Vườn quốc gia Pù Mát nổi tiếng về tính đa dạng sinh vật ở tầm quốc gia và quốc tế. Trong danh mục động vật hoang dã bước đầu đã thống kê được 132 loài thú, trong đó có 37 loài thú quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ Thế giới (IUCN 1996). Trong đó, lợn rừng được coi là một đặc trưng của Pù Mát.
Lợn rừng không phải là loài loài thú quý hiếm, nổi tiếng như sao la (Psendoyx nghetinhensis) hay mang lớn (Meganuntiacus vuquqnvensis) nhưng lại là loài thú có giá trị kinh tế cao. May mắn là ở VQG Pù Mát còn khá nhiều đàn lợn rừng với số cá thể khá đông đúc.
Lợn rừng còn gọi là lợn lòi, tiếng Thái gọi là muloong, tên khoa học là Sú Serofa (Linnaens 1758) thuộc họ lợn (Suidac), bộ guốc chẵn (Artiodaclyta). Về hình dáng, chúng rất giống lợn nhà, phần mông nhỏ hơn, phần đầu và ngực rất phát triển. Bộ lông thô, dài, cứng, màu đen xám, lông gáy dày và rậm, khi bị kích động hàng lông này dựng lên rất dữ tợn. Bộ răng lợn rừng rất phát triển, nanh chìa ra ngoài khá dài, đặc biệt mỗi đàn còn có con đực già, to lớn gọi là lợn độc. Lợn độc thường rất khoẻ, có thể đánh nhau để bảo vệ bầy. Lợn độc không ngán đối thủ nào, ngay cả các loài thú dữ như chó sói, gấu, báo.
Trọng lượng cơ thể của lợn trưởng thành từ 40kg đến 200kg, thân dài từ 135 – 150 cm, cao 50 – 70 cm, bàn chân sau phát triển. Sọ lợn rừng khá dài, khẩu cái tới 20 – 22cm, rất thích hợp cho việc đào bới, ủi đất tìm kiếm thức ăn. Lợn rừng là loài ăn tạp, ăn bất cứ thứ gì từ quả cây, nấm, củ rễ đến giun đất, rắn rết, ốc sên, chuột, xác động vật kể cả khi đã thối rữa. Thức ăn khoái khẩu nhất là các loại củ quả giàu tinh bột và các loại cây nhiều chất xơ như chuối, măng.
Phạm vi hoạt động của lợn rừng rất rộng, sống được trong nhiều sinh cảnh khác nhau như rừng thứ sinh, rừng thưa (trừ núi đá) nhưng thích hợp nhất là những thung lũng ven các suối nước có độ ẩm cao, nhiều thức ăn như rừng tre nứa, gần nương rẫy. Chúng sống theo bầy đàn, có những bầy đàn lớn từ 20 – 100 con. Tuy nhiên, chúng ta thường chỉ gặp những đàn dưới 20 con. Những chú lợn đực bình thường vẫn lẻn đi ăn một mình, đến mùa động dục chúng mới nhập đàn, chung đụng với bạn tình. Chúng thường kiếm ăn vào ban đêm từ chập tối đến gần sáng, ban ngày nghỉ ngơi trong bụi rậm, mùa đông chúng làm tổ để nằm. Thỉnh thoảng chúng cũng ra khỏi rừng tìm đến những nương rẫy hoặc những nơi có sẵn măng tre, mét vào sáng sớm hoặc chiều tối.
Lợn rừng sinh sản quanh năm, mang thai 4 tháng, mỗi năm 1-2 lứa, mỗi lứa 5- 6 con. Tuy nhiên, thích hợp nhất vẫn là mùa xuân và mùa thu. Lợn mẹ làm tổ để đẻ rất chu đáo, lợn con sau khi đẻ 30 phút có thể đi lại bình thường, một tuần có thể theo mẹ đi kiếm ăn, sau 2 năm thì phát dục.
Lợn rừng phân bố rộng trên thế giới và trong nước từ trung du đến miền núi. VQG Pù Mát có nhiều sông suối, không gian rộng, nhiều thung lũng sâu thích hợp để các đàn lợn rừng sinh sống và phát triển. Thiết nghĩ, VQG Pù Mát nên khảo sát xây dựng một số khu chăn nuôi tự nhiên hoặc bán tự nhiên để phát triển lợn rừng. Đó cũng là một cách để phục hồi và bảo tồn sinh thái rừng.