ThienNhien.Net – Theo một báo cáo được công bố ngày 26/01/2007, mô hình đầy hứa hẹn về năng lượng tái tạo được có thể mang đến những cơ hội lớn cho các quốc gia đang phát triển trong nỗ lực xoá đói giảm nghèo và giúp giảm nhẹ hậu quả do thay đổi khí hậu nhưng nó cũng có thể gây ra những vấn đề môi trường nan giải hơn so với lợi ích mang lại.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Quốc tế về Môi trường và Phát triển (IIED) đã chỉ ra những trở ngại trên con đường hình thành và phát triển nguồn nhiên liệu sinh học bền vững – những nhiên liệu lỏng được sản xuất từ những “vụ mùa năng lượng” có chất dầu và tinh bột, chẳng hạn như mía đường, ngũ cốc, đậu nành, dầu cọ và cây Jatropha.
Những nhiên liệu sinh học là chủ đề trung tâm trong các cuộc thảo luận tại Hội nghị quốc tế chuyên đề Tái tạo năng lượng được tổ chức tại Brussels, Bỉ từ 29 đến 31/1 vừa qua. Hội nghị là một phần của các hoạt động trong khuôn khổ “Tuần năng lượng bền vững” của Liên minh châu Âu (EU).
Hội nghị thảo luận Chính sách về năng lượng có thể tái tạo được của châu Âu được nghị sĩ Al Gore khai mạc và có sự tham dự của 650 đại biểu và rất nhiều người phát ngôn của nhiểu đại biểu cấp cao như Klaus Topfer, cựu Chủ tịch Chương trình Môi trường của LHQ, Ngoại trưởng Anh Margaret Beckett và những nhân vật chủ chốt đến từ Braxin, Trung Quốc và Ấn Độ.
Báo cáo từ hội nghị này kêu gọi sự cần thiết phải nới lỏng những rào cản thương mại quốc tế, đặc biệt là những khoản trợ cấp, tạo điều kiện cho các quốc gia đang phát triển có thể được hưởng lợi từ việc kinh doanh nhiên liệu sinh học, và kế hoạch cấp chứng nhận có xét đến điều kiện về môi trường và xã hội các quốc gia đó.
Nhiên liệu sinh học được khuyến khích đẩy mạnh như một phương tiện mang lại việc làm và sự thịnh vượng cho các quốc gia đang phát triển, trong khi tại các quốc gia công nghiệp hoá đang tiến hành giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, nhiên liệu sinh học được dành cho những mục tiêu nhiều tham vọng hơn.
Tuy nhiên theo tác giả bản báo cáo, Annie Dufey, những cơ chế thương mại đang tồn tại không còn phù hợp để khuyến khích sự hiệp lực và quá trình thoả thuận. Bà Annie Dufey cho rằng, bất cứ lợi ích nào xuất phát từ việc kinh doanh nhiên liệu sinh học đều có thể bị huỷ hoại nếu tiếp tục mở rộng lĩnh vực kinh doanh mà không quan tâm đến những chính sách cải cách và sự đồng thuận trên tầm quốc tế.
“Không có sự thoả hiệp đa phương nào quyết định nhiên liệu sinh học sẽ là hàng hoá nông nghiệp hay hàng hoá công nghiệp. Cũng như không hề có một diễn đàn thảo luận quốc tế cụ thể nào bàn về việc buôn bán nhiên liệu sinh học” – Dufey nói thêm: “Sự thiếu chặt chẽ và thiếu đồng nhất này có thể dẫn đến nguy cơ nhiên liệu sinh học có thể giải quyết một vấn đề này nhưng lại làm phát sinh nhiều vấn đề khác trong khi đang tập trung cụ thể”.
Dufey đã chứng minh rằng, những người nông dân canh tác trên quy mô nhỏ tại các quốc gia đang phát triển có thể nhận ra họ đang bị chèn ép và bị tước bỏ những quyền lợi công bằng từ nhiên liệu sinh học – điều mà họ đáng được hưởng, bởi những tập đoàn khổng lồ phương Tây đang thống trị trên thị trường quốc tế.
Những nhân tố khác – từ việc lựa chọn sản phẩm canh tác đến phương pháp và địa điểm sản xuất nhiên liệu sinh học – cũng có thể là một vấn đề. Những quốc gia đang phát triển do đó cần phải xem xét một cách thận trọng các lựa chọn để họ đạt được những mục tiêu phát triển bền vững đã đặt ra.
“Ngoài vấn đề giá dầu mỏ hiện nay đang ở mức cao, sự phát triển chóng mặt nguồn nhiên liệu sinh học được cổ vũ bởi tham vọng giảm hiệu ứng nhà kính, sẽ khiến cho những lợi ích do môi trường mang lại có thể sẽ không còn, một khi sự mở rộng lĩnh vực kinh doanh có thể làm nạn phá rừng thêm trầm trọng” – Tiến sĩ Dufey cho biết: “Kể cả những lợi ích phát triển cũng có thể bị mất đi nếu sự lựa chọn sản phẩm canh tác dẫn đến sự cạnh tranh giành quyền kiểm soát nguồn tài nguyên đất hoặc nước để trồng những sản phẩm lương thực”.
Chúng ta cần có chương trình cấp chứng nhận cho các nhãn hiệu nhiên liệu sinh học phù hợp những điều kiện về môi trường và xã hội đang thịnh hành tại những quốc gia đang phát triển, không làm hại những người sản xuất nhỏ”, tiến sĩ Dufey khẳng định.
Một số kế hoạch đang được phát triển tuy nhiên nếu chúng bị các chính phủ và tổ chức thuộc các quốc gia phát triển kiểm soát, rất có thể sẽ bỏ qua những ưu tiên về điều kiện xã hội và những về môi trường của các quốc gia đang phát triển.
“Hơn thế nữa, nếu những kế hoạch này không có được sự đồng thuận hoặc phải tiếp nhận một sự phân phối những chi phí và lợi ích không công bằng, sẽ bất lợi cho việc kinh doanh thương mại quốc tế và trở thành một gánh nặng rất lớn lên vai những người sản xuất buôn bán nhỏ”.
Bản báo cáo cho rằng những quốc gia phát triển cần phải phân tích cách thức mà chính sách của họ áp dụng đối với sản xuất và kinh doanh nhiên liệu sinh học ảnh hưởng đến những quốc gia đang phát triển – những quốc gia do điều kiện thiên nhiên ưu đãi, các vụ mùa năng lượng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhất .
“Nhiên liệu sinh học có thể giúp đối phó với sự thay đổi khí hậu toàn cầu và cải thiện điều kiện sinh sống tại các quốc gia đang phát triển, cũng như cung cấp một cơ sở cho sự phát triển về kinh tế và năng lượng. Tuy nhiên để làm được điều đó, mọi người tham gia vào lĩnh vực này thật sự cần phải nhận thức được sự thoả hiệp và làm sao để có được sự thoả hiệp ấy”.
“Sự mới mẻ của khái niệm nhiên liệu sinh học, một loạt những vấn đề liên quan và sự thiếu hụt kiến thức để giải quyết hàng loạt vấn đề, cùng với sự bất đồngvề những lợi ích thương mại và chính trị cũng có nghĩa rất khó để đi đến một sự đồng thuận” Dufey bổ sung. “Do đó, cần thiết phải tăng cường đưa ra một kế hoạch, một hướng đi cho nguồn nhiên liệu sinh học toàn cầu để hỗ trợ cho sự phát triển bền vững”.