Người Nhật Bản nổi tiếng về nghệ thuật cắm hoa (Ikebana) trên thế giới. Đặc điểm của nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản là sự chú trọng vào đường nét. Một cành hoa tuy tầm thường nhưng phải được xếp đặt thế nào để tạo nên một đường chảy xuôi phối hợp với tính tự nhiên, như vậy đòi hỏi sự hiểu biết của người cắm hoa về cách mọc tự nhiên của vật liệu hoa lá, cũng như tấm lòng yêu thiên nhiên của người đó trong mọi giai đoạn tăng trưởng của hoa lá cành.
Ý nghĩa và nội dung của nghệ thuật Ikebana.
Ikebana ra đời vào 14 thế kỷ trước, được nghĩ ra để tượng trưng cho một số quan niệm triết học của Phật giáo tại Nhật Bản. Tuy nhiên, thời gian trôi dần qua, năng khiếu riêng của người Nhật đã làm cho nghệ thuật cắm hoa mất dần đi ý nghĩa tôn giáo ban đầu, và rồi đặc tính về thiên nhiên trong cách cắm hoa được nhấn mạnh.
Trong cách cắm hoa, cần tới sự hiểu biết về dòng thời gian và người nào có con mắt phân biệt có thể dễ nhận ra được điều này. Sự cắm hoa phải biểu hiện được thời gian, tháng, mùa, cũng như sự tăng trưởng liên tục của vật liệu sử dụng. Thí dụ:
Quá khứ: dùng hoa nở hết, trái cây khô hay lá cây khô.
Hiện tại: dùng hoa nở nửa chừng hay lá cây hoàn hảo.
Tương lai: dùng nụ hoa, nụ lá để hứa hẹn sự tăng trưởng sắp tới.
Sự cân nhắc về vật liệu sử dụng cũng cần phải đi đôi với cách xếp đặt, trình bày:
Mùa Xuân: cách xếp đặt đầy sức sống với các đường cong biểu hiện sinh lực.
Mùa Hạ: cách xếp đặt tỏa ra và tràn đầy.
Mùa Thu: cách xếp đặt mỏng và thưa thớt.
Mùa Đông: cách xếp đặt đượm buồn và lắng nghỉ.
Phương pháp cắm hoa phải mang tính cách tượng trưng, mô tả, nhưng một số hình thể của hoa lá lại phải được phối hợp với phong tục, tập quán và văn hóa. Vào các ngày quốc lễ, lại có một số cách cắm hoa được ấn định trước và vào các dịp lễ hội, các nghi lễ gia đình có thể bị coi là thiếu đầy đủ nếu không theo cách cắm hoa thích hợp và không trưng bày thứ hoa thích hợp. Hoa Cúc trắng là hoa của ngày tết đầu năm, trong khi vào ngày Tết búp bê (mồng 3 tháng 3), người Nhật thường dùng tới hoa Đào, và hoa Diên Vĩ (iris) là thứ hoa của ngày Tết con trai (mồng 5 tháng 5).
Ikebana với đời sống và thiên nhiên
Người ngoại quốc thường dùng các loại hoa với nhiều màu sắc, nhiều hình dạng vào việc trang trí, nhưng trong cách trang hoàng, người Nhật Bản còn dùng các lá cây, cành cây… Như vậy vật liệu dùng trong nghệ thuật cắm hoa không phải chỉ giới hạn vào màu sắc của bông hoa mà còn có vẻ đẹp nằm trong hình thể của lá và hoa, và trong sự tăng trưởng của hoa lá nơi thiên nhiên.
Hoa được ưa thích nhất là thứ đang mọc tự nhiên trong vườn hay nơi miền quê, vào lúc cắm hoa. Hoa lại được phối hợp với đám lá tự nhiên của thứ hoa đó, điểm thêm vào là một vài bụi cây con hay bụi hoa nhỏ mọc tự nhiên ở dưới nền.
Người Nhật Bản ít khi dùng loại lá hay loại hoa đã nở hết tầm cỡ, bởi vì các hoa lá được cắm vào lúc nở rộ nhất sẽ mau héo tàn, rủ xuống, diễn tả sự suy tàn hay chấm dứt. Các cành cây có lá lớn hay các bụi cây nhiều lá cũng không được dùng đến, mà nụ lá, nụ hoa được ưa thích hơn. Lý do của điều này là vì trong khi ở trạng thái nụ, vẻ đẹp của cành hoa không bị che khuất và trong khi dùng các nụ, người ngắm hoa có được niềm vui là ngắm nhìn chúng nở ra từ từ, chậm chạp… Như vậy nghệ thuật cắm hoa phải mang theo ý nghĩa phát triển liên tục trong đời sống và phải diễn tả sinh lực của cuộc sống.
Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản đặt căn bản trên màu sắc, đường nét, sự nhịp nhàng hài hòa để cố gắng diễn tả cách tăng trưởng của hoa. Trong khi người Tây phương luôn luôn nhấn mạnh vào các màu sắc và số lượng của vật liệu, hướng sự chú tâm vào vẻ đẹp của các bông hoa thì người Nhật Bản lại đặt nặng về các đường nét của cách xếp đặt, lối bố cục, và họ đã phát triển nghệ thuật cắm hoa bao gồm cả cành, cuống, lá cũng như hoa.
Triết lý tiềm ẩn trong nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản
Nói một cách tổng quát, cách cắm hoa Nhật Bản gồm ba nhóm hoa hay cành lá xếp đặt theo hình tam giác. Nhóm chính ở giữa, thẳng đứng, nhóm thứ hai nghiêng về một bên so với nhóm chính và nhóm thứ ba ngược lại, nghiêng về phía đối so với nhóm thứ hai. Thêm vào đó, ba đường nét chính trong bình hoa hay lẵng hoa là thứ tượng trưng cho Trời – Đất – Người (Thiên, Địa, Nhân). Chính trong cấu trúc này mà cách cắm hoa được tạo nên.
Đường nét quan trọng nhất là cành hoa tượng trưng cho “Trời” (shin). Đây là đường trung tâm của toàn thể bình hoa, lẵng hoa, vì thế người ta đã chọn cành hoa nào mạnh nhất làm công việc này. Tiếp theo cành chính là cành thứ (soe), đại diện cho con người (Nhân). Cành này phải được xếp đặt thế nào để diễn tả rõ đường hướng phát triển, bung ra từ đường trung tâm. Chiều cao của cành thứ bằng 2/3 chiều cao của cành chính, lại có phần hơi nghiêng về cành chính.
Cành thứ ba (hikae) tượng trưng cho “Đất” (Địa), là phần ngắn nhất, được đặt xoay về phía trước hay hơi đối nghịch với phía gốc của hai cành kia. Tất cả ba phần lại được cột chặt vào một bộ phận giữ và lại phải diễn tả cho thấy sự xuất phát từ một nguồn cội. Sau đó, các bông hoa khác được thêm vào mỗi phần nhưng cách bố cục khéo léo của ba phần chính kể trên được coi là quan trọng nhất.
Trong khi cắm hoa, người ta đặt chiếc khay đựng tất cả các hoa, lá, cành… về phía bên phải và bình hoa hay đĩa cắm hoa cách 60 phân trước mặt người cắm hoa. Nếu đặt đĩa cắm hoa gần hơn thì dễ cắm hơn, nhưng để có thể dễ nhận ra cách bố cục thì nên đặt bình hoa xa hơn một chút. Bình hoa cũng nên được đặt hơi cao hơn là hơi thấp, bởi vì nếu đặt thấp, người ta sẽ quen với cách nhìn xuống và ảnh hưởng mang lại sẽ khác khi bình hoa sau này lại được bày trên cao.
Nghệ thuật bảo dưỡng hoa khi trưng bày
Hình dạng và cỡ lớn của bình hoa hay đĩa cắm hoa rất quan trọng bởi vì cách bố cục cũng tùy thuộc vào cỡ lớn, chiều rộng và chiều sâu của dụng cụ cắm hoa.
Sau khi các vật liệu cắm hoa đã được chọn lựa, bước kế tới là tỉa bớt. Các cành hay các hoa, dù cho đã mọc gọn gàng và thứ tự tới đâu, cũng có các phần dư thừa, đặc biệt là khi được dùng vào công việc sắp xếp một cách nghệ thuật. Vì thế chúng cần được tỉa bớt trước khi và trong khi các cành được tập hợp lại với nhau.
Để giữ cho hoa tươi mát, người ta dùng tới các phương thức vật lý và hóa học. Cách dễ nhất và đơn giản nhất là cắt cuống hoa trong nước (mizukiri). Phương thức này tránh cho cành hoa không bị cắt ngoài không khí làm kém đi sự hút nước. Về phương thức hóa học, một dung dịch loãng hydrochloric acid hay sulphuric acid sẽ làm sống lại hay làm tươi mát các bông hoa. Việc chà xát một chút muối vào đầu cuống hay cành hoa cũng mang lại kết quả tốt.
Các bông hoa và cành lá cần được xếp đặt chắc chắn, vững vàng và thăng bằng, bằng cách uốn cành dựa chắc vào phần bên trong của bình hoa hay đĩa cắm hoa. Việc uốn cành cây này cần phải làm rất chậm chạp và cẩn thận, làm bằng hai tay, tránh sao cành hoa không bị bẻ gẫy.
Sự phát triển lịch sử của nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản đã đi qua các thể cơ bản là thể cổ điển Rikka, thể tự nhiên Nageire và thể cận kim Moribana.
Ngày nay tại Nhật Bản có nhiều trường phái cắm hoa. Các quy luật đặt ra bởi các trường phái này có thể khác nhau về quan niệm, về ý tưởng, về phương pháp… vì vậy mà có nhiều loại trường lớp dạy nghệ thuật cắm hoa.
*Ảnh: Vietsciences