ThienNhien.Net – Theo một báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ) thì Ai Cập, Pêru, Việt Nam và Mông Cổ là 4 trong số những quốc gia coi môi trường là trung tâm trong các kế hoạch xóa đói giảm nghèo của họ từ nay đến năm 2015. Qua nghiên cứu ở 158 nước, báo cáo này cũng đã chứng minh được rằng: sự bền vững của môi trường và sự phát triển kinh tế sẽ đạt hiệu quả cao nhất khi con người biết kết hợp cả hai yếu tố này.
Chương trình phát triển (UNDP) và Chương trình môi trường (UNEP) của LHQ đã cùng nhau xây dựng báo cáo về những tiến bộ của các nước đang phát triển trong việc thực hiện kế hoạch Các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của LHQ. Với nỗ lực nhằm xóa đóa giảm nghèo đến năm 2015, cộng đồng quốc tế đã đưa ra một tuyên bố trong đó đề ra những Mục tiêu Phát triển của Thiên niên kỷ mới.
Tám mục tiêu này, từ việc giảm tỉ lệ đói nghèo xuống còn một nửa tới việc đạt được sự bền vững về môi trường, từ việc ngăn chặn sự lây lan của HIV/AIDS cho tới việc phổ cập giáo dục tiểu học trên toàn thế giới, đã được tất cả chính phủ các nước và các tổ chức phát triển thông qua.
Lãnh đạo cấp cao của UNDP, ông Kemal Dervis nói:”Một môi trường khỏe mạnh và bền vững là một tài sản vô giá của quốc gia và khi nó bị xâm hại, những người nghèo nhất chính là những người phải hứng chịu nhiều nhất.”
Ông nói: “Báo cáo này thể hiện những tiến bộ của một vài quốc gia trong việc lập các kế hoạch phát triển có tính đến yếu tố bền vững môi trường nhiều hơn, nhưng nó cũng nêu ra một thực tế đau lòng là: nếu các hệ sinh thái vốn rất mỏng manh của chúng ta không đuợc đặt vào vị trí trung tâm trong các kế hoạch xóa đói giảm nghèo quốc gia thì tất cả mọi nỗ lực khác để đạt được Các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đến năm 2015 sẽ là vô nghĩa.”
Trong 158 nước được nghiên cứu thì có 84 nước (chiếm 54%) đã đề ra cho mình ít nhất là 1 mục tiêu về môi trường, một tỉ lệ lớn hơn nhiều so với 3 năm trước.
Tiếp cận được với nước sạch và điều kiện vệ sinh an toàn dường như là vấn đề được quan tâm nhất, với 58 quốc gia đang đề ra ít nhất một mục tiêu về vấn đề này và thường là hướng tới người dân ở nông thôn.
Ở Ai Cập, nơi bảo vệ môi trường là ưu tiên đối với ngành kinh tế du lịch của quốc gia này, chính phủ đang theo dõi và báo cáo lại tiến độ của các chương trình tiếp cận nước sạch, quản lý rác thải và sự thoái hóa đất đai để chứng tỏ rằng họ nhận thức được những gì vẫn cần phải làm để đạt được Các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và đề ra các mục tiêu tiếp theo.
Albania, Buthan, Lesotho, Nepal, Syria, Thái Lan và Việt Nam là những điển hình dẫn đầu cũng được báo cáo này đưa ra.Nhưng báo cáo này cũng cảnh báo : Trừ khi ngày càng có nhiều chính phủ các nước tiến hành những bước tiến tham vọng hơn để bảo vệ thế giới tự nhiên, nếu không toàn bộ các mục tiêu phát triển sẽ tiêu tan.
Ông Achim Steiner, giám đốc điều hành UNEP cho biết: “Có được một môi trường bền vững không chỉ là mối quan tâm của riêng quốc gia nào mà còn là mối quan tâm đặc biệt của quốc tế. Bằng việc chú ý và kết hợp các nhân tố môi trường với quá trình thực hiện các kế hoạch xóa đói giảm nghèo và các chiến lược kinh tế, nhiều quốc gia có thể sẽ đạt được những thành tựu lớn”.
