Cái tin “hai người con trai ông Nguyễn Thối ở Hà Công (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế) phải nhập viện cấp cứu vì dạ dày chứa quá nhiều chì” không làm hàng ngàn người làm nghề cắn chì từ phá Tam Giang – Cầu Hai phải ngạc nhiên. Họ đã quá quen với việc này. Hay họ không muốn nhắc đến bởi bản thân mình rồi… cũng có lúc như vậy thôi!
“Ăn” chì ra… cơm
Căn nhà chắp vá bằng đủ thứ phế liệu phên nứa, bìa cát-tông và mấy miếng tôn gỉ đỏ lòm cứ rung lên bần bật trước những cơn gió lùa từ phá Tam Giang vô. Trên chiếc giường chỉ có mấy thanh gỗ, không chiếu chăn, bốn cha con ông Nguyễn Đề, 57 tuổi, ở làng ngư Mỹ Thạnh đang hì hục cắn chì cho chiếc lưới bén mà ông mới nhận được. “Gia tài của cả đời cắn chì của tui chỉ có vậy thôi đó, chú à!” – ông nói.
Bốn cha con ông Đề siêng năng là vậy, mà cũng phải chạy ăn từng bữa.Biết cắn chì từ lúc 13, 14 tuổi, nay đã quá nửa đời người nhưng ông vẫn phải lo chạy ăn từng bữa.Ngày trước còn khỏe, ông còn làm thêm như đi thuyền, cầm lái, giờ cả 6 người trong gia đình chỉ còn biết trông vào mấy miếng chì. Ông nói: “Người nào cắn chì giỏi lắm cũng chỉ được hai ngày là răng đã mềm nhũn và đau ê ẩm. Đến ngày thứ ba thì cơm cũng không muốn ăn mô. Ngay hàm răng tui hồi trẻ cũng thẳng lắm mà chừ thì xiêu vẹo cả hàm rồi”. Nói đoạn, ông lại vốc từng vốc chì tỏng vào mồm khéo léo kết nó vào lưới… Thoáng chốc một tô chì đầy hơn 1kg đã được bốn cha con ông Đề “làm” sạch. Vợ ông mãi thổi bếp lửa cũng quẹt mồ hôi, nói thêm vào: “Có ba đứa con trai mà đứa nào cũng bị thần kinh. Tui phải tập mãi mới có hai đứa biết cắn chì phụ thêm cho nhà”. Ở làng ngư Hà Chung, ông Trần Cuộc, 57 tuổi, nổi tiếng khắp các vùng dọc phá Tam Giang về thành tích cắn chì. Mỗi ngày ông có thể kẹp chì cho 4 tay lưới. Ông nhẩm tính phải đến mấy tạ chì đã qua hai hàm răng của ông rồi. “Chuyện chì lọt xuống bụng cũng phải 3-4 lần một ngày. Đi khám bệnh bác sĩ bảo phải kiêng kỵ, nhưng không làm thì lấy chi mà ăn”. Hai hàm răng của ông đã từng nuôi sống cả gia đình. Bây giờ, mấy đứa con cũng tập vào nghề… Thế mà cách đây mấy hôm, Trần Vũ Meo – con trai lớn của ông phải nhập viện vì chì làm rách dạ dày thì ông cho cả mấy đứa con nghỉ nghề luôn. “Mình già rồi, sống chết có chi mà lo. Mấy đứa nhỏ còn phải nghĩ đến tương lai nữa” – ông tự nói với lòng mình như vậy.
Hơn 40 năm trong nghề cắn chì, hai hàm răng của ông Cuộc cũng như mọi người hành nghề này ở đây, đều có chung tình trạng là bị chì bào mòn, ngắn cụt ngủn, đen sì… Có người còn nói: “Bọn tui mà cười là họ biết dân ở mô liền”. Dù biết cắn chì là nguy hiểm và cả đau đớn, nhưng những người đang hành nghề này cũng đành chấp nhận. Với họ, bệnh tật nào quan trọng bằng việc làm cho cái dạ dày no trước đã.Không chỉ đàn ông mới dám bước vô cái nghề đầy độc hại này. Bà Tư mới vào nghề lúc ngoài 30, nay đã có hơn 10 năm kinh nghiệm với nghề.Bà nói một cách chua chát: “Lúc còn con gái, dù nhà nghèo nhưng ai dám cho con gái mình cắn chì chứ. Răng mà bị mòn thì chỉ có nước ế thôi”. Vì lẽ đó mà mãi khi lập gia đình rồi, bà mới vô nghề.
