ThienNhien.Net – Sự kết hợp giữa nóng lên toàn cầu và hệ thống thời tiết El Nino là nguyên nhân khiến cho năm 2007 sẽ là năm nóng nhất từ trước đến nay, gây ra những hậu quả to lớn đối với toàn hành tinh – cảnh báo của các chuyên gia khí hậu hàng đầu của Anh.
Cùng với năm mới mở ra với tình trạng bão xảy ra ở nước Anh, dự báo cho thấy thời tiết trong năm 2007 sẽ biến đổi một cách cực đoan với hậu quả có thể là những trận hạn hán ở Indonesia và đại hồng thuỷ tại California.
Theo cảnh báo của giáo sư Jones Phil, giám đốc của Chương trình nghiên cứu khí hậu thuộc trường đại học Đông Anglia, năm 2007 sẽ là năm quan trọng quyết định sự tác động của quá trình nóng lên toàn cầu và ảnh hưởng của nó đối với đời sống con người. Đây là một trong bốn dự báo chuẩn mực của các nhà khoa học giàu kinh nghiệm và các nhà dự báo.
Theo giáo sư Jones, xu thế lâu dài của sự nóng lên toàn cầu (vốn bị coi là nguyên nhân gây ra hạn hán ở châu Phi và làm tan băng ở Bắc Cực) đang trở nên trầm trọng do cộng hưởng bởi El Nino.
Sự kết hợp của 2 hiện tượng này sẽ gây ra những hậu quả cực đoan và làm cho năm 2007 thậm chí sẽ nóng hơn cả năm 1998 – năm được xem là nóng kỷ lục. Điều này có nghĩa là nhiệt độ năm 2007 cũng sẽ vượt quá ngưỡng năm 2006 – là năm nóng nhất ở Anh kể từ 1659 và là năm nóng nhất thứ sáu theo ghi nhận toàn cầu.
Giáo sư Jones nói: “El Nino làm cho thế giới nóng hơn và chúng ta đang sống trong xu thế nóng lên, đó chính sự tăng lên của nhiệt độ toàn cầu, khoảng 0,1 – 0.20C trên mỗi thập kỷ. Kết hợp với nhau, chúng cũng là nguyên nhân dẫn đến năm 2007 nóng hơn năm trước, thậm chí có thể sẽ là năm nóng kỷ lục”
Cảnh báo tác động leo thang của sự nóng lên toàn cầu được khẳng định lại vào năm 1988 bởi Jim Hansen, một nhà khoa học người Mỹ – một trong những nhà khoa học đầu tiên cảnh báo về biến đổi khí hậu.
Khi nói chuyện với tờ Independent, Giám đốc Hansen đã dự báo rằng sự nóng lên toàn cầu sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát và làm thay đổi hành tinh mãi mãi trừ khi phải nhanh chóng hành động làm đảo ngược tình trạng gia tăng phát thải khí carbon. Ông nói: “Rõ ràng là chúng ta không thể đốt cháy toàn bộ nhiên liệu hóa thạch trong lòng đất. Nếu điều đó xảy ra, chúng ta sẽ biến thành một hành tinh khác: Một hành tinh không có băng ở Bắc Cực, khí hậu ấm lan rộng tới mức gây ngập lụt do mực nước biển tăng và sự tuyệt chủng các loài trên diện rộng.
Lời kêu gọi hành động của ông đã giành được sự ủng hộ của ông David King – cố vấn khoa học cấp cao của chính phủ Mĩ. Ông nói rằng năm 2006 đã cho thấy những vấn đề gây tranh cãi về biến đổi khí hậu giờ đang diễn ra. Phát biểu trên tờ Independent ngày 01/01/07, ông David đã nói trong năm qua, quá trình phát triển vẫn đang tiếp diễn song một thỏa thuận toàn cầu nhanh chóng chấm dứt phát thải là rất cần thiết. “Cuối cùng, chỉ khi những người đứng đầu chính quyền làm việc cùng nhau mới có thể đưa ra được giải pháp toàn cầu. Chúng ta cần hướng thế giới tới một tương lai thịnh vượng và duy trì lâu dài. Chúng ta cần nhớ rằng: Hành động là có thể và không hành động là không thể”.
