Việt Nam: 19 năm tới sẽ thiếu nước trầm trọng

Theo Bộ Tài nguyên môi trường (TN-MT), đến năm 2025, lượng nước mặt bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ đạt 2.830 mét khối/người/năm, thiếu so với tiêu chuẩn thế giới là 4.000 mét khối/người/năm.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị Kiểm điểm công tác quản lý tài nguyên và môi trường, tổ chức tại Hà Nội từ ngày 27-28/02.

Các kết quả nghiên cứu gần đây ở Việt Nam cho thấy lượng nước mặt bình quân đầu người hiện nay ở nước ta đạt khoảng 3.840 m3/người/năm.

Với tốc độ phát triển dân số như hiện nay thì đến năm 2025, lượng nước mặt tính bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ đạt khoảng 2.830 m3/người/năm.

Theo chỉ tiêu đánh giá của IWRA (Hội Tài nguyên nước quốc tế), quốc gia nào có lượng nước bình quân đầu người dưới 4.000 m3/người/năm là quốc gia thiếu nước.

Như vậy, Việt Nam đã thuộc số các quốc gia thiếu nước và sẽ gặp phải rất nhiều thách thức về tài nguyên nước.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước là do tốc độ tăng trưởng kinh tế cao không đi đôi với làm tốt công tác bảo vệ môi trường.

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt ngày càng tăng cả về mức độ và quy mô; nguồn nước dưới đất ở nhiều đô thị và một số khu vực đồng bằng đã có biểu hiện ô nhiễm do các chất hữu cơ khó phân hủy và hàm lượng vi khuẩn cao; các biểu hiện suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất đang trở nên rõ rệt và phổ biến…

Theo lãnh đạo Bộ TN-MT, Bộ này đang áp dụng các biện pháp tăng cường quản lý tài nguyên nước như tập trung sửa đổi Luật Tài nguyên nước; ưu tiên xây dựng và thực hiện các đề án đã được phê duyệt trong Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước; kiểm kê tài nguyên nước quốc gia.

Đồng thời, Bộ cũng đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra việc khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước, xử lý triệt để các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Bộ TN-MT cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ sớm khắc phục sự chồng chéo về nhiệm vụ quản lý lưu vực sông…