Thật hiếm thấy một người con gái nào ngồi cắn chì, nhưng không khó để tìm những người phụ nữ vừa cắn chì vừa cho con bú ở dọc các làng ngư ở ven phá Tam Giang này. “Hai vợ chồng tui làm chăm chỉ thì mỗi ngày cũng được 30.000 – 40.000 đồng. Đủ mua gạo, với lo cho mấy đứa ăn học” – bà Tư tâm sự.
Vô phương cứu chữa?
Nghề cắn chì ở các làng ngư ven Tam Giang có tự khi nào thì không ai biết cả. Chỉ biết rằng người sau học từ người trước, trẻ học của già, con cháu học từ ông bà và cha mẹ… Cứ như vậy, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác. Những người hành nghề cũng chẳng biết là chì có độc hại hay không, mãi khi có người nào đó ở Phú Lộc xuýt tử vong vì chì thì họ mới té ngữa ra, biết là mình đang làm nghề độc hại. Nhưng biết rồi cũng để đó thôi!
Chì được người dân sử dụng thường là loại chì lá mỏng hoặc chì cứng được cắt ra thành miếng. Nhưng như những người trong nghề thường nói: Kiểu chi cũng chết cả. “Chì mỏng cắn mềm nhưng lại dễ lọt xuống bụng hơn, còn chì dày thì cứng như đá mà đắt như vàng” – đó là kinh nghiệm gần 50 năm trong nghề của ông Trần Lành.
Dù giá cả của chì tăng nhanh từ 15.000 đồng/kg lên đến 30.000 đồng/kg, nhưng nhiều người vẫn không dám bỏ nghề mà chỉ tìm phương án khắc phục bằng cách tăng năng suất… cắn chì của mình lên để bù lại. Muốn đi bủa lưới trên phá cũng cần phải có 500.000 – 700.000 đồng tiền lưới cho một “cú” xa khơi. Nhưng nếu đánh bắt không gặp “luồng” thì cả năm cũng trả chưa hết nợ. Đã có những người mạnh dạn làm đầu mối mua lưới đã có máy kẹp chì rồi đem về bán lại. Nhưng chi phí vận chuyện hơn 30 km từ TP Huế về kham không nỗi nên đành bất lực, tiến thoái lưỡng nan.
Xã Quảng Lợi của huyện Quảng Điền là địa phương dẫn đầu về số lượng người hành nghề có các bệnh liên quan đến chì. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tường cho biết: “Mới gần đây, người dân mới phát hiện những tác dụng độc hại của chì. Do diện tích đất nông nghiệp rất ít nên người dân phải bám trụ với nghề. Vì thế việc hạn chế tác hại của nghề rất khó.
Năm 2004, chúng tôi đã xin kinh phí để mua máy móc mở tổ hợp cho người dân. Tuy nhiên, trình độ dân trí ở khu vực này rất thấp nên không thể thực hiện được”. Vậy là cái vòng lẩn quẩn của những người hành nghề cắn chì vẫn còn đó.
Khoa nội – tiêu hóa của Bệnh viện Trung ương Huế là nơi thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân mang các bệnh liên quan đến nghề cắn chì. BS Trần Phạm Chí – Trưởng khoa, cho biết: “Năm qua, bệnh viện đã tiếp nhận từ 25 đến 30 trường hợp bệnh nhân từ các khu dân cư dọc phá Tam Giang đến vì chì. Các bệnh nhân đều có chung các triệu chứng như: đau bụng, nôn mửa hoặc giảm trí nhớ, thiếu máu hay tổn thương dạ dày…”. Ông cũng khuyến cáo những người đang hành nghề cắn chì nên đến các cơ sở y tế để khám chữa kịp thời, nếu để bệnh nặng mới chữa có thể gây tử vong.