Hàng ngày, nhiều người trong chúng ta đều nhâm nhi chén trà cho tất cả các câu chuyện buồn vui, tếu táo hay nghiêm túc. Xuân về, Tết đến thì chén trà xuân lại càng thêm ấm đượm tình người. Đã có nhiều vùng đất trà nổi tiếng đã được báo chí giới thiệu. THienNhien.Net xin giới thiệu về hương trà Đà Lạt qua bài viết về "Lễ hội văn hóa trà Lâm Đồng 2006" để bạn đọc thêm tường tỏ về một vùng trà
Mê trà, tôi đã từng lên tận Tân Cương tỉnh Thái Nguyên để trực tiếp thưởng thức “đệ nhất danh trà” Việt Nam mà người Việt Nam nào cũng nhớ câu: “Chè Thái, gái Tuyên”. Hoặc vượt “cổng trời” vào Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) để nhâm nhi chén trà Shan huyết cổ thụ hàng ngàn năm chỉ có ở Lũng Phìn trên vùng cao nguyên Đồng Văn. Ấn tượng nhất đối với tôi trong chuyện uống trà có lẽ là lần sang thị trấn Malipho thuộc Châu Vân Sơn của Trung Quốc, từ cửa khẩu Thanh Thủy – Thiên Bảo. Nhìn thấy một trà quán thơm lừng, nghi ngút khói, nổi máu giang hồ của một “hai lúa Đồng Nai” tôi tự nghĩ: “Đã đặt chân đến Trung Quốc mà không uống trà Tàu thì chưa phải là … hảo hán”. Tôi bèn mạnh dạn bước vào trà quán với cửa kiếng sáng choang và chỉ đại vào tấm … ẩm đơn, có hàng chữ: trà Long Tĩnh bằng chữ Hán mà tôi áng chừng ra được vì chỉ nhớ có chữ Long. Bình trà nhỏ xíu, uống chỉ được mấy ngụm chán phèo. Thế mà tôi bị “chặt đẹp” đến 10 nhân dân tệ. Cay đắng nhất là lúc kể lại, mấy đồng nghiệp ở Hà Giang cười ồ lên: “Ông bị uống chè Long Tĩnh dỏm rồi! Chè đểu đấy!”. Đến giờ, tôi vẫn chưa biết thế nào là trà Long Tĩnh thật. Nhưng máu mê trà trong tôi vẫn đậm đặc lắm!
Bảo Lộc – nơi Công ty TNHH trà – cà phê Tâm Châu đăng cai tổ chức lễ khai mạc “Lễ hội văn hóa trà” và Đà Lạt nơi diễn ra nhiều hoạt động của lễ hội văn hóa trà đột ngột xuất hiện một cơn lạnh bất thường. Điều này làm cho phượng tím và mai anh đào khựng nở, nhưng những đám dã quỳ chừng như vàng tươi, rực rỡ hơn. Và du khách cũng như người dân Bảo Lộc, Đà Lạt trở nên trang trọng, quý phái hơn trong những chiếc áo lạnh, áo khoác đủ kiểu dáng, màu sắc.
Với chủ đề “Lung linh mùa đông Đà Lạt” cùng chương trình văn nghệ “Gặp gỡ mùa hoa cúc quỳ”, lễ hội văn hóa trà Lâm Đồng 2006 có những hoạt động khá hoành tráng, như: Khai mạc Hội chợ triển lãm văn hóa trà, diễu hành xe hoa đường phố, khiêu vũ trên đường phố, triển lảm ảnh báo chí 80 năm cây trà có mặt trên cao nguyên Lâm Viên… Đặc biệt, dịp này đã diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc Hiệp hội chè Việt Nam lần III, trao cúp “Cành chè vàng” và “Văn hóa chè”. Đêm bế mạc (24-12), Đà Lạt càng trở nên lung linh với “dạ tiệc” trà có khoảng 2.000 người tham dự cùng với sự xuất hiện bất ngờ của 200 ông già Noel phát quà cho trẻ em bên bờ hồ Xuân Hương.
Đáng chú ý là tại lễ hội văn hóa trà Lâm Đồng 2006, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam (Vietnam Guinness Book) đã công nhận 5 kỷ lục mới: Với 25.600 hecta trà, Lâm Đồng là địa phương có diện tích trà lớn nhất nước; Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên tổ chức lễ hội văn hóa trà; cặp bình trà bằng gốm lớn nhất; cặp bình trà bonsai lớn nhất Việt Nam…
Sự công nhận này là hợp lý vì từ 6 năm nay vùng trà BLao của Lâm Đồng đã đi tiên phong trong cả nước về việc đổi mới giống, áp dụng khoa học kỹ thuật thâm canh cây trà, hình thành một ngân hàng trà giống cao sản với chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong đó có những giống trà bắt đầu có thương hiệu như: Ô Long, Ngọc Thúy, Kim Tuyên, Tứ Quí. Nhiều công ty chuyên doanh trà bắt đầu có tên tuổi trong thị trường thế giới như: Công ty cổ phần chè Cầu Đất Đà Lạt (CADATCO), Tâm Châu (Bảo Lộc) , HAI YIH (Đà Lạt)…, cùng với những trà quán được người sành điệu biết đến như: Tiên Phong quán, An Tiến, Thanh Thủy.
