Đã có hàng trăm tỷ đồng được đầu tư xây dựng hàng nghìn công trình nước sạch cho người dân vùng cao Bắc Kạn kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, nhưng qua theo dõi báo chí và có đi có thấy, có tới vài chục công trình nước sạch đã bị hư hỏng hoàn toàn hoặc hoạt động không có hiệu quả.
Căn bệnh phổ biến là thiếu người quản lý và điều tiết nước nên mạnh ai nấy dùng, thiếu người duy tu bảo quản nên hỏng nhỏ hóa hỏng to rồi bỏ luôn vô cùng lãng phí. Xin nêu một số ví dụ.
Công trình nước sạch Bằng Khẩu ở huyện Ngân Sơn đầu tư từ nguồn vốn vay ngân hàng ADB, theo thiết kế có thể cáp nước cho hàng ngàn hộ dân ở xã Bằng Vân. Nhưng sau khi bàn giao một thời gian ngắn, công trình đã bị tê liệt. Nước không về được tới điểm cuối khiến người dân lại phải đi gánh. Vào mùa khô hạn, hầu hết dân Bằng Khẩu phải mua nước sinh hoạt vì các giếng sâu cũng khô dần. Điều đáng nói là dự án đã đào tạo 2 công nhân quản lý công trình này để khai thác và bảo vệ nguồn nước, nhưng thù lao cho công nhân cũng như quỹ duy tu bảo dưỡng bà con không thực hiện khiến công nhân bỏ việc.
Ngay sau đó, gần 4km tuyến đường ống được thiết kế nhiều bể chứa và bể sử dụng không người quản lý đã bị các hộ dân đầu tuyến và giữa tuyến mặc sức sử dụng cho cả tưới tiêu. Các van khóa và xả nước bị phá hỏng dần, ống gẫy, rò rỉ nhiều đoạn, nước chảy lênh láng ngày đêm rất lãng phí.
Công trình cấp nước sinh hoạt ở Địa Linh (Ba Bể), Đổng Xá (Na Rì).. cũng chung cảnh ngộ.
Thực tế có công trình nước sạch mà dân không có nước được “cấp báo” đã nhiều năm ở nhiều địa phương. Có lẽ chỉ kêu gọi mọi người nâng cao ý thức chưa đủ để bảo vệ công trình bền vững. Chính quyền các cấp cần phải có chế tài xử phạt nghiêm minh với những kẻ xâm phạm tài sản chung của Nhà nước và nhân dân. Đồng thời cần định mức các khoản thu phí hợp lý cho người quản lý duy tu bảo dưỡng hàng năm. Huy động được cộng đồng vào cuộc mới hy vọng các công trình nước sạch đem lại hiệu quả lâu dài, không trở thành “điển hình” của tình trạng lãng phí, thiếu ý thức bảo vệ.