Càng cận Tết Nguyên đán, công việc của công nhân vệ sinh càng vất vả. Không chỉ người quét rác mà công nhân ngành cây xanh, thoát nước cũng bận rộn không kém. Họ âm thầm góp phần tạo dựng môi trường xanh, sạch, đẹp cho thành phố. Và ít ai hình dung được rằng, trong khi người người lũ lượt đi sắm Tết thì họ vẫn miệt mài với công việc nhọc nhằn hàng ngày của mình…
Xao xác tiếng chổi tre
Chị Phượng – công nhân vệ sinh tổ 7 thuộc Công ty Công trình công cộng Q1, Tp. Hồ Chí Minh người có 13 năm trong nghề cho biết, từ 4 giờ sáng chị đã có mặt ở đây để “lau đường” (lau đường là từ mà các chị dùng để chỉ công việc hàng ngày mình đang làm).
Chị Phượng phụ trách quét rác trên đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ ngã tư Nguyễn Văn Cừ đến nhà hàng Center Food). Từ 4 giờ sáng đến tận 16 giờ, chị “trực chiến” trên đoạn đường này, làm sạch đường phố. Khi tôi hỏi, chị đã sắm sửa gì cho ngày Tết, chị cười bảo: “Cứ đi làm như thế này về mệt quá nên cũng chẳng sắm sửa gì, vả lại năm nay mùng 1 Tết vẫn phải đi làm…”.
Mượn cây chổi còn lại của chị, tôi bắt đầu công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng khi làm tôi mới thấy chẳng dễ chút nào. Cán chổi cao hơn 1,5m cứ làm tôi thấy vướng víu, loay hoay đổi tay liên tục. Quét chưa đến 30m đường, hai tay tôi đã đỏ rần lên, cánh tay mỏi nhừ, mồ hôi thi nhau chảy xuống.
Có tận mắt chứng kiến, làm việc cùng chị, tôi mới cảm nhận được những nỗi nhọc nhằn của công việc tưởng như đơn giản này. Đó là chưa kể, suốt ngày công nhân vệ sinh phải tiếp xúc và hít thở các mùi hôi thối của rác và các loại nước thải nên bị bệnh viêm mũi, viêm họng, cảm, nhức mỏi tay chân là chuyện bình thường.
Chị em công nhân vệ sinh làm ca tối (bắt đầu từ 16 giờ đến 2 giờ khuya), còn gặp rất nhiều mối nguy hiểm rình rập. Không ít chị đã phải nhập viện vì tai nạn giao thông do những “yêng hùng xa lộ” gây nên.
Lặng lẽ làm đẹp cho đời
Chia tay chị Phượng, tôi đến đường Nguyễn Cảnh Chân, gặp em Nguyễn Thị Ngọc Trang mới 21 tuổi đời nhưng đã có hơn 2 năm kinh nghiệm “lau đường”. Thành phố những ngày giáp Tết, nắng gay gắt. Nhìn bóng Trang đang lặng lẽ quét, tôi bỗng thấy chạnh lòng. Cả gia đình Ngọc Trang đều làm nghề này (ba mẹ em đã có gần 20 năm trong nghề). Khi tôi hỏi có thấy nghề này cực quá không, Trang cười nhỏ nhẹ: “Em quen rồi. Vả lại lúc nhỏ em vẫn thường theo mẹ đi lau đường nên giờ một mình, một chổi và một xe quen rồi”.
Cô Hồ Thị Lan, công nhân tổ Hòa Bình thuộc Công ty Công trình giao thông công chánh quận 5, hiện đang phụ trách dọn dẹp rác ở công viên Âu Lạc và vòng xoay ngã sáu Cộng Hòa, người có thâm niên hơn 30 năm trong nghề, tâm sự: “Cứ mỗi lần Tết đến là tụi tôi phải vất vả nhiều hơn. Trước Tết thì cho các chậu hoa vào bồn để trang trí cho đẹp, còn sau Tết lại phải đem chúng vứt đi. Mỗi lần như thế tôi thấy chạnh lòng”.
Chung tổ với cô Lan có anh Nguyễn Trọng Toàn, đã ngoài 30 tuổi, anh vẫn còn… phòng không. Hỏi anh sao chưa lập gia đình, anh cười đùa: “Tối ngày phải đối mặt với cây cỏ đâm ra nghiện lúc nào không hay. Cũng có quen vài cô nhưng có lẽ họ thấy mình như vậy nên ai cũng ngại”.
Với công việc chính là quét dọn đường phố, thu gom rác thải, chăm sóc cây xanh, vườn hoa, vườn ươm, hầu hết những công nhân vệ sinh phải làm việc ngoài trời trong điều kiện thời tiết, mưa nắng thất thường.
Ngày thường đã vậy, ngày Tết số lượng rác thải tăng lên gấp nhiều lần, nên công việc của họ lại càng vất vả hơn, và chuyện tất bật từ sáng sớm cho đến tận khuya cũng trở thành bình thường. Cụm từ “tăng ca, thêm giờ” đã trở nên quen thuộc với anh chị em. Và họ vẫn luôn cố gắng làm việc hết mình để đạt hiệu quả cao nhất.
Xin mượn những câu thơ trong bài “Tiếng chổi tre” của nhà thơ lớn Tố Hữu như một sự ghi nhận, biết ơn dành cho những người âm thầm góp phần giữ gìn thành phố sạch đẹp:
Tiếng chổi tre
Chị quét
Những đêm hè
Đêm đông gió rét
Tiếng chổi tre
Sớm tối
Đi về
Giữ sạch lề
Đẹp lối em nghe.