Những chồi xuân trên đất rừng

Những ngày gian khó, những tháng năm khắc khoải với rừng đã qua. Mùa xuân đang đến với người làm rừng ở Hàm Yên (Tuyên Quang).

Câu chuyện đóng cửa rừng ở Tuyên Quang và những rào cản không đáng có trong việc khai thác rừng nguyên liệu giấy của các lâm trường thuộc Tổng Công ty giấy Bãi Bằng cuối cùng đã được giải quyết. Dư âm buồn về những ngày khốn khó đã qua đi. Cuộc sống của những người làm rừng tại ba lâm trường Tân Phong, Hàm Yên, Tân Thành đã đổi thay nhiều. Giờ đây, họ đã làm chủ chính vườn rừng của mình.

Gia đình chị Nguyễn Thị Chinh nhận liên doanh trồng 10ha rừng keo làm nguyên liệu giấy, được lâm trường hỗ trợ cây giống, phân bón và vốn, sau hai năm rừng đã lên xanh tốt. Theo tính toán của gia đình,  nếu trừ mọi khoản chi phí đầu tư mảnh rừng này khi khai thác (7 năm sau khi trồng) sẽ mang lại trên 100 triệu đồng.

Hiện lâm trường Tân Thành quản lý 4.092 ha rừng trên địa bàn 8 xã thuộc huyện Hàm Yên, trong đó có 2.872 ha rừng sản xuất nguyên liệu giấy, còn lại là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Lâm trường có 179 công nhân viên chức thì 149 người trực tiếp tham gia trồng rừng, thu nhập trung bình khoảng 1.500.000đ/người/tháng.

Bác Đặng Văn Chương, một hộ dân nhận liên doanh trồng rừng cho biết: “Rừng keo lên xanh là đời người làm rừng chúng tôi sáng rồi, có rừng là có tất cả, đã hai cái tết nay gia đình tôi no đủ là nhờ trồng rừng đó”.

Liên doanh trồng rừng – cơ hội làm giàu

Theo Giám đốc Lâm trường Hàm Yên – Đỗ Khắc Thành, cơ chế trồng rừng nguyên liệu giấy tại các lâm trường huyện Hàm Yên đến nay đã thực hiện tốt. Cả  ba lâm trường Tân Phong, Tân Thành và Hàm Yên đều thống nhất dùng hình thức liên doanh với người dân. Lâm trường lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, cung cấp cây giống, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật và đảm bảo tiêu thụ khi rừng được khai thác. Về phía hộ gia đình, họ thực hiện việc trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác rừng theo hướng dẫn của lâm trường, sau mỗi khâu sẽ được lâm trường thanh toán tiền công theo đơn giá áp dụng với công nhân lâm trường. Tính đến nay, cả ba lâm trường có gần 700 hộ tham gia liên doanh trồng rừng. Diện tích rừng trồng mới năm 2006 đạt trên 500 ha.

Kinh tế rừng là một trong những hướng đi tích cực góp phần xóa đói giảm nghèo đối với người làm rừng ở huyện Hàm Yên. Đối với họ, rừng là cuộc sống, là tương lai. Hay như bác nông dân Vũ Tiến Đình, xã Tân Thành: “Có rừng là có việc làm, có việc làm là có tiền và có tiền thì đối với người trồng rừng chúng mình, ngày nào cũng là ngày xuân”.