ThienNhien.Net – Do nhu cầu sử dụng năng lượng quá lớn, Trung Quốc đã chuyển dòng sông Mê Kông thành tuyến đường vận chuyển dầu. Các nhà hoạt động xanh và môi trường ở Đông Nam Á lo sợ rằng sự rò rỉ dầu có thể cướp đi sinh kế của rất nhiều người sống dọc hạ lưu con sông lớn nhất khu vực này.
Theo Tân Hoa Xã, các nhà hoạt động xanh đã bày tỏ mối quan ngại sau cuộc hành trình khai lộ của hai chiếc thuyền dọc sông Mê Kông nhằm thể hiện sự quyết tâm của Bắc Kinh trong việc tìm một tuyến đường vận chuyển dầu khác rẻ hơn tới Trung Quốc. Vào ngày 29/10/2006, hai chiếc tầu chở 300 tấn dầu lọc từ một cảng ở tỉnh Chiang Rai, phía bắc Thái Lan đã cập cảng ở Vân Nam – Tây Nam Trung Quốc.
Hành trình dọc sông Mê Kông mang khẩu hiệu “Cuộc hành trình thử nghiệm chương trình vận chuyển dầu giữa Trung Quốc và các đối tác ở Đông Nam Á”. Theo các chuyên gia thì con sông này sẽ là tuyến đường vận chuyển dầu thay thế cho eo biển Malacca và nhìn chung sẽ đảm bảo được nguồn cung ứng dầu cho vùng Tây Nam Trung Quốc.
Các nhà môi trường đã đưa ra lời cảnh báo ngay từ khi kế hoạch sử dụng con đường vận chuyển dầu này được tuyên bố lần đầu tiên vào năm 2004. Họ còn giận giữ hơn khi được biết vào giữa năm 2006, Trung Quốc đã tranh thủ tăng hạn ngạch dầu mà nước này hi vọng vận chuyển trên sông Mê Kông trong tương lai. Thoả thuận ban đầu cho phép lượng hạn ngạch là 1.200 tấn dầu lọc mỗi tháng. Thoả thuận này được bốn nước: Burma, Thái Lan, Trung Quốc và Lào kí tháng 3 năm ngoái.
Tuy nhiên, theo lời ông Giao Xinmin, giám đốc một chi cục hàng hải thì tính tới thời điểm hai tàu bắt đầu chuyến hành trình, Bắc Kinh đã vận chuyển được xấp xỉ “70.000 tấn dầu lọc mỗi năm từ Thái Lan chỉ riêng qua tuyến sông Mê Kông”.
Bà Premrudee Daoruong, đồng quản lý (Liên minh khu vực và hướng tới khôi phục sinh thái – có trụ sở tại thủ đô Thái Lan), cho biết: “Cuộc thoả thuận diễn ra bí mật, không thông tin nào được tiết lộ hay có sự tham gia đóng góp ý kiến của công chúng, đặc biệt là dân cư sống dọc sông Mê Kông. Điều này càng khẳng định ai đang là người kiểm soát sông Mê Kông”.
Điều tuơng tự có thể thấy khi Bắc Kinh đã chủ động cho nổ đá, làm sâu lòng sông Mê Kông vùng phía Nam Vân Nam để mở đường lưu thông cho các con tàu lớn. Trong cuộc phỏng vấn, bà còn cho biết: “Trung Quốc dẫn đầu trong kế hoạch này và cũng là quốc gia đầu tiên đầu tư cho dự án này bởi họ chính họ là những kẻ hưởng lợi nhiều hơn cả”.
Các nhà môi trường đã bày tỏ lo lắng về sự cố tràn dầu có thể xảy ra từ những điều họ đã thấy kể từ khi hai chiếc tàu chở hàng nông nghiệp như tỏi và táo đi qua lộ trình Chiang Rai – Vân Nam. Bà Pianporn Deetes, một nhà tổ chức chiến dịch của Mạng lưới sông ngòi Đông Nam Á tại thành phố Chiang Mai (Thái Lan) cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “những con tàu chở hàng này đã gây ô nhiễm dòng sông và làm dân cư sống nơi đây vô cùng bức xúc. Họ hoàn toàn bị đặt ngoài kế hoạch, đặc biệt là nỗi lo sợ về sự cố tràn dầu. Một vụ tràn dầu có thể phá vỡ hệ sinh thái của dòng sông”.
Sông Mê Kông dài 4.480 km khởi nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, chảy qua Vân Nam, chảy dọc biên giới Burma, Thái Lan, Lào trước khi chảy vào Cambuchia và Việt Nam và từ đây nó chảy vào Biển Đông. Ước tính, từ Burma xuống phía nam có tới 60 triệu người sống và dựa vào dòng sông như nguồn cung cấp thức ăn, nước uống và giao thông.
Hiệp hội sông Mê Kông, một tổ chức liên chính phủ gồm các quốc gia Thái Lan, Lào, Việt Nam và Campuchia đặt trụ sở tại thủ đô Viêng Chăn, Lào cho biết những cộng đồng sống dọc lưu vực hạ lưu phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp cá dồi dào của con sông này. Uỷ ban này còn nói thêm “số lượng cá đánh bắt hàng năm ở lưu vực sông chiếm tới 2% sản lượng cá của thế giới và 20% sản lượng cá nước ngọt ”.
Kế hoạch của Trung Quốc sử dụng sông Mê Kông như tuyến đường vận chuyển dầu nảy sinh khi nhu cầu năng lượng của nước này tăng cao với lượng nhập khẩu dầu hàng năm ước tính tới 140 triệu tấn và theo báo cáo hiện có thì con số này còn tăng lên. Khoảng 70% lượng dầu này được vận chuyển qua eo biển Mallaca (một kênh đào ở Đông Nam Á) đã đạt ngưỡng lưu thông cho phép.
Ngoài ra, đây cũng là một trong hai kế hoạch Trung Quốc triển khai trong khu vực để tránh phải vận chuyển qua eo biển Mallaca. Tháng 4/2006, Bắc Kinh đã kí hợp đồng với Rangoon để xây dựng một đường ống dẫn dầu nối cảng nước ngầm Sittwe của Mianma tới Côn Minh, thủ phủ Vân Nam.
Tuyến đường vận chuyển dầu này đã đe doạ tới nhân quyền và các nhóm hoạt động môi trường Mianma vì rất nhiều lí do: khoản lợi về tài chính sẽ rơi vào tay chế độ quân chủ hà khắc Rangoon, sự huỷ hoại môi trường và vi phạm nhân quyền mà nó tạo ra sau cuộc hành trình của mình.
Wong Aung, phát ngôn viên của Shwe Gas Movement, nhóm đấu tranh vì quyền của cộng đồng Araka ở Mianma nói: “Đường ống này sẽ cắt qua trung tâm Burma. Rất nhiều người sẽ buộc phải di cư và rất nhiều lao động bắt buộc bởi vì tuyến đường này đi qua nhiều khu vực đông dân cư. Hàng loạt cây trong rừng che phủ dãy núi Arakan Yoma cũng sẽ bị chặt phá”.