Mọi người gọi ông bằng cái tên thân thiện “Vua rừng” bởi ông là người đạt kỷ lục trồng rừng ở đất Cao Bằng này. Ngoài phát triển mạnh mô hình VACR (vườn, ao, chuồng, rừng) đem lại thu nhập cho gia đình, ông còn giúp đỡ bà con trong xóm từ cây giống đến kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi.Ông là Nguyễn Văn Nguyên, 58 tuổi, nhà ở xã Duyệt Trung, Thị xã Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng). Điều ít ai biết, ông từng là bộ đội, công chức nhà nước, nông dân xuất sắc đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc và từng ở… tù.
Một lần lầm lỡ
Con đường dẫn vào nhà “Vua rừng” quanh co, men dọc theo dòng sông Bằng Giang. Hai bên đường bạt ngàn cây cối: chuối, na, mít, nhãn, mía trắng… Chị Hành, cán bộ công an tỉnh Cao Bằng cho biết, ông Nguyên trước đây từng phạm tội chứa chấp gái mại dâm và bị đưa bị đi cải tạo mấy năm.
Đến nhà ông, căn nhà ngói năm gian mái đỏ nằm ven sườn đồi nhìn xuống dòng sông. Ba quả đồi phía sau nhà trồng đầy cây ăn trái. Đứng trước ba cái ao cá nằm thoai thoải dốc theo suờn đồi, ông Nguyên giải thích: mỗi cái ao rộng chừng hơn 1.000m2 thôi, sâu hơn 1m, thả đủ các loại cá từ trắm, chép, mè, rô phi… Ông làm ao theo kiểu ruộng bậc thang của người Mông. Nước dẫn về ao chảy suốt đêm ngày. Ông lấy cây vầu chẻ ra làm đường dẫn từ khe núi cách đấy chừng gần 7 km về.
Đặt dọc theo hệ thống “ao bậc thang” là 3 cái máy phát điện loại nhỏ của Trung Quốc, đủ cung cấp điện cho sinh hoạt hàng ngày, bơm nước tưới… Ngoài ra, 3 cái ao này còn cung cấp đủ nước tưới cho hơn gần 10 ha cây trái trong mùa khô.
Kể lại quãng đời lầm lỗi cách đây 11 năm, từ một cán bộ nhà nước, ông bỏ về nhà mở hàng cơm phục vụ khách qua đường. Vẫn thấy “lâu” giàu, năm 1994 ông vay tiền của Ngân hàng Đầu tư và phát triển để xây dựng một nhà hàngvào loại “hoành tráng” nhất, nhì của thị xã Cao Bằng với cái tên Như Quỳnh. Để “câu” khách, ông Nguyên cho hoạt động mại dâm ngay trong nhà hàng. Kết quả, đám nhân viên bị đưa vào… trại phục hồi nhân phẩm, còn ông bị TAND tỉnh Cao Bằng tuyên một bản án 5 năm tù giam và 2 năm tù dành cho vợ ông vì tội đồng lõa.
Sau khi vợ chồng ông đi tù, nhà hàng không ai quản lý, tài sản thất thoát dần. Căn nhà cũng bị ngân hàng đến tịch biên vì món nợ ông vay. Trong phút chốc, ông Nguyên trắng tay, gia đình ly tán.
Về với rừng
Rồi ngày 02/09/1998, ông Nguyên được Nhà nước xét đặc xá cho ra tù trước thời hạn 18 tháng. Ra tù, tay trắng, những ánh mắt kỳ thị của người đời càng làm ông Nguyên đau đáu trong lòng. Rồi, cả tháng trời ông không kiếm nổi một việc làm, cuộc sống bữa đói, bữa no.
Thương hai vợ chồng, bên ngoại cho mấy quả đồi hoang đầy cỏ lác, lau sậy, khô cằn mà gia đình đã nhận khoán rừng từ lâu nhưng chưa trồng trọt gì. Cậu em vợ cho tiếp… 50 ngàn đồng để anh làm vốn. Số tiền này ông Nguyên mua được 60 chiếc lá cọ, đủ lợp một túp lều rộng chưa quá 6m2 làm nơi trú ẩn. Rồi một đêm mưa to gió lớn, “ông trời” cũng cướp nốt cả nơi trú ẩn cuối cùng của ông.
