Gần Tết Đinh Hợi, tôi trở lại vùng trồng cao su thuộc tỉnh Bình Phước thăm một anh bạn khá thân. Lần này gặp lại, trông anh như một nhà tu ẩn dật.Hỏi ra, mới biết lý do anh cạo đầu là để báo hiếu người cha mới mất. Ông Nguyễn Quang Ngọc, người cha Việt kiều yêu nước sống tại Thái Lan đã giáo dục anh từ thuở bé rằng, khi có điều kiện phải nhớ trở về quê hương góp phần xây dựng đất nước. Anh tên thật là Nguyễn Tiến Dũng, nhưng giới nghệ nhân nuôi trồng hoa lan, cây kiểng ở TP. HCM và các địa phương quen gọi anh với cái tên thân thuộc “Dũng Bát Tiên”.
Một thạc sĩ ngành khoa học xã hội
Anh sinh ra và lớn lên tại Thái Lan. Năm 1991, lần đầu tiên theo mẹ về thăm bà ngoại quê ở Bến Tre sau 30 năm xa cách. Tại quê hương Đồng Khởi, hình ảnh những rặng dừa xanh, những người nông dân chất phác từng xả thân cứu nước đã làm sống lại trong anh những bài học về lịch sử đấu tranh của cách mạng Việt Nam mà cha mẹ từng giáo dục anh từ thuở nhỏ.
“Khi đặt chân trên đất mẹ, tôi cảm thấy lòng nao nao khó tả, như một người đi xa mới trở về. Những gì cha mẹ nói về quê hương, giờ đây tôi thấy gần gũi, thân thương. Thế là tôi quyết định ở lại Việt Nam, đến nay đã hơn 10 năm” – anh Dũng tâm sự.
Có thể nói đây là một quyết định táo bạo, vì anh không thiếu thốn về vật chất hoặc không có việc làm ở bên xứ người mà phải về Việt Nam tìm kế sinh nhai. Cuộc sống của anh khá đầy đủ và có địa vị trong xã hội Thái Lan.
Đến nay, nhiều nghệ nhân ở Việt Nam quen biết Dũng Bát Tiên, nhưng hiếm có người biết anh từng là thạc sĩ ngành khoa học xã hội, giảng viên Trường Đại học Rangsit nổi tiếng tại thủ đô Bangkok, Thái Lan.
Theo anh, ngành nông nghiệp nước Thái rất mạnh về hoa kiểng và cây ăn trái. Trở về nước, anh mong muốn lấy được thế mạnh này của Thái, trước hết về hoa kiểng, để lấp vào khoảng trống còn yếu tại Việt Nam. Quyết định đó đã khiến anh rời bỏ vị trí giảng viên Trường Đại học Rangsit để trở thành một nghệ nhân chuyên đem giống hoa kiểng mới từ Thái Lan về nuôi dưỡng và nhân giống tại quê nhà.
Khởi nghiệp từ Bát Tiên
Bát Tiên là tên của một loài hoa quý và có tiếng ở Thái Lan. Cây cho hoa nở rộ thành từng chùm, mỗi chùm có 8 bông ví như 8 vị tiên, do vậy mà có tên gọi là Bát Tiên. Có thể nói, Thạc sĩ Nguyễn Tiến Dũng là người đầu tiên đem giống hoa mới này về Việt Nam trồng và nhân giống từ năm 1994 và cũng “khởi nghiệp” từ đây. Do vậy, tên tuổi anh gắn chặt với Bát Tiên trong sự hâm mộ của giới nghệ nhân.
Với số vốn không nhiều, anh bắt đầu gầy dựng sự nghiệp nuôi trồng các giống hoa kiểng Thái Lan trên diện tích khoảng 160m2 tại quận 7 TPHCM. Sau Bát Tiên, anh tiếp tục đưa về nước trồng thử nghiệm nhiều giống hoa khác như sứ Thái nhiều màu sắc, cây Súng trồng dưới nước cho hoa đẹp, các cây nội thất như Tỷ phú, Đại phú, những bông kiểng gồm Hoàng đệ, Mai chỉ thiên…
Việc làm có tính nhân văn của anh đã khiến anh Nguyễn Thiện Tịch, giảng viên chính Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Phó Chủ tịch Hội Hoa lan cây cảnh TPHCM – quan tâm và giúp anh có mảnh đất rộng hơn tại An Phú Đông, quận 12 – để phát triển và dưỡng các giống mới.
