Sếu đầu đỏ (kỳ I)

ThienNhien.Net – Đi dọc hành trình lịch sử, trên nhiều vùng miền Trái đất, sếu là người bạn thân thiết của con người. Sự gắn bó này thể hiện trên nhiều phương diện: trong tín ngưỡng văn hóa, nếp sinh hoạt hàng ngày… Những câu chuyện lưu truyền về sếu thể hiện tình cảm trìu mến của con người đối với loài vật này.

Trên thế giới, hiện có 15 loài sếu còn sống sót. Chúng được phân ra thành hai nhóm: Nhóm sếu cổ trụi (13 loài) và nhóm sếu vương miện (2 loài). Sếu vương miện xuất hiện cách đây khoảng 37-54 triệu năm (thuộc kỷ Eocene), sống chủ yếu ở vùng khí hậu nóng. Ngược lại sếu cổ trụi (bao gồm cả loài sếu đầu đỏ), hóa thạch của các loài sếu cổ trụi được tìm thấy cách đây khoảng từ 5-24 triệu năm (thuộc kỷ Miocene).

 

Sếu là loài vật gần gũi với con người trong tín ngưỡng và cuộc sống hàng ngày. Hình ảnh sếu xuất hiện trên các bước tượng, phù điêu, tranh vẽ, trong các tác phẩm nghệ thuât…

Sếu đầu đỏ có tên khoa học Grus antigone, gồm có 3 loài phụ Sếu đầu đỏ Ấn Độ (Grus antigone antigone), Sếu đầu đỏ Australia (Grus antigone gilla) và Sếu đầu đỏ phương Đông (Grus antigone sharpii). Tổng số quần thể sếu đầu đỏ trên thế giới vào khoảng 15.000 – 20.000 cá thể.

Sếu đầu đỏ loài chim có chiều cao lớn nhất trong số các loài chim biết bay hiện có trên thế giới. Khi đứng, chúng cao khoảng 1,75mét, sải cánh rộng 2,5 mét. Trọng lượng của sếu trưởng thành khoảng 7-8kg. Bộ lông vũ trên cơ thể có màu xám nhạt. Mào được bao phủ bằng lớp da màu hơi lục. Phần còn lại của đầu, cổ họng và phần cổ phía trên được phủ bởi lớp da ráp màu vàng cam hoặc vàng hơi hung. Tai được bao phủ bởi một túm lông màu xám nhạt nổi rõ trên mảng da trần màu đỏ ở hai bên đầu. Một số lông dài màu đen dựng đứng như rễ tre phủ phía trên họng và cổ. Khoang cổ màu trắng phân chia giữa phần da đỏ và phần lông hơi xám phía dưới cổ. Từ khuỷu chân trở xuống và các ngón chân của chúng có màu đỏ. Trong một bầy rất khó phân biệt con đực và con cái, nhưng trong cặp con cái thường nhỏ hơn con đực.

 

Giờ nghỉ ngơi của sếu.
 

Đầu của sếu chưa trưởng thành có lớp lông màu nâu vàng, và mảng tái màu xám nhạt, nhưng không rõ ràng. Bộ lông chuyển từ màu nâu vàng sang màu xám khi con vật trưởng thành.

Ba phân loài khác nhau của sếu đầu đỏ có ba vùng phân bố độc lập với nhau. Phân loài sếu đầu đỏ Ấn Độ phân bố ở các nước Ấn Độ, Nêpan và Pakistan; Phân loài sếu đầu đỏ Ôxtralia tập trung ở Ôxtralia. Phân loài Sếu đầu đỏ Phương Đông, hiện nay chỉ còn tìm thấy ở Mianma, Lào, Campuchia và Việt Nam gọi là phân loài sếu đầu đỏ phương Đông. Trước đây chúng được tìm thấy ở cả Vân Nam của Trung Quốc, Thái Lan và Philippin, nhưng đã không còn thấy xuất hiện ở những khu vực này từ những năm 1960.

 

Sếu đầu đỏ là loài chim có tính cộng đồng rất cao. Thông thường, khi kiếm ăn, có những con chuyên lo nhiệm vụ “cảnh giới”, có con chuyên lo việc kiếm mồi.

Sếu đầu đỏ sống tách biệt với con người và sống hoàn toàn ở các vùng đất ngập nước. Chúng sinh sản vào mùa mưa ở khu vực Đông Nam Á (từ tháng 5 đến tháng 10), trong suốt thời gian này chúng sống riêng biệt. Khu vực sinh sản của chúng là những vùng rộng lớn chưa được xác định, vì vậy người ta chưa có sự hiểu biết về nhu cầu khu vực sinh sản. Về ba cái tổ được tìm thấy ở đông bắc Campuchia gần đây cho thấy, tất cả đều được đặt ở vùng đất ngập nước riêng biệt kích thước nhỏ hơn 150 ha và được bao quanh bởi những khu rừng khô và trống. Ngay khi chuẩn bị đến mùa khô, các chú sếu tập trung dần dần, tạo thành đàn/bầy và di chuyển đến vùng đất ngập nước ở đồng bằng sông Mekong/Cửu Long, bao gồm: vùng nước nông, bãi lau sậy khô, đồng lúa và các vùng cỏ ướt đã bị đốt cháy.

Sếu đầu đỏ là loài chim ăn tạp. Tùy thuộc vào từng vùng chúng có thể kiếm được các loại thức ăn như: các loại trái cây kích cỡ nhỏ, chồi non và củ của các loài cỏ mọc ở vùng đất ngập nước (phổ biến là củ năn và lúa trời), ếch nhái, thằn lằn rắn nước, côn trùng, cá nước ngọt và trứng của các loài chim khác.

 

 Cùng “hoà tấu” bản tình ca trong gia đình sếu

Các nghiên cứu tập về tính sếu đã chỉ ra được khoảng 90 các dạng tập tính cụ thể trong các hoạt động tự thân hoặc các hoạt động do có sự tác động của bên ngoài, như: ăn, uống, ngủ, đi đứng, kêu, bay, nhảy, rỉa lông, tắm, lắc mình, vươn cánh, gãi và chải lông. Trong đó, các màn trình diễn đóng vai trò trong rất nhiều các chức năng nội loài biểu lộ xúc cảm. Mảng da màu đỏ trên đầ đóng vai trò liên lạc rất quan trọng. Sự thay đổi màu sắc, diện tích và hình dáng của mảng da có liên quan với các với các kích thích từ bên ngoài và thường đi kèm với một số tập tính khác nữa.

 

“Chúng mình cùng xuống tắm mát nào” !

 

Khi sếu tức giận, chúng xù lông ra, đùi dang rộng, cổ dài ra và đầu vươn cao. Chúng bước những bước không gập đầu gối chư lính nhảy dù đồng thời kêu rống lên. Tiếp theo là những cái đập cánh, đầu cúi xuống, chân dậm mạnh, khịt mũi. Nếu trong trạng thái bị kích động, chúng sẽ bay lên và đập mạnh cánh theo cánh cung hẹp. Chân và đầu sẽ hướng lên trời.

(còn nữa)