ThienNhien.Net – Các nhà đầu tư đã chi hàng tỉ đô la vào các nguồn năng lượng “có thể tái chế” như ethanol, diesel sinh học và năng lượng mặt trời – hứa hẹn sẽ giảm bớt sự phụ thuộc của thế giới vào dầu mỏ. Tuy nhiên, việc khai thác những nguồn năng lượng thay thế này có thể sẽ tạo ra nhiều hệ lụy về kinh tế và môi trường – dẫn đến kết quả là lợi bất cập hại.
2. Thúc đẩy các nguồn năng lượng thay thế – lợi hay hại?
Những vấn đề phát sinh đó không phải là duy nhất. Tại Indonesia và Malaysia, diện tích rừng đang bị thu hẹp dần để ưu tiên đất cho việc trồng các loại cây phục vụ sản xuất năng lượng mới hoặc các loại khí đốt khác. Tại Ấn Độ, các nhà hoạt động môi trường cho biết mực nước ngầm đang hạ thấp do nông dân ra sức trồng mía để sản xuất ethanol.
Ông Sean Darby, chuyên gia và đồng thời là nhà phân tích luật cho các công ty năng lượng thay thế của Tập đoàn quốc tế Nomura tại Hồng Kông cho biết “Nói một cách thẳng thắn thì việc thúc đẩy các nguồn năng lượng thay thế đang gây ra những biến đổi lớn đối với môi trường”. Điều ông lo lắng nhất là nguồn tài nguyên nước đang ngày càng cạn kiệt do tăng vụ. Ông quan niệm “Nước cũng quý không kém gì dầu”.
Một vài chuyên gia cũng bận tâm về việc sẽ diễn ra sự cạnh tranh giữa đất trồng trọt, chăn nuôi và đất trồng các loại cây cho các nhiên liệu sinh học, điều này có khả năng dẫn đến việc tăng chi phí toàn cầu trong việc sản xuất lương thực thiết yếu.
Liệu những vấn đề này sẽ trở nên nghiêm trọng như thế nào hay rốt cuộc là chúng có được giải quyết thông qua các biện pháp môi trường đúng đắn và các công nghệ mới hay không vẫn còn là một ẩn số. Những người ủng hộ nguồn năng lượng thay thế, trong đó có ban quản trị ngành công nghiệp dầu cọ, thì cho rằng những nguy cơ trên đã bị phóng đại quá mức và thực tế chất đốt mới có nhiều lợi ích hơn những gì mà người ta trông đợi.
Mặc dù các đại diện ngành công nghiệp dầu cọ thừa nhận họ có một số vấn đề với các công ty cây trồng nhưng họ tin tưởng phần lớn các đám cháy rừng ở Indonesia không liên quan tới việc trồng cây cọ. Ông M.R.Chandran, cựu chủ tịch Tập đoàn dầu cọ Malaysia và là nhà cố vấn hiện thời cho ngành công nghiệp nhận định: “Chúng tôi đã bị xét đoán một cách không công bằng”. Ông này cho biết chính nông dân địa phương gây ra các đám cháy để phát hoang đất đai cho các vụ thu hoạch. Tại Indonesia, ông tin chắc rằng ngành công nghiệp khai thác gỗ phải chịu phần lớn trách nhiệm cho nạn phá rừng.
Ngành năng lượng thay thế gần giống như Internet về mặt tốc độ thay đổi nhanh chóng và các công nghệ mới có thể giúp ích trong giải quyết một số các bận tâm về thiệt hại phát sinh, ông Chris Flavin, chủ tịch Viện Worldwatch- một tổ chức nghiên cứu về môi trường tại Washington đã cho biết như vậy.
Còn ở Hoa Kỳ, những nghi vấn đặt ra về chất ethanol chiết xuất từ bắp đang trở thành đề tài được thảo luận trong giới nông nghiệp và học viện phần nào là do các nghiên cứu gần đây của giáo sư David Pimentel – trường đại học Cornel. Ông vẫn còn hoài nghi về giá trị của nhiên liệu thay thế và cho rằng việc mở rộng trồng bắp để sản xuất nhiên liệu sinh học sẽ làm cạn kiệt nguồn nước và gây ô nhiễm đất do sử dụng thêm các loại phân bón và hoá chất. Các máy móc nông nghiệp và các thiết bị chuyển hoá nguyên liệu thành ethanol khi vận hành cần số lượng lớn nhiên liệu truyền thống- sự thiệt hại có khi còn lớn hơn lợi ích thu được từ việc tạo ra các nhiên liệu ít gây ô nhiễm.
Những nghiên cứu khác, kể cả của các nhà nghiên cứu tại Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, lại đưa ra kết luận khá khả quan và họ lên tiếng chỉ trích phương pháp luận của giáo sư Pimentel.
Các chỉ trích về nguồn năng lượng thay thế, ngay cả khi bị cho là hơi phóng đại, có thể có tác động đáng kể đến kinh doanh. Năm ngoái, theo New Energy Finance, một công ty có trụ sở tại London chuyên phân tích về năng lượng mới, các nhà đầu tư trên toàn cầu đã chi một con số kỷ lục là 49 tỷ đôla cho năng lượng mới như năng lượng Mặt trời, ethanol và nhiên liệu sinh học, tăng 60% so với năm 2005.
