ThienNhien.Net – Theo cảnh báo của các nhà khoa học, khí hậu toàn cầu ấm lên có thể báo hiệu cho sự cáo chung của một trong những khu rừng nhiệt đới lớn nhất trên thế giới còn sót lại, biến Amazon thành một sa van hoang vu đầy cỏ mọc trước khi thế kỷ này kết thúc.
Jose Antonio Marengo, nhà khí tượng học tại Trung tâm Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil cho rằng, nếu không kiểm soát chặt chẽ sự ấm lên của toàn cầu, sẽ gây ra sự sụt giảm lượng mưa, về cơ bản sẽ làm nhiệt độ tăng tại khu vực sinh thái đa dạng này. Trả lời phỏng vấn qua điện thoại của hãng thông tấn Associated Press, ông nói: “Chúng tôi đang hình dung ra hai viễn cảnh: Hoặc điều tồi tệ nhất xảy ra hoặc một viễn cảnh có chút lạc quan hơn”.
“Trường hợp tồi tệ nhất đó là khi nhiệt độ tăng từ 5 – 80C cho đến năm 2100. Trong khi lượng mưa giảm xuống từ 15 – 20%. Nguy cơ này sẽ làm biến đổi rừng sinh thái Amazon thành một vùng đất tựa như một sa van hoang vu”, Marengo cho biết.
Điều đó có thể xảy ra nếu không có những chương trình hữu hiệu can thiệp vấn đề khí hậu toàn cầu và nạn phá rừng vẫn tiếp diễn với mức độ như hiện nay.
Một viễn cảnh lạc quan hơn đó là khi các chính phủ tại nhiều quốc gia thực hiện những biện pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn tình trạng Trái đất nóng lên. Tại Amazon, nhiệt độ vẫn đang tăng lên từ 3 – 50C và lượng mưa vẫn giảm từ 5 – 15%.
Các nhà khoa học cảnh báo, nạn đốt rừng cũng làm cho khí hậu Trái đất nóng lên, giải phóng ra khoảng 370 triệu tấn khí nhà kính vào bầu khí quyển mỗi năm – và khoảng 5% tổng lượng khí nhà kính trên toàn thế giới. Khoảng 20% rừng nhiệt đới đã bị đốn hạ, và cho dù tỷ lệ phá rừng đã giảm trong những năm gần đây, những nhà môi trường cho rằng nó vẫn ở mức rất cao. |
Phát hiện của Marengo là một phần trong cuộc nghiên cứu trị giá 373.000 USD được bắt đầu từ hai năm trước và sẽ tiếp tục đến năm 2010. Chương trình được World Bank và chính phủ Anh tài trợ, tiến hành nghiên cứu những thay đổi về khí hậu ảnh hưởng đến Brazil trong vòng 100 năm tới. Chính phủ các nước châu Âu cũng thường xuyên tài trợ những nghiên cứu về môi trường và bảo tồn môi trường thiên nhiên tại khu rừng nhiệt đới Amazon của Brazil. Trải dài 1,6 triệu dặm vuông, rừng Amazon che phủ gần 60% diện tích Brazil. Gần như nguyên sơ, Amazon chứa đến 1/5 lượng nước ngọt của thế giới, khoảng 30% số loài thực vật và động vật của thế giới – trong đó, nhiều loài còn chưa được khám phá.
Marengo rất lạc quan khi cho rằng viễn cảnh tồi tệ nhất có thể sẽ không xảy ra. Nhưng để làm được điều này, cần có một nỗ lực rất lớn của những nước công nghiệp để giảm khí nhà kính, một tác nhân rất lớn gây ra sự nóng lên của khí hậu toàn cầu. Ông cho rằng Brazil phải đóng góp sức mình bằng cách xoá bỏ nạn phá rừng và đốt rừng Amazon.