia đình. Nhiều gia đình hai cùng làm chung, vừa tiện dụng, vừa đỡ bớt chi phí.
Do độ chênh của địa hình, nước chảy trong ống dẫn chính thường chậm, nhưng bù lại – nước chảy suốt ngày đêm nên mỗi nhà đều xây cho mình một bể chứa cỡ 1 m3 có nắp đậy để chứa nước.
Bây giờ, đã có đến 60 – 70% hộ gia đình vùng ven đồi cát huyện Lệ Thuỷ và Quảng Ninh áp dụng cách lấy nước này để đáp ứng cho mọi nhu cầu sinh hoạt.