Co ro, cô đơn tuyệt vọng giữa rừng hoang. Nằm trằn trọc suy nghĩ, ông quyết định không thể đánh mất mình một lần nữa. Ông phải làm người trở lại như lời hứa trong ngày được ân xá.
Ông Nguyên bên vườn chanh đang thu hoạch.
May thay, lúc đó đang có chương trình PAM 5322 của Nhà nước về trồng rừng, gia đình ông đã nhận trồng 7 ha rừng cho dự án. Nhờ đó mà được nhà nước hỗ trợ gạo và cây giống cho trồng rừng. Do vùng đồi có độ dốc lớn, ông nghĩ ra cách san đất để lấy mặt bằng trồng cây. Bằng cơ bắp của mình, hai vợ chồng ông đã san mảnh đồi hoang thành gần 100 băng đất rộng 1,6 – 2m để trồng cây ăn trái.
Sau 6 năm lao động cật lực, cuối cùng ông đã biến những quả đồi hoang thành một trang trại quy mô lớn, bạt ngàn những cây trái với những con số được xếp vào hàng kỷ lục của một nông dân gồm: 500 cây vải thiều, 400 cây nhãn, 500 cây chanh, 200 cây hồng, 100 cây mít, 300 cây na.
Ngoài ra các loại cây chuối, cam, quýt, ổi… Đàn trâu, bò duy trì đều đặn ở mức hơn 40 con/năm. Đàn lợn, gà, dê tùy thuộc vào mỗi lần nuôi, nhưng năm nào ông cũng có sản phẩm bán ra thị trường với số lượng khá lớn thu hàng trăm triệu đồng.
Từ năm 2003, vườn cây trái bắt đầu mang lại thu nhập trên 80 triệu đồng/năm. Chưa hết, ông còn có hơn 5 ha rừng keo tai tượng, 3ha thông 4 năm tuổi.
Với đà phát triển như hiện nay, mỗi năm, gia đình ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ mô hình kết hợp (vườn – ao – chuồng – rừng). Ông còn đang xin nhận tiếp 15 ha đất đồi hoang đầy lau sậy nữa để tiếp tục trồng rừng. Nhưng lần này ông không trồng rừng gỗ tạp mà sẽ trồng toàn loại gỗ quý như lim, de, lát.
Đã qua những ngày gian khổ nên ông Nguyên rất thông cảm với những hoàn cảnh khó khăn. Nhiều bà con người dân tộc (người Dao, Nùng, Tày) ở các xóm xung quanh thiếu cây giống, sang nhà ông hỏi mua. Ông đều cho, không bán. Ông còn đến nhà chia sẻ kinh nghiệm chiết cành, trồng cây ăn trái, mật độ trồng để có tính hiệu quả cao. Đến nay ông đã tặng cho mọi người được hơn 6.000 cây giống.
Ông Nguyên với vật lưu niệm của Đại hội Thi đua yêu nước lần VII. |
Nhiều nhà ông cho đến gần 500 cây như hộ bà Triệu Thị Seo, hộ ông Bàn Văn Giáp… với đủ loại từ cây ăn trái, cây lấy măng hay cây lấy gỗ. Từ một người tù tội, khốn khó, ông đã trở thành người có của ăn của để, có lòng nhân ái. Gần 8 năm qua, năm nào ông cũng được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng xóm.
Hội Nông dân Trung ương, Hội Cựu chiến binh, UBND tỉnh Cao Bằng đã nhiều lần tặng bằng khen cho ông. Ông được bầu vào Ban Chấp hành Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cao Bằng (2005 – 2009). Tháng 10/2005, ông vinh dự là một trong 5 đại biểu của tỉnh Cao Bằng đi dự Đại hội thi đua yêu nước tại Hà Nội.
Rời Duyệt Trung, chúng tôi không thể nào quên câu nói của trung tá Hoàng Cao Phòng, Giám thị trại giam tỉnh Cao Bằng: “Kể từ ngày thành lập trại giam, trường hợp của anh Nguyên là trường hợp điển hình nhất trong hành trình trở về với cuộc sống, xã hội của một phạm nhân”.