Các đề xuất đuợc đưa ra khi Tổ chức Khí tượng thế giới (thuộc Liên hợp quốc) phát đi lời cảnh báo về sự xuất hiện của El Nino trên Thái Bình Dương. Điều này có thể gây ra thời tiết cực đoan trên thế giới, từ châu Mỹ qua Đông Nam châu Á tới tận châu Phi, kéo dài ít nhất là trong 4 tháng đầu của năm 2007.
El Nino là kiểu thời tiết xảy ra với chu kỳ từ hai đến bảy năm và được gọi là “Đứa con của Chúa” bởi vì nó thường được cảnh báo vào dịp lễ Giáng sinh. Đợt El Nino khốc liệt vào năm 1997 và 1998 đã cướp đi sinh mạng trên 2000 người và tổng thiệt hại trên toàn thế giới lên đến trên 20 tỉ bảng Anh.
Tổ chức Khí tượng thế giới đã chỉ ra rằng một đợt EL Nino có mức độ vừa phải với nhiệt độ nước biển cao hơn bình thường 1,50C đang diễn ra và trong trường hợp xấu nhất, có thể phát triển thành một kiểu thời tiết cực đoan duy trì trong suốt 18 tháng như đợt El Nino năm 1997 – 1998. Theo cơ quan Liên hợp quốc, kiểu thời tiết có những tác động sớm và khốc liệt (bao gồm hạn hán ở Australia và sự nóng lên đột ngột ở Ấn Độ Dương), có thể sẽ ảnh hưởng tới gió mùa. Điều đó cảnh báo rằng El Nino cũng có thể gây ra mưa lớn ở khu vực Đông châu Phi, nơi vừa trải qua hạn hán và lũ lụt năm 2006.
Theo các chuyên gia, ảnh hưởng của nó đối với khí hậu nước Anh là rất khó dự báo, nhưng rất có thể nó sẽ làm cho nhiệt độ ở nước Anh tăng tới mức kỷ lục.
Sự xuất hiện trở lại của El Nino
Ngoài kiểu thời tiết mùa, El Nino và anh em song sinh của nó, La Nina là hai nguyên nhân riêng rẽ lớn nhất làm thay đổi khí hậu thế giới từ năm này qua năm khác.
Cả hai hiện tượng trên đều có nguyên nhân từ sự thay đổi về nhiệt độ trên miền biển nhiệt đới Thái Bình Dương khu vực giữa châu Úc và Nam Mỹ. Ở Tây Ban Nha, chúng được gọi là “Đứa con của Chúa” và “Cô gái” bởi vì chúng xảy ra gần đúng dịp Noel, chúng dẫn tới sự thay đổi sâu sắc toàn bộ hệ thống đại dương và các nhân tố khí quyển, từ áp suất cho đến các dòng lưu chuyển.
Sự tăng đáng kể nhiệt độ nước biển dẫn đến hiện tượng El Nino và ngược lại sự giảm nhiệt độ sẽ dẫn đến hiện tượng La Nina.
Nguyên nhân của hiện tượng này chưa đuợc tìm hiểu thấu đáo, tuy nhiên khi có hiện tượng El Nino, luồng nước biển ấm trên bề mặt di chuyển về phía đông do gió mậu dịch từ hướng Tây. Nước biển bốc hơi và gây ra mưa lớn trên khu vực Nam Mỹ, đặc biệt là Peru và Ecuador cũng như phần phía Tây nước Mỹ như California.
Một phần phía Tây Thái Bình Dương, bao gồm Indonesia và Australia, phải hứng chịu hạn hán. Ảnh hưởng này có thể kéo dài từ một vài tuần đến 18 tháng, đây cũng là nguyên nhân thời tiết cực đoan ảnh hưởng tới tận Ấn Độ và Đông châu Phi.
Sự kết hợp của chúng với hiện tượng nóng lên toàn cầu đến nay vẫn chưa rõ ràng. Bằng chứng khảo cổ học cho thấy El Nino và La Nina đã xuất hiện từ 15.000 năm trước. Tuy nhiên, các nhà khoa học đang nghiên cứu xem liệu sự biến đổi khí hậu có khiến cho chúng tăng về cường độ hay kéo dài thời gian tồn tại của chúng hay không.