"Điểm danh lâm tặc" ở Quảng Ngãi

Cứ vài cây số dọc theo tuyến tỉnh lộ nối trung tâm huyện Sơn Hà về xã Sơn Giang, Quảng Ngãi, người ta lại thấy những đám khói bốc lên từ những vạt rừng. Trên các triền đồi vốn đã từng được phủ xanh nhờ rừng cây gỗ lớn…giờ lại tái trọc bởi sự tàn phá của con người. Và đằng sau chuyện phá rừng ấy là biết bao vấn đề không chỉ do ý thức người dân.

Dân phá rừng vì đói

Người dân ở huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi hơn ai hết hiểu về tác dụng của rừng đối với cuộc sống của họ và con cái họ. Nhưng họ vẫn phá rừng, đơn giản vì họ đói. Những vụ phá rừng xảy ra liên tiếp trong thời gian qua, phần nào cho thấy vấn đề quy hoạch phát triển và bảo vệ rừng của chúng ta hiện nay là có vấn đề.

Cây bị đốn là chưa đủ. Để tận dụng tối đa diện tích đất đồi, những gốc cây bị đốt cho tới khi thành tro để gia tăng độ màu cho đất. Thế chỗ cho rừng phòng hộ là những nương sắn hay còn gọi là mỳ. Trồng rừng thì mười, tới hai mươi năm mới bắt đầu thu hoạch…còn trồng mỳ cao sản, lợi nhuận đến tức thì.

Ông Đinh Lốp, Hạt trưởng Kiểm lâm Sơn Hà cho biết: “Thực tế ở những nơi người ta phá rừng là để trồng cây nguyên liệu như keo và mỳ là chính”.

Ở xã Sơn Giang, năm 2005, chỉ tiêu trồng mỳ được huyện giao về là 220 ha. Đến cuối năm, diện tích thực tế đã vượt xa con số đó. Và chắc chắn sẽ chưa dừng lại bởi, Sơn Giang vẫn còn trên 75% số hộ nghèo.

 

 Gom gỗ hay phá rừng?

Còn ông Đinh Văn Chi, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Giang cho rằng: “Người dân phá diện tích lớn trên 1000m2 trở lên nên vượt quá thẩm quyền của xã”.

Cách giải quyết của xã hiện nay là đề nghị các cơ quan cấp trên hợp thức hoá diện tích rừng bị phá để cho người dân trồng mỳ.

Nhưng, chuyện phá rừng ở Sơn Hà không chỉ dừng lại ở những người dân với lo toan cơm áo.

Cán bộ tiện đi gom gỗ thì hạ luôn rừng

Chúng tôi đã tới tận hiện trường của một vụ phá rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham. Rừng ở đây đã từng bị phá bởi lực lượng lâm tặc là những người dân. Còn bây giờ, rừng tiếp tục bị phá bởi một lực lượng lâm tặc khác: Công ty cổ phần Nông Lâm sản xuất khẩu tỉnh Quảng Ngãi. Công ty này được phép thu gom lượng gỗ đã bị người dân chặt phá và khoán việc này cho một số cán bộ của công ty. Số gỗ thu gom vì thế đã tăng gấp 4 lần so với con số thực tế. 200 ha rừng ở Sơn Giang đã bị tàn phá vì chính những người đi gom gỗ.

“Có công văn của Sở Nông nghiệp và Ban quản lý dự án rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham là cho phép thu gom, nhưng sau đó số cây còn sót người ta cũng hạ luôn”, anh Nguyễn Văn Đức, Cán bộ địa chính xã Sơn Giang cho chúng tôi biết.

Hơn một nửa số gỗ, vừa thu gom vừa đốn mới được tuồn ra ngoài cho các xưởng cưa, với giá hàng tỷ đồng.

Để hạn chế nạn phá rừng ở Sơn Hà, cũng một vài lần lâm tặc và cả những cá nhân trong cơ quan nhà nước tiếp tay cho lâm tặc phá rừng được đưa ra xử lý trước pháp luật. Nhưng, như thế vẫn chưa là đủ để giải quyết triệt để nạn phá rừng.

Bằng chứng là ngay trong thời gian cơ quan công an đang tiến hành điều tra vụ phá rừng ở Sơn Giang thì ở thôn Nước Rạc thị trấn Di Lăng, hàng chục ha rừng đang trong giai đoạn khoanh nuôi, bảo vệ bị người dân đốn hạ để lấy đất trồng mỳ và keo lai.

 

 Phá rừng để trồng keo

Ông Trương Ngọc Nhi, Phó chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: “Vấn đề chính ở đây là xuất phát từ nhu cầu đất sản xuất để trồng cây nguyên liệu, đời sống khó khăn thì đồng bào người ta phá. Phá là sai rồi nhưng ban quản lý dự án đầu tư Nông Lâm được giao quản lý rừng đầu nguồn được cho phép thu gom, lại thiếu trách nhiệm dẫn đến hậu quả là rừng tiếp tục bị tàn phá.. “Hiện, tỉnh đang tập trung chỉ đạo quyết liệt xử lý vụ việc xảy ra ở đây”, ông Nhi nói.

Qui hoạch rừng cũng treo

Phóng viên chúng tôi đến khu vực núi Tai Mèo, thuộc xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Ở đây toàn là bụi rậm, dây leo và chuối, nhưng trên bản đồ quy hoạch của huyện, nó được gọi là rừng.

Chính ông Nguyễn Trọng Bá, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nghĩa Hành cũng khẳng định: “Làm gì có rừng ở đó. Vì năm 2004, huyện muốn nâng số diện tích rừng trong báo cáo lên, nên mới đưa thêm vào hơn 200ha ở hai xã là rừng. Nhưng trên thực tế thì chỉ là đất được quy hoạch để trồng rừng thôi, quy hoạch nhưng chưa đầu tư trồng cấy gì cả.

Từ chỗ chỉ để có được một bản báo cáo đẹp đẽ về thành tích trồng rừng, việc quy hoạch rừng treo như thế đã ngay lập tức gây ra những hậu quả. Đó là gần 60 ha được gọi là rừng đã bị phá để lấy đất trồng cây công nghiệp. Vì đối với người dân, trên thực tế, đây không phải là rừng.

“Nhà mình làm 2 ha, xung quanh là mấy ông có chức hết mà mấy ông cũng làm.Mình thấy các ổng làm thì mình cũng làm theo”, một người dân ở đây cho biết.

Mấy ông có chức ở đây là 4 cán bộ đứng đầu xã Hành Tín Tây, những người đã thâu tóm toàn bộ 1 dự án trình diễn kỹ thuật trồng cây keo lai được triển khai trên 10 ha, ngay trong khu vực được quy hoạch là rừng. Họ là những người đầu tiên phá quy hoạch rừng và phá rừng. Với những cán bộ xã, họ đã được hưởng toàn bộ số cây giống và nếu trót lọt, sau này, đây trở thành rừng của họ.

Có vẻ như chính quyền tỉnh cũng biết nhưng xem ra công việc xác minh còn khó khăn: “Nói về tình trạng chặt phá rừng, đang cho xác minh những vụ phá rừng để lập dự án trồng mới, ăn hai lần”, ông Trương Ngọc Nhi, Phó chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Ngãi phát biểu.