ThienNhien.Net đã có cuộc trao đổi với Gs. Võ Quý, một chuyên gia lớn trong lĩnh vực bảo tồn về câu chuyện nuôi nhốt hổ hiện đang "nóng hổi" trên các báo cũng như đối với những người quan tâm đến thiên nhiên và động vật hoang dã của Việt Nam. Xin đăng tải để bạn đọc cùng chia sẻ:
ThienNhien.Net (TNN): Thưa GS, việc nuôi nhốt của các chủ hộ tư nhân trong tỉnh Bình Dương trong thời gian qua có phải là bất hợp pháp?
Gs. Võ Quý: – Theo tôi, không phải nuôi con vật hoang dã là phạm luật mà phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Ví dụ như gấu nuôi lấy mật như hiện nay thì không nên, nên cấm và phải cấm vì tất cả đều bắt từ tựu nhiên đem về nuôi khai thác, để kiếm tiền.
– Nhưng nếu nuôi cho đẻ ra những thế hệ sau thì vấn đề lại khác. Hiện nay loài hổ này không còn nhiều. Trên thế giới cho đến nay đã có nhiều nơi nuôi và cho đẻ (bảo tồn chuyển vị) nhưng chưa có một cá nhân nào nuôi và cho đẻ được nhiều như thế trong một thời gian ngắn. Cho nên, xét về mặt luật pháp thì việc nuôi những con hoang dã có vẻ là không nên; nhưng câu chuyện ở đây là ông ta nuôi những con ốm và đã báo cáo, rồi lại đã được phép. Có người tự nguyện nuôi cho là may rồi – chứ nếu không nó đã chết từ đời nào. Ông ta nuôi chúng mà không khai thác – và nó lại đẻ – và đều có báo cáo. Làm được như thế là rất tốt. Rồi đây nếu tổ chức thả lại được những con hổ ấy vào tự nhiên thì rất tốt – tất nhiên là không dễ, và tốn rất nhiều công sức cũng như cần có thời gian. Ít nhất, việc nuôi thành công từ những con hổ non ốm yếu và cho hổ đẻ được là tốt rồi.
TNN: Xin Gs. cho biết, việc nuôi nhốt có ảnh hưởng gì đến bảo tồn loài hổ ở Việt Nam?
Gs. Võ Quý: Không nên cấm những ai đăng ký, nuôi và cứu hộ được các loài động vật quý hiếm, như với loài Voọc ở Cúc Phương ấy chẳng hạn. Trung tâm cứu hộ linh trưởng Cúc Phương nuôi dưỡng thành công và đang chuyển dần chúng trở lại tự nhiên. Đối với hổ cũng làm được như vậy thì rất tốt và tôi nghĩ là chúng ta nên khuyến khích.
– Về luật pháp, người nuôi đã báo cáo, thậm chí xin trả, nhưng không được chấp thuận. Theo tôi nên khuyến khích những hành động bảo tồn theo hướng tích cực.
TNN: Trong quá trình thăm dò ý kiến dư luận, chúng tôi được biết có nhiều ý kiến ủng hộ cho tiếp tục nuôi nhốt số hổ này và khai thác thế hệ F2, vậy ý kiến riêng của GS về việc này như thế nào?
Gs. Võ Quý: Nếu nuôi được đến thế hệ F3, có thể cho sử dụng được.
TNN: Với câu chuyện tư nhân nuôi hổ ở Bình Dương, Việt Nam có bị ảnh hưởng gì trong việc tham gia vào công ước CITES?
Gs. Võ Quý: Theo tôi, họ không sưu tầm từ tự nhiên mà cứu chúng khi sắp chết, vì vậy đáng khen thưởng chứ.
TNN: Điều này liệu có tạo tiền lệ cho những trường hợp khác sau này, tương tự như trường hợp nuôi gấu ở nước ta?