Nhưng ông Steiner cũng nói thêm rằng các quốc gia phải tiến hành nhiều hoạt động hơn nữa. Ông nói: “Trong một thế giới đang toàn cầu hóa, môi trường quốc gia suy thoái hay bền vững đều có mối liên hệ mật thiết với cơ chế thương mại, các công cụ kinh tế và các giá trị kỳ vọng trên hàng hóa và dịch vụ có nguồn gốc từ thiên nhiên.”
Báo cáo này cũng đưa ra một đề xuất là: Công tác báo cáo phải được cải tiến hơn nữa. Chỉ có 8 trong tổng số 158 quốc gia là đưa ra các báo cáo trên tất cả các tiêu chí. Các tiêu chí về nước, rừng có tỉ lệ báo cáo cao nhất với 138 quốc gia báo cáo về môi trường nước và 133 quốc gia báo cáo về môi trường rừng.
Cũng theo báo cáo này, thiếu quyết tâm chính trị, áp lực do việc sử dụng quá mức và các thảm họa thiên nhiên gây ra cho các nguồn tài nguyên môi trường, công tác quản lý và các kế hoạch chính sách thiếu hiệu quả, tình trạng hỗn loạn trong xã hội và sự thiếu thốn về tài chính là một vài trong số những thách thức đối với sự bền vững của môi trường.
Một trong những thách thức chủ yếu là thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quyền lực với nhau mà nguyên nhân là do việc quy định vai trò và trách nhiệm không rõ ràng. Các tác giả của báo cáo này cho biết: sự hợp tác trong cộng đồng tài trợ cũng gặp nhiều khó khăn bởi những ưu tiên của các quốc gia có khi lại mẫu thuẫn với những ưu tiên của cộng đồng tài trợ.
Các tác giả của báo cáo này mà đứng đầu là bà Linda Ghanime, cố vấn chính sách và hoạt động môi trường của UNDP, nhấn mạnh rằng tối ưu nhất là các quốc gia đề ra nguyên tắc chung về môi trường bền vững và rồi lập kế hoạch phát triển kinh tế dựa vào điều kiện tự nhiên của bản thân đất nước họ.
Phá rừng là một thách thức chính, ví dụ như ở Kenya, nơi mà những người nghèo chặt cây và coi đó là nguồn năng lượng duy nhất để đun nấu và sưởi ấm. Như là một phần trong kế hoạch hướng tới Các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, chính phủ Kenya đặt kế hoạch bảo vệ được 3,5% diện tích đất rừng của mình đến năm 2008 và cung cấp cho người dân nông thôn các nguồn năng lượng có khả năng tái tạo khác chẳng hạn như năng lượng mặt trời.
Cuộc chiến ở Bosnia và Herzgovina vào trong những năm 1990 đã để lại những nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn, có khả năng gây hại môi trường nghiêm trọng.
Người ta vẫn còn phải dỡ bỏ khoảng 75 đến 80% các bãi mìn đã được phát hiện, chiếm khoảng 5% diện tích lãnh thổ nước này. Mìn đang là vấn đề đe dọa tới môi trường và sự tồn tại nó có nghĩa là các công dân phải kiếm sống trên những mảnh đất còn mìn của những quốc gia này sẽ khó mà có được một môi trường lao động an toàn và hiệu quả.
Nằm trong kế hoạch hướng tới Các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, chính phủ Bosnia và Herzegovina đang nỗ lực nhằm tăng tỉ lệ diện tích đất đai được dỡ mìn từ 5% trên tổng số diện tích các bãi mìn vào năm 2000 lên 36% vào năm 2007 và 80% vào năm 2015.
Ông Steiner nói: “Phối hợp hành động và cũng như là một nhiêm vụ trong công cuộc cải tổ LHQ, UNEP và UNDP có thể là một chất xúc tác để liên kết các mục tiêu quốc gia và quốc tế thành một chỉnh thể thống nhất. Cùng với nhau, chúng ta có thể đóng một vai trò to lớn trong việc xây dựng thành công môi trường bền vững và biến Các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ thành sự thực”.
Báo cáo này dưới sự tài trợ của chính phủ các nước Canada, Thụy Sĩ và Anh, là một phần dịch vụ hỗ trợ của UNDP đối với các nước đang phát triển giúp họ chuẩn bị các kế hoạch quốc gia để hoàn thành chương trình Các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đúng thời hạn.