Nam dược – tiềm năng còn bỏ ngỏ.

Là một tỉnh miền núi, Hà Giang có hàng chục nghìn loại cây cỏ hoang dại sinh sống, trong đó có nhiều loại là dược liệu quý hiếm mà các vùng khí hậu khác không thể có được. Hơn nữa, nhiều vùng đất đai có thể trở thành những vùng trồng cây dược liệu, nhân giống và hình thành một ngành sản xuất có giá trị hàng hóa cao. Nếu như được khai thác tốt, tiềm năng nói trên sẽ trở thành thế mạnh kinh tế của tỉnh.

Nam dược thô

Tôi vào một quán thuốc nam ở chợ trung tâm thị xã Hà Giang mua một ít thảo quyết minh, tức là hạt muồng trâu về để pha nước uống cho khỏi mất ngủ. Ông chủ quán cân cho tôi bằng cái cân thuốc, chẳng biết là bao nhiêu, mà ông tính thành tiền  16.500 đồng, cầm trên tay tôi ước chừng chỉ khoảng hơn hai lạng, như vậy sẽ có hơn 80.000 đồng/kg, biết rằng, có nhiều cơ sở thu gom dược liệu ở thị xã Hà Giang chỉ mua có 2.000 – 3.000 đồng/kg hạt đã phơi khô.

Mang về nhà, khi bỏ ra pha nước uống, vợ tôi nhìn thấy, chép miệng: “Tưởng thảo quyết minh của anh thế nào, chứ hạt muồng trâu này thì đầy, lấy đâu mà chẳng có, rơi đâu mà chẳng mọc như mạ”.

Ðể chứng minh cho những điều đã nói của mình, sáng hôm sau vợ tôi lấy cho tôi cả “ôm” thảo quyết minh, bóc lấy hạt, phơi khô, rồi bỏ vào rang, pha nước uống còn thơm và ngon hơn thảo quyết minh tôi mua vì vừa mới lấy, lại phơi được nắng và xao ngay. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có hàng trăm cơ sở điều trị bệnh bằng thuốc nam, trong đó có 28 cơ sở y học cổ truyền nằm trong các tuyến điều trị của ngành y tế, còn lại là của Hội Ðông y tