“Đạo đức sinh thái” có lẽ vẫn còn là một khái niệm mới mẻ với nhiều người Việt Nam. Bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Tiến Hữu đã có một bài viết rất sâu sắc đăng trên Tạp chí Truyền hình. ThienNhien.Net xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Trong bài “Gia nhập tổ chức thương mại thế giới – cơ hội, thách thức và hành động của chúng ta” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào dịp Việt Nam chính thức gia nhập WTO có đoạn: “Hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra những vấn đề mới trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hoá và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chống lại lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền”.
Một trong những vấn đề mới trong việc bảo vệ môi trường này có lẽ là vấn đề đạo đức sinh thái cần phải được xét lại và phổ biến ngay để mọi người ý thức được mà cùng nhau hành động.
Trong thời gian gần đây, khi bàn đến sự thoái hoá đạo đức trong cuộc sống, người ta nói nhiều đến “đạo đức nghề nghiệp”, “đạo đức giáo dục”… Nhưng chưa có ai nói tới “đạo đức sinh thái”, mặc dù thiên nhiên, môi trường hiện nay đang bị chính con người chúng ta vì trục lợi mà bóc lột kiệt quệ, phá hủy nghiêm trọng, làm mất cân bằng sinh thái gây hậu quả rất nghiêm trọng…
Muốn phát triển kinh tế gắn liền việc bảo vệ sinh thái môi trường, chúng ta phải thay đổi ngay quan niệm về mô hình phát thần kinh tế và tiếp nhận những giá trị đạo đức mới về bảo vệ thiên nhiên.
Bên cạnh các chính sách, các biện pháp và luật lệ bảo vệ môi trường, chúng ta phải khôi phục lại các giá trị đạo đức sinh thái, khôi phục các quy luật thiên nhiên về sự phát triển các cộng đồng bền vững. Cần làm ngay: khôi phục các tập quán môi trường dân gian, kiến thức cổ truyền bản địa, các giá trị tinh thần và các tôn tạo về quan hệ với thiên nhiên. Đó là đưa giáo dục môi trường và nhận thức sinh thái từ cái nôi gia đình cho đến giáo dục nhà trường kể từ lớp Mẫu giáo đến Đại học và trong mọi sinh hoạt thường nhật của người dân.
Từ xưa tới nay, dân ta còn có khái niệm nông cạn về sinh thái, do đó chỉ đưa ra những giải pháp nhất thời tạm bợ. Từ nay, muốn làm một cuộc cách mạng về đạo đức sinh thái, chúng ta phải hiểu khái niệm sinh thái một cách sâu sắc và toàn diện hơn. Từ năm 1970 nhà triết học Na Uy Arne Naess đã đặt nền tảng cho khái niệm Sinh thái sâu sắc. Đó là sự hiểu biết sâu sắc về toàn bộ các hệ sinh vật trên trái đất và đòi hỏi phải có sự thay đổi quan trọng về văn hoá và văn minh vật chất thông qua liên kết con người với các mạng lưới sinh vật”. Không phải chỉ những lợi ích con người, mà toàn bộ các hệ sinh thái trên trái đất cần được tồn tại. Quan niệm “Trung tâm vũ trụ” lấy thiện nhiên và sự hoà hợp sinh thái làm cơ sở, làm nền tảng phải được coi trọng và phải thay thế quan niệm “Con người vũ trụ” vẫn lấy con người là trung tâm của vũ trụ, một chủ nghĩa đã thống trị âu Mỹ từ rất lâu và làm đòn bẩy cho giấc mơ chinh phục thế giới và vũ trụ.
Hiểu biết về sinh thái sâu sắc giúp con người sống hoà hợp với thiên nhiên. Quan niệm mới này làm nảy sinh một hệ thống giá trị đạo đức mới: sự công bằng sinh thái vì một cộng đồng công bằng, dân chủ và bền vững. Công bằng vì tất cả cùng hưởng lợi từ một nền kinh tế chung theo định hướng bảo vệ sinh thái và cộng đồng. Dân chủ vì mọi con người kể cả mọi sinh vật trên trái đất đều sống chung dưới một mái nhà trái đất. Bền vững vì con người và thiên nhiên không tiêu diệt lẫn nhau, cùng nhau sống hoà thuận (như dân ĐBSCL đang “sống chung với lũ”). Cách sống theo quan niệm sinh thái sâu rộng này đưa đến một xã hội công bằng, một hệ sinh thái toàn vẹn và một môi trường lành mạnh.
Đạo đức sinh thái đòi hỏi những cam kết bảo vệ môi trường sống và mạng lưới cuộc sống.
GS.TS. Dieter Hessel, nhà hoạt động môi trường danh tiếng nước Đức trong cuốn Đa dạng sinh thái, đức tin và đạo đức (1999) đã nêu lên những nguyên lý cơ bản của đạo đức sinh thái như sau:
1. Đoàn kết với mọi người và với các sinh vật.
2. Tuyệt đối tôn trọng Đấng tạo hoá và cộng đồng trái đất
3. Bền vững sinh thái với tập quán lao động và sinh hoạt phù hợp.
4. Công nghệ phù hợp trong phạm vi con người.
5. Lấy nguyên tắc “vừa đủ” làm tiêu chuẩn thực hiện phân phối – chia sẻ một cách có tổ chức.
6. Tiêu dùng bình đẳng.
7. Bình đẳng trong tham gia các hoạt động cộng đồng.
8. Vì lợi ích chung của mọi người và cùng phấn đấu vì lợi ích chung.
Để kết luận, xin trích lời GS, TS. Đặng Huy Huỳnh, thành viên của IUCN – Tổ chức quốc tế bảo vệ tài nguyên thiên nhiên thuộc Liên hợp quốc: “Nếu có một sự khôn ngoan ở loài người, đó là biết cách sống hoà thuận với thiên nhiên chứ đừng bắt thiên nhiên đi theo ý mình. Chỉ có một trái đất. Hãy nâng niu lấy”.