Một số loài lan ở Việt Nam

ThienNhien.Net – Từ xưa đến nay, Phong lan là những loài hoa luôn được người tiêu dùng ưa chuộng vì vẻ đẹp đặc sắc và các hình thức đa dạng của chúng. Nhân dịp Xuân Đinh Hợi, Ban biên tập ThienNhien.Net xin giới thiệu đến độc giả hình ảnh một số loài lan quý hiếm tại Việt Nam. Chúng thuộc nhóm Cây phụ sinh – họ Phong lan Orchidaceae, bộ Phong lan Orchidales.


Lan hài đài cuộn

(Paphiopedilum appletonianum)

Lan hài đài cuộn thường mọc thành bụi nhỏ trên đất mùn. Loài này thân rất ngắn, thường nằm chìm dưới đất.

Lá hình thuôn, dài tới 22cm, rộng 2 – 4cm, xếp 2 dãy, đầu nhọn lệch, màu lục bóng, mặt trên có nhiều đốm nhỏ màu lục nhạt. Cụm hoa thường có một hoa, có cuống chung màu đỏ, dài 17 – 45cm, mảnh, phủ lông ngắn. Lá bắc hai, 1 lá to, dài 3 – 4cm, 1 lá nhỏ, hình mác nhọn.

Hoa lan đài cuộn màu tím lục, cánh hoa hình. Cánh môi hình mũ sâu, màu tím lục, dài 4cm, mép màu vàng lục, có vài vết lục ở phía trước, mặt trong có lông, miệng có 4 thùy hình tam giác.

Lan đài cuộn bừng nở vào tháng 1 – 2 hàng năm, đúng dịp xuân về. Ở ta, lan đài cuộn thường được bắt gặp tại Lâm Đồng, ngoài ra chúng còn phân bố ở Thái Lan, Campuchia. Loài hoa này có tạo dáng đẹp, hoa sặc sỡ, thường được ưa chuộng trong làm cảnh. Đây cũng là một loài hiếm, phân bố hạn chế, với số lượng cá thể rất ít, có thể bị đe doạ tuyệt chủng do môi trường sống bị thu hẹp.

Lan hài hồng (Paphiopedilum delenatii)


 Lan hài hồng. (Ảnh: Phùng Mỹ Trung)

Lan hài hồng mọc thành bụi nhỏ trên các hốc đá ẩm ướt, hai mặt lá khác nhau: mặt trên màu lục thâm, mặt dưới nhạt hơn, có chấm màu tía. Hoa màu hồng, đường kính khoảng 8cm. Cánh hoa có gần tròn, mặt trong hồng nhạt, mặt ngoài có chấm hung đỏ, lông thưa xuất hiện ở cả hai mặt. Lan hài Hồng nở hoa vào tháng 2 -3.

Đây là loài đặc hữu của Việt Nam, mới chỉ phát hiện thấy ở tỉnh Khánh Hoà. Loài lan này cần được gấp rút đưa về trồng để bảo tồn nguồn gen quý hiếm, đồng thời điều tra thêm về nơi phân bố và tình trạng.Lan hài lông (Paphiopedilum hirsutissimum)

 Lan hài lông. (Ảnh: Trần Hợp)

Loài này mọc thành bụi nhỏ trên hốc đá. Thân rất ngắn, chìm dưới đất. Hoa nở thành cụm, với chiều dài khoảng 20cm. Hoa lan hài lông có dạng tựa hình thìa, phần gốc màu lục xám có các chấm màu hung đỏ, phần đỉnh có màu tím đỏ, mép có lông. Loài này cũng giống như lan hài hồng, nở hoa vào khoảng tháng 2 – 3.
Ở Việt Nam, hiện mới chỉ tìm thấy lan hài lông ở Cao Bằng. Trên thế giới, lan hài lông được tìm thấy ở Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Lào. Đây là một loài lan dáng đẹp, hoa to và rực rỡ, rất có giá trị trong làm cảnh. 
Lan hành Averyanov (Bulbophyllum averyanovii)

Lan hành Averyanov. (Ảnh: Phùng Mỹ Trung)

