ThienNhien.Net – Cúm gia cầm bùng phát từ những năm 2003, 2004 ở các nước thuộc châu Á, trong đó Việt Nam là một trong những trung tâm. Tuy nhiên, vấn đề này là mối quan tâm của toàn thế giới. Có khá nhiều công trình nghiên cứu về cúm gia cầm đã được thực hiện…
Thế giới
Các nhà khoa học Nhật Bản đã phát hiện ra nguyên nhân của sự biến thể virus H5N1 thành một chủng virus mới có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác, đó là axit amin.
Theo đó, quá trình nhiễm virus cúm gia cầm thường bắt đầu khi chất protein trên bề mặt virus kết dính vào các cơ quan hấp thụ trên tế bào động vật. Người và gia cầm có những cơ quan hấp thụ khác nhau và virus cúm gia cầm về cơ bản có xu hướng kết dính với cơ quan hấp thụ của gia cầm.
Bên cạnh đó, người cũng có thể nhiễm virus H5N1. Các nhà khoa học đã tiến hành phân tích 26 biến thể của virus H5N1, trong đó có 5 virus nhiễm ở gia cầm và 21 virus nhiễm ở người. Kết quả cho thấy loại virus có thể kết dính với các cơ quan hấp thụ của người khi có sự biến đổi axit amin tại hai vị trí 182 và 192.
Những biến đổi axit amin bổ sung thường xảy ra trước khi các loại virus cúm gia cầm có khả năng tái tạo một cách hiệu quả trong cơ thể người.Tuy nhiên, những virus đó có thể biến đổi thành một chủng virus mới có khả năng hoạt động mạnh sau khi bị nhiễm lại.Các nhà khoa học kết luận rằng cần phải kiềm chế những virus đó và ngăn chặn chúng lây lan khi phát hiện những biến đổi axit amin ở hai vị trí trên.
Cùng thời gian với việc công bố kết quả nói trên, các nhà khoa học Trung Quốc cũng thử nghiệm thành công loại vaccine cúm gia cầm cho người.
Theo những thử nghiệm đầu tiên, loại vaccine này khá an toàn và hiệu quả. Vaccine nói trên do Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống bệnh dịch – Bộ KH-CN Trung Quốc và Công ty Công nghệ sinh học Sinovac Bắc Kinh phối hợp bào chế. Với liều lượng 10microgram, vaccine sẽ cho hiệu quả tốt nhất, kích thích 78,3% kháng thể bảo vệ, vượt quá mức chuẩn của Liên minh châu Âu là 70% cho 1 liều vaccine cúm.
Được biết, loại vaccine này có thể sẽ sớm được sản xuất đại trà. Công ty Sinovac đã sẵn sàng thực hiện các cuộc thử nghiệm giai đoạn 2 (theo quy định của Trung Quốc, một loại vaccine sẽ được phép đưa vào thị trường sau khi hoàn tất 3 giai đoạn thử nghiệm).
Các vaccine cúm gà đang được sản xuất hiện nay có nhược điểm là chỉ chống lại virus H5N1 không biến đổi so với chủng được dùng để sản xuất vaccine. Một khi virus H5N1 biến đổi, vaccine hiện thời hầu như không có tác dụng.
Bởi vậy, chỉ đến khi đại dịch cúm xảy ra với sự xuất hiện của chủng virus mới, người ta mới có thể bắt tay vào sản xuất để vaccine theo phương pháp hiện thời phát huy tác dụng. Và thời gian cần cho sản xuất một lượng vừa đủ cho cả thế giới dùng cần không dưới sáu tháng.
Đồng hành trong cuộc chiến chống H5N1 ở gia cầm, cũng như ở người, các nhà khoa học Mỹ đã và đang trên con đường tìm ra một loại vaccine cúm gà làm từ virus H5N1 sống nhưng bị làm yếu, mở ra triển vọng về thế hệ vaccine mới có thể chống lại các chủng virus biến đổi từ dạng ban đầu có trong vaccine. Các vaccine dạng tiêm này chỉ sẽ giúp hệ miễn dịch trong cơ thể người học cách phát hiện và tiêu diệt loại virus H5N1 giống hoặc gần giống với chủng có trong vaccine.Vaccine sống được thử nghiệm trên chuột và chồn.
Việt Nam
Theo thông tin từ ông Trần Đức Long – Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) công bố trong Triển lãm y tế quốc tế Việt Nam lần thứ nhất (Pharmed & Healthcare VN) từ ngày 20 – 23/9/2007, Việt Nam đang chuẩn bị sản xuất vacxin phòng chống cúm gia cầm H5N1. Đây là thông tin có ý nghĩa thiết thực với công tác phòng chống cúm gia cầm tại Việt Nam. Bên cạnh việc Việt Nam trực tiếp bắt tay vào việc sản xuất vaccine phòng chống cúm gia cầm, hiện nay trên thị trường, loại vaccine Vaxigrip do hãng Sanofi pasteur sản xuất đã được lưu hành rộng rãi.
Cùng với thông tin trên, để đối phó tốt hơn với dịch cúm gia cầm trên người, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật để khi xảy ra dịch cúm gia cầm trên người, không bị lúng túng và thiếu các trang bị tối thiểu phục vụ bệnh nhân và vệ sinh môi trường.
Theo đó, 1.000 máy thở cùng nhiều trang thiết bị của Thủ tướng Chính phủ, với 1 triệu viên thuốc Tamiflu, 100 tấn Chloramin B…đã được chuẩn bị. Đồng thời, Bộ Y tế cũng bảo đảm việc bố trí ngân sách cho các hoạt động giám sát dịch, tập huấn các kiến thức cơ bản cho cán bộ, nhân viên y tế về chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus A/H5N1. Việc mua sắm các trang thiết bị dụng cụ y tế, thuốc phòng và chống dịch cúm cho các đơn vị trực thuộc bộ này và chi viện hỗ trợ cho các địa phưong gặp khó khăn trong cả nước.
Với sự tham gia đông đảo của cộng đồng thế giới cũng như Việt Nam trong công cuộc phòng chống dịch cúm gia cầm, hi vọng rằng một ngày không xa, cúm gia cầm sẽ được kiểm soát hoàn toàn.