Nhập giống mới và nuôi dưỡng giống cho phù hợp với từng vùng đất trong nước đòi hỏi một quá trình cần cù lao động sáng tạo của nghệ nhân, cùng với lòng yêu thích tạo dựng những tác phẩm thiên nhiên.
Dũng Bát Tiên đã thực hiện thành công điều đó khi anh tạo được bước đột phá, phát triển các giống hoa kiểng mới lạ trên 3,5 ha đất tại xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.
Đến tận nơi đây mới thấy điều lạ lẫm là giữa vùng rừng cao su cằn cỗi, bạc màu, lọt thõm trong đó một vườn giống trông đơn độc nhưng lại rộ lên hàng ngàn sắc hoa kiểng tươi thắm của một thạc sĩ người Thái gốc Việt. Bát Tiên và sứ Thái có đến cả trăm loại khác nhau. Những cây thủy sinh trang trí sân vườn có Súng Amazon, Bạch cúc nhiều màu thắm đẹp.
Bổ sung cho giống cây nội thất ở Việt Nam thêm phong phú, có các giống mới như Trầu Bà, Hạnh phúc rồi đến các loài hoa kiểng mới như Huỳnh Anh, Hoàng Đệ, Mai chỉ thiên, Mai Thái, Diễm Châu.
Có thể nói từ ngày “khởi nghiệp” đến nay hơn 10 năm, Dũng Bát Tiên đã đưa từ Thái Lan về Việt Nam trên 100 giống hoa kiểng mới, tạo điều kiện cho giới nghệ nhân và nhà vườn trong nước nuôi trồng và nhân rộng các giống này để đáp ứng nhu cầu thưởng lãm vẻ đẹp đậm đà hương sắc và thanh thoát của hoa kiểng.
Nguyện góp phần nhỏ của mình…
Kỹ sư Võ Văn Êm, Phó Giám đốc Công ty Công viên cây xanh TPHCM, người từng gắn bó với giới nghệ nhân cả nước cho biết: “Dũng Bát Tiên đã góp nhiều công sức làm phong phú thêm các loài hoa kiểng mới lạ, cho hoa nhiều màu sắc đẹp tại nước nhà và là một trong những nghệ nhân tiêu biểu góp phần tích cực cho sự thành công của Hội Hoa Xuân TPHCM tại Công viên Văn hóa Tao Đàn trong nhiều năm qua. Tết Đinh Hợi này, anh cũng tham gia triển lãm nhiều giống mới đặc sắc”.
Thăm trại giống 3,5 ha tại Bình Phước, Kỹ sư Nguyễn Công Nghiệp, từng viết sách về nuôi trồng hoa phong lan đầu tiên từ sau ngày miền Nam giải phóng, nhận xét: “Tôi đã đến thăm nhiều vườn, nhiều trại nuôi trồng hoa kiểng trong nước, thậm chí của các đại gia yêu thích tạo dựng cho mình một sân vườn cực kỳ… bắt mắt, nhưng chưa thấy nơi đâu phong phú về chủng loại giống mới và chất lượng hoa kiểng hấp dẫn như tại vườn giống của Dũng Bát Tiên”.
Chuyện trò với tôi, anh Nguyễn Thiện Tịch cho rằng: “Thường thì những người chuyên về làm giống sớm trở nên khấm khá, giàu có. Nhưng với Dũng Bát Tiên thì không, bởi anh vẫn giữ phong cách của một nhà giáo say mê tìm tòi, nghiên cứu, chứ không phải để kinh doanh”.
Ở quê nhà, Dũng Bát Tiên đã tìm được mái ấm gia đình cho mình. Anh có vợ là cô giáo Nguyễn Thị Hồng Gấm, quê Hà Tĩnh, dạy học tại một trường cấp 2 thuộc tỉnh Đồng Nai.
Hướng dẫn tôi xem những hoa kiểng mới nhất sắp được đem ra trưng bày tại Hội Hoa Xuân Tao Đàn, anh Dũng tâm sự: “Điều mừng nhất đối với tôi là những giống mới nhập về đã được các nhà vườn trong nước nhân rộng khắp nơi. Trong đó có giống được lai tạo để trở thành giống “made in Viet Nam”, như cây sứ Ngọc tú cầu cho hoa kép rất đẹp và mới lạ.
Chính người Thái vì ưa chuộng giống này, nhập về và đặt tên khác là “Dancing lady” do bông của nó trông như vũ nữ. Nhờ công ơn dạy dỗ của bậc sinh thành mà tôi trở về Việt Nam để mong được làm điều gì đó có ích cho mảnh đất quê hương!”.