Nhưng phải nói, đến lễ hội văn hóa trà Lâm Đồng hầu như ai cũng bị mê hoặc bởi không gian trà Việt bình dị và thơ mộng. Gian hàng trà Thái Nguyên là nơi thu hút đông đảo nhất du khách trong nước, người nước ngoài và cả Việt kiều bởi những “cô hàng nước chè” xinh đẹp trong chiếc áo bà ba nâu sậm cùng váy lĩnh đen duyên dáng pha trà mời khách và biểu diễn chầu văn, quan họ, hát then, hát xẩm… rất điệu nghệ. Ở nhiều quán trà khác cũng với mái tranh, cột tre, như hiệu trà Trường Xuân, quán trà Tân Cương, Cầu Đất, trà BLao. Khách tham quan còn được những cô gái mặc áo dài, áo dân tộc cổ truyền … điệu đàng pha trà mời thưởng thức. Mỗi loại trà một hương vị, một không gian khác nhau, dân dã mà đậm đà.
Các bộ đồ trà trưng bày tại lễ hội văn hóa trà |
Ở khu vực Câu lạc bộ Trà Việt do Nhà văn hóa Thanh Niên, TP. Hồ Chí Minh tổ chức, dân ghiền trà như lọt vào một thế giới trầm mặc, tinh tế và sâu lắng, đầm thấm hương vị trà, những chàng trai, cô gái mặc quốc phục Việt Nam xưa và hướng dẫn cách pha trà vừa nhẹ nhàng, lịch sự mời khách bên những chiếc thuyền tre, xe bò, chậu cây cách điệu đặt chỉ mỗi loài sen hồng đang tỏa khói. Trà Việt đã làm cho không gian thưởng thức trà đạo Việt trở nên sang trọng, lịch lãm hơn rất nhiều lần và làm cho dân sành trà phải nhận ra rằng người Việt Nam mình có một nền trà đạo hẳn hoi, không hề vay mượn gì của Trung Hoa, của Nhật.
Nhưng có lẽ ấn tượng và bất ngờ nhất tại “Lễ hội văn hóa trà Lâm Đồng 2006” là bộ sưu tập bình trà lớn nhất từ trước đến nay được xuất hiện tại đây. Tôi đã từng hầu trà những bậc cao niên để nghe các cụ cổ lai hy luận bàn về Kiều, Kinh Dịch, Tam Quốc Chí… bên những bình trà cổ quái mà chủ nhân nó xem là đồ gia bảo “độc nhất vô nhị”. Thế nhưng đứng trước 320 bộ đồ trà của nhà sưu tập Mông Đông Vũ, tôi đã hết sức ngạc nhiên. Không ngờ trên đời này lại có những bình trà lạ lùng đến như vậy. Có bình trà được làm theo hình dạng con vịt, con gà 3 chân. Có bình trà làm bằng gốm Bát Tràng to đùng, có sức chứa cả chục lít nước, mà theo ông Bùi Thanh Tâm – cán bộ Sở Văn hóa thông tin tỉnh Thái Nguyên – người thuyết minh cho bộ sưu tập độc đáo này, thì đây là bình chè lớn nhất của Việt Nam và đây là cái duy nhất còn lại của làng gốm cổ Bát Tràng. Ngộ nghĩnh nhất là bình trà có thân là 2 con phượng màu lam đắp đối xứng, phần trên là 2 con rồng bay và quay là một con rồng lam. Ông Tâm cho biết ông Mông Đông Vũ, Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Thái Nguyên đã bỏ ra trên 10 năm trời đi khắp trong Nam ngoài Bắc để có được bộ sưu tập độc nhất vô nhị này ở Việt Nam.
Ông Đoàn Ngọc Hân, Chủ tịch HĐQT Công ty phân bón Phú Nông năm nay 65 tuổi, là một trong những người có mặt trên cao nguyên Lâm Viên từ những năm 1940. Những năm qua ông đã đi nghiên cứu về nông nghiệp ở vài nước trong khu vực và là một người bạn khá gần gũi với người trồng trà ở BLao. Do vậy, ông cũng không nhớ rõ là mình bị ghiền trà từ lúc nào. Nhưng dạo qua một vòng 36 gian hàng trà của những “danh trà” đến từ nhiều tỉnh trong cả nước, như: Thái Nguyên, Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ, Lâm Đồng… theo kiểu mỗi chỗ làm 1 tách trà cho biết, ông Đoàn Ngọc Hân phấn khởi cho rằng: “Tôi ghiền trà Bảo Lộc, là khách hàng thường trực của Công ty trà Tâm Châu và đã từng uống trà Bắc như Thái Nguyên. Vậy mà qua lễ hội này tôi mới thấy được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật thưởng thức trà Việt mình. Tôi đâu ngờ từ bao đời nay người Việt Nam mình có nghệ thuật uống trà tinh tế và độc đáo đến như vậy!”.