ThienNhien.Net – Theo đuổi những nỗ lực nhằm phát huy những môn thể thao thân thiện với môi trường, ngày 11/01/07, các quan chức cao cấp trong Chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) và Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC) đã rà soát lại những kế hoạch nhằm đảm bảo các vấn đề môi trường là ưu tiên chính cho Thế vận hội sẽ diễn ra ở Bắc Kinh vào năm tới, từ việc cắt giảm ô nhiễm đến cảnh quan môi trường.
Chủ tịch IOC, Jacques Rogge, đã đề nghị ông Achim Steiner, Giám đốc điều hành UNEP chỉ đạo kiểm toán về môi trường cho Thế vận hội. Hai ông cũng đã gặp nhau tại trụ sở của UNEP tại Nairobi, Kenya để thảo luận về cách tốt nhất để giúp Vancouver (Canada) thực hiện chương trình môi trường xanh sạch chuẩn bị cho Thế vận hội Mùa đông 2010. UNEP đã hợp tác cùng IOC từ năm 1994, họ tin tưởng rằng thể thao và những sự kiện thu hút công chúng có thể là động cơ quan trọng cho những vấn đề và hành động toàn cầu vì sự phát triển bền vững.
Năm 2005, UNEP đã ký với Uỷ ban tổ chức Thế vận hội của Bắc Kinh một hiệp định cam kết đưa Thế vận hội 2008 tại Bắc Kinh trở thành thế vận hội “xanh” nhất từ trước tới nay, từ việc cắt giảm ô nhiễm nước, không khí, tiếng ồn tới giao thông, cảnh quan và nước thải.Một phần quan trọng trong hiệp định này liên quan tới những chiến dịch nâng cao nhận thức công chúng. UNEP hy vọng sẽ để lại một dấu ấn ở Trung Quốc và còn hơn thế dựa trên mối quan hệ giữa những sự kiện lớn nhiều người tham gia với một môi trường trong sạch, lành mạnh.
Những “kế hoạch xanh” cho Bắc Kinh là một phần trong cam kết đang được các nhà tổ chức hoàn thiện, nhằm đưa thể thao trở thành ưu tiên hàng đầu trong nhận thức của người dân và kế hoạch làm sạch môi trường.
Tại Thế vận hội mùa đông 2006 ở Torino, Italia – một hiệp định tương tự đã được ký kết và đạt được thành tích mới về sự trong sạch của môi trường, với 70% khí nhà kính sinh ra đã được bù đắp bằng các khoản đầu tư vào chương trình trồng rừng, sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng và các năng lượng tái tạo cả trong nước và nước ngoài.
Các nhà tổ chức tính toán rằng sự kiện kéo dài 16 ngày này sẽ sản sinh ra một lượng tương đương 100.000 tấn carbondioxit, chủ yếu là do các phương tiện giao thông và những nơi diễn ra sự kiện. Phần lớn lượng khí thải này sẽ được bù đắp bằng tín dụng phù hợp với hiệp ước quốc tế về thay đổi khí hậu, ví dụ như các khoản tín dụng khí nhà kính được mua bởi các dự án năng lượng sạch hơn ở Eritrea, Mexico và Srilanca. Thêm vào đó, một dự án trồng cây ở Kenya cũng đóng góp đáng kể.
Các bước tiếp theo trong chương trình bao gồm các biện pháp tiết kiệm nước, cải tạo lại đất trồng và đất ở, quản lý chất thải. Và những nỗ lực của UNEP không dừng lại ở Thế vận hội này: một hiệp định tương tự đã được ký với FIFA ở World Cup mùa hè năm ngoái tại Đức. Dự án “bàn thắng sạch” đã bù đắp cho lượng khí thải thông qua chương trình năng lượng sạch ở cả trong và ngoài nước Đức.