Dịch bệnh, ô nhiễm môi trường đã khiến gần 90.000 con tôm hùm ở huyện Sông Cầu (Phú Yên) lăn ra chết, gây thiệt hại hơn 30 tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, dịch bệnh còn lan tới vùng đầm Cù Mông. Đã đến lúc, ngành thuỷ sản Phú Yên cần quy hoạch lại vùng nuôi, cải thiện môi trường nước để nuôi tôm hùm không còn là nghề có tính rủi ro cao.
Tôm chết trắng lồng
Cách đây khoảng 10 năm, lúc con tôm sú bắt đầu “đỏng đảnh” thì tôm hùm trở thành cứu cánh của người nuôi trồng thuỷ sản ở Phú Yên. Chẳng bao lâu sau, nghề này phát triển mạnh trên khắp các vùng ven biển, trong đó Sông Cầu đã trở thành vùng nuôi tôm hùm lớn nhất duyên hải miền Trung. Tôm hùm đã giúp hàng ngàn hộ dân thoát nghèo nhưng nó cũng đang làm rơi bao nước mắt.
Ông Phan Vân Đô ở xã Xuân Thọ 1 (huyện Sông Cầu) thở dài: “ Lũ tôm đang phát triển sởn sơ bỗng nhiên bỏ ăn, “lăn đùng” ra chết, phơi trắng bụng. Người nuôi chúng tôi mạt vận đến nơi rồi”. Không chỉ ông Đô, hầu hết người dân quanh đó đều kêu trời trước thảm trạng tôm chết hàng loạt. Hộ “may mắn” ngày chết vài ba con, hộ “xui xẻo” có đến vài ba chục con về “chầu ông vải”. Hầu hết những lồng tôm ở vùng ven vịnh Xuân Đài này đều được thả nuôi gần một năm, tôm đạt trọng lượng 0,6-0,7 kg/con, chưa kịp đến tay thương lái thì thì đã bị “tử thần” cướp mất.
Theo tính toán của những hộ dân ở đây, để nuôi 1.000 con tôm hùm phải có gần 100 triệu đồng. Mặc dù vậy, nhiều hộ vẫn mạnh dạn vay mượn để đầu tư nuôi. Nay chưa kịp thu hoạch thì tôm chết, họ đang đứng trước nguy cơ trở thành… “triệu phú nợ”. Ông Đô cho biết thêm: “Với mức giá như hiện nay (700.000 đồng /kg) thì mỗi con tôm chết là chúng tôi mất đứt 420.000 đồng. Vào vụ, gia đình tôi thả nuôi 1.000 con, chết dần chết mòn giờ chỉ còn khoảng 500 con. Hơn 200 triệu đồng đã trôi theo sóng biển”.
Ông Phạm Văn Tuấn, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Sông Cầu cho biết: “Ngày 1/3/2007, mặc dù số lượng tôm chết có giảm nhưng cũng lên đến hơn 83.000 con, thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng”. Điều đáng quan ngại là tình hình dịch bệnh vẫn chưa dừng lại ở đó. Vùng nuôi tôm hùm ở ven đầm Cù Mông với hơn 8.000 lồng cũng có tôm chết. Cách khắc phục duy nhất là bán đổ bán tháo lũ tôm còn sống dưới bè. Ông Đô than: “Đó cũng chỉ là một cách gỡ gạc chứ bán tôm non là chúng tôi lỗ to. Cứ bán non 100 con tôm là phải chịu mất 5 triệu đồng, đó là chưa kể đến gần 1 năm trời chăm sóc”.
Nguyên nhân?
Những hộ nuôi tôm hùm ở Sông Cầu cho biết: Quan sát bằng mắt thì thấy sau khi chết, tôm có biểu hiện tách khớp đầu, dịch trắng lan rộng ở bụng rồi chuyển sang màu hồng. Một câu hỏi được đặt ra: Dịch bệnh có phải do môi trường nước? Trên thực tế, ở những vùng ven vịnh Xuân Đài thuộc các xã: Xuân Thọ 1, Xuân Thọ 2, Xuân Phương và thị trấn Sông Cầu, người ta đã thả nuôi gần 8.000 lồng tôm hùm. Mật độ ken đặc như thế đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước, thức ăn thải ra gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Sau khi kiểm định xác tôm chết, Phòng Nghiên cứu bệnh thuỷ sản và Dự báo (Viện Nghiên cứu Thuỷ sản 3 – Nha Trang, Khánh Hoà) đưa ra kết quả ban đầu: Vi khuẩn Vibrio Fluvialis trên gan, tụy tôm và ký sinh trùng vi bào tử trùng (Microsporidia) là “thủ phạm” gây tử vong cho tôm.
Ông Nguyễn Văn Do, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Phú Yên cho biết: Do mật độ nuôi quá dày nên tầng đáy của nguồn nước đã bị ô nhiễm nặng. Trong khi đó, từ trước đến nay người nuôi tôm hùm ở Sông Cầu nuôi theo cách thả lồng sát đáy, tôm chịu ảnh hưởng trực tiếp sự ô nhiễm của nguồn nước nên phát sinh dịch bệnh. Ngoài ra, còn có một tác nhân gây bệnh khác là thức ăn. Ngoài thức ăn công nghiệp, bà con còn cho tôm ăn những loại thức ăn tươi như: ghẹ, tôm… Nguồn thức ăn này hầu hết đã bị ươn thối hoặc nhiễm khuẩn nên đã gây hại cho tôm. Ông Do cho biết thêm: “Thức ăn cho tôm đang lưu hành trên thị trường là “muôn trùng”, trong khi đó lực lượng của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Phú Yên chỉ có 17 người, phải thực hiện đến 5 nhiệm vụ nên để làm “sạch” thị trường thức ăn cho tôm đối với chúng tôi là “lực bất tòng tâm”.
Để ngăn chặn dịch bệnh, người nuôi cần cẩn trọng hơn trong việc chọn thức ăn, nhất là khi dùng thức ăn sống phải mua loại thật tươi. Không nên thả lồng sát đáy nước, phải dùng neo hoặc phao treo lồng lên nuôi ở lưng chừng mặt nước, bởi theo kết quả kiểm tra thì tầng trên của nguồn nước chưa bị ô nhiễm.