Ngày nay, cứ mỗi độ xuân về Tết đến, thú vui vào những vườn quất, vườn mai, vườn đào nổi tiếng, những khu hội hoa xuân để ngắm hoa và tìm mua cho mình những cành, những cây vừa ý, bày chơi ngày xuân thật sự là một nét đẹp, một thú vui của người Việt Nam.
Chợ hoa ngày Tết thường họp từ tết ông Táo (23 tháng chạp) cho đến tận đêm giao thừa. Ngày nào chợ hoa cũng nhộn nhịp, tấp nập suốt từ sáng đến tối… Những người đi chợ hoa đều ăn mặc chỉnh tề. Họ đến chợ không chỉ để mua hoa mà còn để ngắm hoa và ngắm người. Xưa nay, hình ảnh cô bán hoa luôn gieo vào lòng tao nhân mặc khách những tình cảm đẹp đẽ, trong trẻo. Chợ hoa đủ mọi hương sắc, hình vẻ, đáp ứng thú chơi hoa ngày càng tinh tế của bao người.
Hoa đào tượng trưng cho sắc xuân của người xứ Bắc. Đào có nhiều loại: bạch đào, hồng đào, bích đào… Theo tích cũ lưu truyền, có cành đào trong nhà những ngày Tết còn trừ được ma quỷ quấy nhiễu. Vì vậy, hoa đào là loại hoa không thể thiếu trong Tết cổ truyền ở miền Bắc. Người sành chơi biết chọn cho mình những cành đào vừa có thế vừa nhiều nụ để có thể chơi đến giêng, nhưng đồng thời lại phải biết hãm cho hoa nở vào đúng ngày đầu xuân năm mới. Nghệ thuật trồng đào nổi tiếng nhất không đâu theo kịp là ở Nhật Tân, Nghi Tàm (Hà Nội). Những nghệ nhân ở đây biết ghép cành bích đào vào gốc cây đào quả để tạo ra cây đào lai gốc khoẻ khoắn, hoa lại đẹp. Nhưng khéo hơn cả vẫn là việc ép hoa sao cho nở đúng vào dịp Tết. Hàng năm, cứ vào khoảng 20 âm lịch, người làng Nhật Tân thường mang hoa ra chợ hoa Hàng Lược (Hà Nội) bán.
Nếu hoa đào là sắc xuân Hà Nội thì hoa mai lại tượng trưng cho mùa xuân phương Nam. Hoa mai cũng có rất nhiều loại: tứ quý màu đỏ, hồng mai, bạch mai, chi mai màu trắng pha hồng, hoàng mai màu vàng, mai chiếu thủy màu trắng phớt, song mai màu trắng muốt. . . nhưng phổ biến hơn cả là hoa mai vàng. Hoa mai cũng năm cánh nhưng không nhiều lớp như hoa đào, hoa cũng không dày và sát cành như hoa đào. Hoa nuột mịn màng như lụa. Cành mai nâu sẫm, ngắn, rất gân guốc nhưng cũng rất mềm mại. Hoa mai tượng trưng cho phẩm tiết cao quý, khí phách của người quân tử, là niềm cảm hứng rất kinh điển trong thơ ca.
Ngoài hai loại hoa đặc sắc nói trên, quất và cúc cũng là những loại hoa và cây phổ biến. Quất được trồng trong chậu cảnh, tỉa thành những tầng, những tán cầu kì. Quất Văn Giang, quất Nhật Tân là những loại quất đẹp nổi tiếng. Cây quất quý và hiếm là cây quất nhỏ nhưng nhiều quả, quả tròn, to vàng mọng và lúc lỉu khắp cành. Màu vàng của quất biểu tượng cho tài lộc nên cây quất được nhiều người ưa chuộng.
Cúc cũng là một loài hoa được ưa thích. Có rất nhiều loại cúc: cúc vàng, cúc đại đoá, cúc trắng, cúc mốc, cúc mắt trâu, cúc bách mi…Cúc có vẻ đẹp độc đáo cả về sắc lẫn hương. Nó có vẻ đẹp thanh bạch kín đáo mà bền lâu, vì vậy, cúc thường tượng trưng cho cuộc sống thanh bạch, khiêm nhường, được các bậc túc nho, quân tử rất ưa chuộng.
Thủy Tiên là một loài hoa bắt nguồn từ Trung Quốc, một loài hoa quý tộc. Chơi thủy tiên đòi hỏi phải cầu kì, tinh tế. Hoa thủy tiên phải trắng muốt, nở thành chùm có mùi hương êm dịu và nở đúng ngày theo ý muốn. Thân thủy tiên đúng kiểu phải là thân có năm giò (nhánh) cân xứng. Rễ phải là hùm mập và trắng muốt ngâm trong bình pha lê trong suốt.
Thế giới loài hoa dường như bừng tỉnh sau những ngày đông giá rét, còn phải kể đến hoa hồng sang trọng, ấm cúng; hoa lay ơn tinh khiết, hoa viôlet đầy sức sống, hoa mẫu đơn vương giả…
Các loài hoa khi bước sang xuân cứ đua nhau khoe sắc làm cho người chơi hoa, thưởng thức hoa phải nức lòng, bối rối. Hoa xuất hiện trong mùa xuân điểm tô cho đất trời, cho cuộc đời và nỗi hân hoan của lòng người. Nó là sứ giả của thời gian, của niềm tin, hi vọng và là cái hồn trong ngày Tết. Đi trong mưa bụi, trong cái lạnh nhè nhẹ của mùa xuân, người chơi hoa tha hồ mà thưởng thức những tinh tuý của đất trời. Mua hoa không thể dễ dàng như mua rau, mua thịt. Tao nhân có thể phải bỏ ra cả buổi để chọn hoa, nếu không ưng ngày mai lại đi tiếp. Và người ta lại không thấy phiền hà vì điều đó, ngược lại, đó là thú vui của người Việt Nam mỗi khi Tết đến xuân về. Và đó cũng là một nét đẹp trong văn hoá phương Đông.