Tuy nhiên việc thương mại hoá nhiên liệu thay thế phụ thuộc vào sự hỗ trợ về mặt chính trị dưới hình thức ưu đãi thuế quan hay trợ giá của chính phủ. Vì vậy, việc phản đối nhiên liệu mới ngày càng tăng có thể gây ra những cản trở tới việc đưa các nguồn năng lượng này vào thị trường.
Điều này đặc biệt đúng đối với dầu cọ, giá của mặt hàng thông thường này tăng 35% giữa tháng Giêng và tháng 11/2006 phần nào tạo nhu cầu cho nhiên liệu sinh học.
Vào tháng 10/2006, Uỷ ban nghị viện châu Âu kiến nghị Liên minh châu Âu cấm tất cả nhiên liệu sinh học làm từ dầu cọ, viện lý do là việc trồng trọt cọ sẽ khuyến khích nạn phá rừng ở các quốc gia vùng nhiệt đới. Tại Indonesia, các nhà hoạt động môi trường đã chặn được một dự án được Trung Quốc tài trợ trị giá 8 tỷ đôla xây dựng một trong những khu trồng dầu cọ lớn nhất thế giới.
Mới đây, RWE Npower – một trong số những công ty năng lượng lớn nhất nước Anh và là một chi nhánh của tập đoàn năng lượng RWE AG của Đức, cho biết họ sẽ từ bỏ dự án sử dụng vài trăm ngàn tấn dầu cọ mỗi năm để tạo ra năng lượng. Nhóm Những người bạn của Trái đất trước đó đã cảnh báo dự án này sẽ góp phần vào một lượng cầu về dầu cọ không ổn định cho toàn cầu – dẫn đến việc phá rừng mưa nhiệt đới tại các nước Đông Nam Á. Công ty RWE Npower cho biết họ ngừng dự án này vì không thể đảm bảo đủ nguồn cung cấp dầu cọ trong dài hạn.
Hầu hết người tiêu dùng mới chỉ biết đến dầu cọ là nguyên liệu để sản xuất dầu ăn. Dầu được ép từ nhiều chùm quả đỏ mọc trên cây cọ, chủ yếu trồng ở Malaysia và Indonesia, nơi điều kiện khí hậu lý tưởng cho các đồn điền rộng lớn. Tuy nhiên, dầu có thể được xử lý để tạo chất đốt. Khi đó, dầu được pha trộn với dầu diesel để tạo một nguồn nhiên liệu hỗn hợp – ví dụ, 80% dầu diesel thường và 20% nhiên liệu sinh học – có thể được bơm trực tiếp vào thùng. |
Khi giá dầu tăng mạnh, một số công ty, kể cả tập đoàn Chevron, đã thông báo kế hoạch xây dựng hoặc đầu tư vào các nhà máy sản xuất dầu diesel sinh học. Trong bản báo cáo gần đây, nhà phân tích của Credit Suisse cho biết hiện đang phát triển nhà máy có đủ công suất khoảng 20 triệu tấn dầu/năm đến cuối năm 2008. Công suất này tăng hơn 2 lần so với hiện nay sẽ dễ dàng huy động các nguồn dầu cọ sẵn có trên thế giới – tạo nhu cầu cần thêm nhiều đồn điền hơn nữa.
Chính quyền Indonesia hi vọng có thể dựa vào nhu cầu này huy động vốn tạo sự tăng trưởng kinh tế cho một trong số những vùng nghèo nhất nước này. Chính phủ nước này đang chủ trương cho các công ty vay lãi suất thấp với mục đích tăng 1,5 triệu hécta đồn điền mới trong vòng 5 năm tới. Các viên chức chính phủ cho biết kế hoạch này được thực hiện trên phần diện tích được phân bổ nên sẽ không gây nên tổn thất môi trường trên diện rộng.
Nhưng những gì diễn ra tại Borneo lại cho thấy một kết quả khác hẳn. Borneo là một trong những hòn đảo thiên đường trên thế giới, bị chia cắt giữa Indonesia và Malaysia, được các nhà môi trường đánh giá là một trong số vùng hoang dã nhiệt đới lớn cuối cùng. Đó là nơi cư ngụ của những loài động vật quý hiếm như đười ươi, báo gấm và tê giác Sumatra.
Đó cũng là nhà của bộ lạc săn đầu người cuối cùng trên thế giới. Bộ lạc Dayaks bản xứ đã khôi phục lại tập tục man rợ này vào cuối những năm 1990 trong khi xảy ra các cuộc xung đột giữa các bộ lạc. Một vài người Dayaks vẫn sống trong các làng mạc chỉ có thể đến bằng đường sông và họ ngủ trong nhà sàn dài bằng gỗ.