Loài lan này sống phụ sinh, bám trên thân và cành gỗ trong rừng rậm nhiệt đới thường xanh mưa mùa ẩm, độ cao khoảng 600 – 900 m. Cây rụng lá. Hoa có hình tam giác, hẹp nhọn đầu, dài khoảng 2 mm, rộng không đến 0,5mm. Cánh hoa cong lại nhiều, ở mặt ngoài nhăn nheo thô.
Lan hành Averyanov ra hoa vào mùa hè, khoảng tháng 5. Đây là loại đặc hữu rất hẹp của Việt Nam, mới chỉ gặp được ở Chư Pah, Gia Lu (Gia Lai). Nguồn gen quý hiếm này cần được bảo vệ tích cực.

Lan hành hiệp (Bulbophyllum hiepii)

Lan hành hiệp. (Ảnh: Phùng Mỹ Trung)

Lan hành hiệp sống bám trên thân và cành cây gỗ trong rừng rậm nhiệt đới thường xanh mưa mùa ẩm, ở độ cao khoảng 700 – 1000 m. Lan hành hiệp sống phụ sinh, thân hàng năm phình to và mọc hơi nghiêng, hình trứng. Lá đài và cánh hoa có màu nâu nhạt ở mặt trên với mo màu đỏ tía dày đặc. Cây ra hoa vào mùa xuân, khoảng tháng 1 – 2.

Lan hành hiệp là loài đặc hữu rất hẹp của miền Trung Việt Nam, mới chỉ gặp tại Kon Hà Nừng, Kbang (Gia Lai). Hiện, lan hành hiệp trở thành đối tượng bảo vệ của khu rừng cấm Kon Hà Nừng.
Lan hoàng thảo trinh bạch (Dendrobium virgineum)


Lan hoàng thảo trinh bạch. (Ảnh: Phùng Mỹ Trung)

Lan hoàng thảo trinh bạch có hoa màu vàng, cánh hoa hình trứng, có một đốm đỏ tươi ở giữa. Cây ra hoa vào mùa hè, tháng 5 – 6. Lan hoàng thảo trinh bạch được tìm thấy ở Thừa Thiên Huế (Huế, Phú Lộc, Bạch Mã), Kon Tum (Đắc Tô, Đắc Uy, Kon Plông), Đắc Lắc, Lâm Đồng (Bảo Lộc). Trên thế giới, Lào, Thái Lan, Mianma cũng có loài lan này.
Lan hoàng thảo trinh bạch phân bố không hẹp, nhưng số lượng cá thể lại ít, vì vậy cần được bảo vệ.

Lan huyết nhung trung (Renanthera annamensis)

Lan huyết nhung trung. (Ảnh: Phùng Mỹ Trung)

Loài lan này có hoa màu vàng, có đốm đỏ, rộng 1,5cm. Hiện vẫn chưa xác định được chính xác mùa hoa nở.
Đây là loài đặc hữu của Việt Nam, mới chỉ gặp ở điểm lấy mẫu chuẩn thuộc tỉnh Lâm Đồng (Đà Lạt) 

Lan kim tuyến Sapa (Anoectochilus chapaensis)

Lan kim tuyến Sapa (Ảnh: Phùng Mỹ Trung)

Lan kim tuyến Sapa mọc trên đất cao 12 – 20cm, có thân rễ bò trên mặt đất, thân non có lông ngắn. Hoa mọc thành cụm dài 5 -6cm, mang 4 – 7 hoa màu xanh tái. Hoa nở vào mùa đông, khoảng tháng 10 -12. Loài này mọc rải rác trong rừng núi đá vôi, nơi ẩm, ven khe suối, ở độ cao 1200 – 1500m.
Đây là loài lan ưa bóng, kỵ ánh sáng trực tiếp. Lan kim tuyến sapa là loài đặc hữu rất hẹp của Việt Nam, mới chỉ gặp ở Lào Cai (Sapa).
Hiện loài lan này đang bị khai thác dưới cái tên lan kim tuyến, để xuất sang Trung Quốc. Vì vậy, bảo vệ chúng là điều cần khẩn cấp làm. 
(Còn nữa)