ThienNhien.Net – Các nhà khoa học vừa phát hiện ra tế bào gốc có khả năng tạo ra 3 mô chính của tim. Đây là một bước tiến lớn trong nỗ lực sử dụng tế bào gốc – tế bào chủ đạo có khả năng nhân lên thành các loại tế bào khác – để tái tạo lại những phần cơ thể bị bệnh. Phần cơ thể đang được nghiên cứu là trái tim với bệnh tim là căn bệnh chết người nguy hiểm nhất ở hầu hết các nước phát triển.
Theo ông Kenneth Chien, hiện đang làm việc tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts và trường Y Harvard tại Boston: “Thật đáng ngạc nhiên là một tế bào đơn lẻ có thể thúc đẩy sự phát triển của mô và cấu trúc tim”. Liên hệ tới việc tế bào thân có thể thúc đẩy tất cả các loại tế bào có trong máu, ông cho biết thêm: “Tim có thể trông giống máu hơn chúng ta tưởng”. Ông Chien là đồng tác giả của một bài báo về tế bào đăng ngày 22/11/2006 trên trang web của tạp chí nghiên cứu Cell.
Stuart Orkin thuộc Viện y khoa Howard Hughes ở Chevy Chase – đồng tác giả của bài báo nói trên thì cho rằng “điều này làm thay đổi cách nhìn nhận của chúng ta về sự phát triển của các cơ quan trong cơ thể”.Tuy nhiên, những tế bào này có trong phôi thai và các nghiên cứu về tế bào gốc từ phôi thai đang gây ra nhiều tranh cãi. Những người phản đối cho rằng sẽ thật vô nhân đạo khi khai thác hoặc sử dụng phôi thai con người nhằm phục vụ cho y học.
Nhóm nghiên cứu của ông Chien đang theo dõi sự phát triển của một nhóm tế bào trong tim chuột có tên là islet-1 có chứa protein pf cùng tên. Họ phát hiện ra rằng tế bào gốc nhân lên thành các mô liên quan đến tim bao gồm cơ tim, cơ trơn, màng trong, mô/bộ phận điều hoà nhịp tim và các mô khác. Họ cũng phát hiện ra rằng có thể lấy được các tế bào gốc này từ phôi thai.
Trong các tế bào mà Orkin cùng đồng nghiệp lấy ra từ phôi thai chuột có chứa một loại gen đặc trưng của tim có tên Nkx2.5+. Họ nhận thấy các tế bào này chủ yếu phân chia thành tế bào cơ tim và tế bào hệ dẫn. Hệ dẫn của tim truyền xung điện giúp tim co bóp.
Nhóm nghiên cứu cũng tách các tế bào chứa gen Nkx2.5+ từ tế bào gốc lấy từ mầm thai và phát hiện thấy một vài tế bào trong số đó chứa gen thứ 2 có tên c-kit. Những tế bào có cả 2 gen này có thể phát triển thành cả tế bào cơ tim lẫn tế bào cơ trơn.
Cơ trơn là một trong 3 loại cơ trong cơ thể (cơ vân, cơ trơn và cơ tim). Cơ trơn cấu tạo nên mạch máu và các bộ phận rỗng khác trong cơ thể. Tên gọi của nó xuất phát từ việc nó không có những vân cực nhỏ như 2 loại cơ còn lại. Cơ tim có chức năng chính là bơm máu.
Các nhà nghiên cứu cho biết nghiên cứu tế bào của ông Chien có thể hỗ trợ cho nghiên cứu của ông Orkin, tuy nhiên đây vẫn còn là vấn đề chưa có lời đáp.
Ông Chien cho rằng những nỗ lực trước đây sử dụng tế bào gốc lấy từ phôi thai nhằm tái sinh trái tim đều thất bại vì những tế bào này thường có xu hướng gây ra ung thư. Theo ông, những nghiên cứu mới về tế bào chủ đạo có thể tránh được kết quả không mong muốn này.