Gs. Võ Quý: Cần xem xét vấn đề cho đầy đủ. Việc nuôi gấu là hoàn toàn không thể được, cấm là phải bởi vì người ta khai thác để lấy tiền chứ đâu phải để nuôi để cứu hộ. Ngược lại, nếu như có người muốn cứu hổ, xin đăng ký nuôi để cho nó đẻ ra, rồi thả vào thiên nhiên khi có điều kiện thì nên khuyến khích.
TNN: Từ đây, lại nảy sinh vấn đề khác: Những con thú hiếm được nuôi mà đẻ được, đẻ nhiều lần, trở thành vật nuôi thì tốt quá, thưa giáo sư?
Gs. Võ Quý: Cần chú ý rằng, trong nuôi nhốt có một vấn đề cần quan tâm là lai cận huyết. Với 6 con hổ thả chung một chuồng, nhân nuôi lên thành hàng chục con thì việc lai cận huyết có giá trị bảo tồn hay không? Tất nhiên, rồi đây chúng ta sẽ phải cải thiện điều đó. Ông Tân ở Bình Dương cũng đã làm việc đó, thông qua thảo luận với vườn thú, để có thể trao đổi các con đực và con cái. Tôi cho rằng đó là việc làm tốt. Nếu được phép nuôi tiếpcần kịp thời suy nghĩ làm việc đó.
TNN: Giáo sư đánh giá thế nào về động cơ của một cá nhân dám mạnh dạn bỏ ra mỗi ngày 10 triệu, mỗi tháng 300.000.000 và mỗi năm gần 4 tỉ đồng để nuôi hổ – chỉ với mục đích bảo tồn thôi ư?
Gs. Võ Quý: Cũng có nhiều người giàu có và thực sự có tình yêu thiên nhiên, bỏ tiền túi mình ra để làm bảo tồn. Nhưng không phải ai cũng có thể đeo đuổi mãi được. Nhưng vấn đề là, sau này khi đã có thế hệ F2, F3 ra đời, số lượng con vật sinh ra khá lớn thì theo đúng luật – ông ấy có quyền khai thác. Lúc đó ông ấy có thể có thể bán cho các vườn thú, bán cho các khu bảo tồn hay trao đổi quốc tế v.v…
TNN: Theo giáo sư thì giải pháp tốt nhất cho vấn đề này hiện nay là gì?
Gs. Võ Quý: Theo tôi, cần khuyến khích ông ấy, không nên tịch thu. Nếu đưa hổ lên Sóc Sơn, những con hổ to như thế, nuôi sẽ rất tốn kém, ai sẽ đầu tư tiền để nuôi? Cơ sở vật chất ở đâu? Các vườn thú, các vườn quốc gia có thể đem về một đôi chẳng hạn, nuôi và tập dần rồi thả ra thiên nhiên. Theo ý kiến của riêng tôi thì không nên quyết định vội vàng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nên lập một hội đồng khoa học gồm các nhà chuyên môn, tham khảo nhiều ý kiến khác nhau, làm thế nào để vừa khuyến khích vừa không phạm luật. Nói rộng ra thì sau này, trong Luật về Đa dạng sinh học của ta nên có mục khuyến khích nhân nuôi vì mục đích bảo tồn. Hiện nay đã có một số loài động vật hoang dã nuôi thành công như lợn rừng, trăn hoặc cá sấu chẳng hạn. Cũng không nên loại trừ các loài quý hiếm.
TNN: Hiện nay chúng ta đã tham gia vào Công ước CITES, vậy vấn đề nguồn gốc của những con hổ ở Bình Dương thì sao?
Gs. Võ Quý: Nguồn gốc của mấy con hổ này đã được ông Tân giải thích rõ ràng là ông ấy đã mua những con hổ ốm sắp chết về nuôi. Tất nhiên như vậy không có nghĩa là khuyến khích tràn lan để người ta vào rừng bắt hổ về nuôi.
TNN: Xin cảm ơn Giáo sư về những trao đổi này.