Cách thị xã Vĩnh Long khoảng 20km, có một vườn lan mới lạ vì một mặt vườn lan giáp với quốc lộ 54, ba mặt còn lại đều tiếp giáp với ruộng lúa. Có thể nói, đây là mô hình “xưa nay hiếm” không chỉ ở tỉnh Vĩnh Long mà còn ở nhiều nơi khác. Chủ nhân của vườn lan này là anh Võ Mạnh Hùng, 46 tuổi, ở xã Hiếu Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Khởi đầu từ niềm đam mê
Một mối tình như trong chuyện cổ tích, bởi ngày xưa anh Võ Mạnh Hùng (tên thường gọi là anh Dũng) làm quen với chị Trần Thị Ngọc Lý, người cùng xã, bằng những giò lan thật đẹp. Tình yêu của họ càng thắm thiết hơn khi anh thường chở chị đi xem những hội thi hoa lan ở Vĩnh Long hay tận tỉnh Trà Vinh, Cần Thơ… Thế là nhờ “loài lan làm chứng”, họ đã nên vợ chồng.
Chị Ngọc Lý cho biết: “Ông nhà tôi bắt đầu chơi lan từ năm 20 tuổi. Ba năm sau ngày quen nhau, chúng tôi thành vợ chồng. Mê lan là điểm chung của chúng tôi. Thời gian đầu, anh Dũng chơi lan chủ yếu phục vụ niềm vui của hai vợ chồng. Chị Lý cho biết thêm, mỗi lần được một giống lan mới nở hoa, anh Dũng đều mắc đèn ra vườn lan, hai người gần như thức suốt đêm ngồi xem hoa lan nở và bàn về chuyện các loại hoa lan…”.
Từ niềm đam mê, anh Dũng đi sâu tìm hiểu và gắn bó với cây lan. Lúc đầu, anh chỉ làm nghề mua bán, trao đổi lan để vừa có thu nhập vừa theo đuổi niềm đam mê. Học được phương pháp “nhân giống cũ, đổi giống mới”, anh Dũng đã mạnh dạn xây dựng vườn lan giữa ruộng, nhờ đó vườn lan của anh ngày càng tăng nhanh về số lượng.
Khoảng bảy năm trước, anh Dũng quyết định theo nghề trồng lan để tìm kế sinh nhai. Dần dần nhờ cây lan cho hoa tốt và đều đặn, anh nghĩ tới chuyện đầu tư làm giàu. Hàng tuần, hai ngày anh đi bán lan ở thị xã Vĩnh Long, hai ngày đi ra Trà Vinh để vừa bán lẻ vừa tìm kiếm bạn hàng lâu dài. Anh Dũng cho biết, người mua lan thường khó tính nên lúc đầu nhìn khuôn mặt “non choẹt” của vợ chồng anh, nhiều người “bán tín bán nghi”. Việc buôn bán gặp nhiều khó khăn, có tháng phải bù lỗ vài triệu, nhiều lúc chán nản anh định buông xuôi. Nhưng vì đam mê nên dù mỗi ngày tiền bán lan chỉ 30.000-40.000 đồng cũng là niềm động viên cho vợ chồng anh. Để nâng cao uy tín với khách hàng, ngoài việc bán giá phải chăng, tư vấn và cung cấp đúng loại hoa theo yêu cầu của khách, anh luôn tìm tòi, cập nhật kiến thức về các loài lan. Vì thế, đến nay anh có thể đáp ứng nhiều câu hỏi về nghề trồng lan cho khách hàng, điều này giúp anh “mở rộng” được khâu phân phối, chuyện bán lan của anh ngày càng khởi sắc. Những nghệ nhân trồng lan trước đây tìm cách “thử tài” anh, nay trở thành là những người bạn thân tín và giúp đỡ anh một cách chân tình. Những tính toán mở rộng vườn lan từng bước được thực hiện.
Vườn lan giữa đồng
Nhiều người tò mò hỏi lý do việc trồng lan giữa ruộng, anh Dũng giải thích: “Chủ yếu để mở rộng sản xuất phù hợp với khả năng hiện có, tuy nhiên làm thế nào để nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, cách bài trí… sao cho phù hợp và có hiệu quả kinh tế mới là chuyện khó”. Có được như hôm nay, đầu tiên vợ chồng anh bỏ hẳn điểm bán lan ở thị xã Vĩnh Long để tập trung xây dựng vườn lan ở ấp Nhơn Ngãi, xã Hiếu Phụng, huyện Vũng Liêm. Trước vườn lan được khoảng 400m2, nhưng hoạt động chưa bao lâu thì đã quá chật chội, không còn đáp ứng được nhu cầu buôn bán và việc phát triển về sau. Cho nên anh quyết định mua thêm miếng đất 1.200m2 ở ấp Hiếu Hiệp, xã Hiếu Phụng để xây dựng vườn lan mới. Anh Dũng đã táo bạo khai thác thị trường nông thôn, nơi chưa có nhiều đối tượng “nhảy vào” đầu tư. Anh đã chứng minh việc đưa cây lan ngoại, giống công nghiệp vẫn thích nghi và vẫn cho hoa sặc sỡ ở nơi ruộng đồng không kém gì ở các trại trồng lan ở trong thị xã mà trước đây mọi người thường làm.
Đầu năm 2000, vườn lan của gia đình anh đã là một trong những địa chỉ tin cậy của người chơi lan. Đến nay, vườn lan của anh Dũng có trên dưới 6.500 giò lan và cây lan, phần lớn là các giống nước ngoài với nhiều chủng loại từ bình dân đến vương giả. Hàng ngày người xem, người mua khá đông, doanh thu từ 300.000 – 500.000 đồng/ngày. Thế nhưng khi có khách hàng ở Trà Vinh, Cần Thơ, An Giang đặt hàng, “ông chủ” vẫn quảy đôi ba giò lan kèm theo phân bón đi giao hàng như thuở ban đầu. “Đi không phải để bán buôn mà cung cấp cho mối quen khi có yêu cầu, chủ yếu là gặp bạn bè, thường là các nghệ nhân để cùng trao đổi, cùng chiêm ngưỡng vẻ dẹp của hoa lan. Những lúc “chén chú chén anh” xong, tôi lại học thêm được rất nhiều điều, có khi tìm thêm được đối tác mới để có thể hợp tác phát triển nghề trồng lan sau này” – anh Dũng kể.
Suốt 26 năm đam mê, tìm hiểu rồi gắn bó luôn với cây lan, nhưng anh một mực từ chối nhận mình là nghệ nhân. Đến nay, những kiến thức về nghề trồng lan của anh làm cho nhiều nghệ nhân trong và ngoài tỉnh nể phục. Anh được những nghệ nhân trồng lan đánh giá là có uy tín, với tinh thần chịu khó học hỏi, đặc biệt là không giấu nghề, sẵn sàng chia sẻ những thông tin mới nhất về các giống lan trong và ngoài nước. Anh còn muốn chia sẻ những kinh nghiệm “táo bạo” để bà con nông dân vượt qua khó khăn, cùng tham gia làm giàu như gia đình anh.