Dầu diesel sinh học đem lại nhiều lợi ích. Việc trồng các loại cây cho năng lượng thay thế như cây cọ giảm nhu cầu các nhiên liệu hoá thạch như dầu mỏ mà nguồn cung cấp của nó là có hạn. Diesel sinh học khi cháy sạch hơn nhiên liệu lỏng thành phần chủ yếu cácbon và thải ít khí nhà kính hơn. |
Vào những năm 1800, các thương nhân người Hà Lan và người Anh bắt đầu phân chia đất đai để sản xuất cao su và những mặt hàng khác. Sau đó, các nhà buôn gỗ người Malaysia và Indonesia đã đốn các loại gỗ cứng nhiệt đới làm hàng triệu hécta rừng bị tàn phá. Theo số liệu của WWF- Quỹ Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên toàn cầu – thì rừng mưa nhiệt đới trước đây bao phủ khắp Borneo giờ đây chỉ còn hơn một nửa.
Hiện tại, việc bùng nổ nhu cầu dầu cọ đe doạ những gì còn sót lại của hòn đảo này. Tại phía Tây Kalimantan, một tỉnh dọc bờ biển phía Tây, cây cọ phủ khoảng hơn 400.000 hécta, so với năm 1984 là 15.000 hécta. Các đoàn xe tải màu da cam liên tục chạy trên các con đường mới lát của tỉnh chở nguồn dầu quý giá đến các cảng sông.
Việc mở các đồn điền trồng cây cọ tạo công ăn việc làm và nhiều cơ hội cho các gia đình Dayak, một số người thậm chí còn sở hữu cổ phần trong ban quản lý đồn điền.
Tuy vậy, các cư dân nơi đây cũng nhận thấy việc mở rộng đồn điền gây nên một số tác hại nhất định. Chúng có thể làm thay đổi lưu vực sông, phá hoại môi trường sống của các loài động vật và tạo ra những đợt khói mù kéo dài hàng tháng lan toả hàng trăm kilômet bao phủ Đông Nam Á.
Khi các đám cháy ăn sâu xuống lớp đất than bùn bên dưới các khu rừng của Indonesia, hàng trăm tấn khí carbon bị nén trong các bùn được giải phóng vào khí quyển. Mới vừa rồi, một nghiên cứu được đưa ra trước hội nghị Liên Hiệp Quốc về vấn đề khí hậu diễn ra tại Nairobi chỉ rõ, khi tính đến lượng khí thải ra từ các đám cháy và những nhân tố khác, thì Indonesia là nước thải khí carbon lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.
Susan Page – một giảng viên thâm niên của trường đại học Leicester – Anh Quốc, chuyên nghiên cứu về khí thải carbon tại vùng Đông Nam Á cho biết: “Ngừng các đám cháy là một trong những cách loại bỏ việc thải khí carbon vào khí quyển”.
Chắn chắn rằng việc mở các đồn điền trồng cây cọ không là nguyên nhân duy nhất cho nạn tàn phá rừng và khói mù tại Borneo. Những kẻ phá rừng cũng có góp phần tàn phá những diện tích rừng lớn. Ngoài ra, những người dân bản xứ với thói quen đốt nương làm rẫy lâu đời đã đốt rừng để phát hoang đất đai.
Thế nhưng, các nhà môi trường Indonesia lại cho rằng, chính các đồn điền đã làm trầm trọng thêm vấn đề và một vài nhà quản trị trong ngành công nghiệp này đã thừa nhận hậu quả phần nào là do họ gây ra. Thông thường, khi các công ty đốn cây lớn thường để lại các cành, lá cần được dọn sạch trước khi trồng cây cọ. Cách nhanh nhất và ít tốn kém nhất là cho nó một mồi lửa.
Các viên chức Indonesia cho biết, họ đang nỗ lực để chống lại các đám cháy và ngăn chặn việc đốt rừng bất hợp pháp. Một trong số các chiến lược của họ là thuê 2 chiếc máy bay lớn của Nga để thả xuống những quả bom nước và bắt đầu dự án phân phối máy bơm nước cho cư dân địa phương.
Tuy nhiên họ vẫn bị bó buộc bởi ngân sách hạn hẹp và những khó khăn lớn về giao thông khi thực hiện các chính sách tại khu vực rộng lớn nhưng chưa có đường xá đi lại. Ông Dharmawan – một viên chức về môi trường của tỉnh nói trong tiếc nuối: “Cách tốt nhất chúng tôi có thể làm là hạn chế việc lan rộng các đám cháy”.
Đồng thời, các công ty dầu cọ đã hợp tác với các tổ chức bảo vệ môi trường, các công ty năng lượng và các công ty khác để thành lập một nhóm được gọi là Hội nghị bàn tròn phát triển bền vững dầu cọ, dự kiến sẽ cấp chứng chỉ cho những công ty trồng cọ tuân thủ hướng dẫn giúp hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại về mặt sinh thái học.
Trở lại Borneo, ông Tony Hartono – người đứng đầu Hiệp hội đồn điền trong vùng tại bắc Kalimantan – cho biết ông vẫn tin tưởng rằng, dầu diesel có nguồn gốc từ cây cọ sẽ đóng một vai trò lớn trong giải quyết những vấn đề về năng lượng của thế giới. Xét cho cùng, ông ta nghĩ rằng: “Đó là nguồn năng lượng có thể tái tạo và đó chính là tương lai của chúng ta”.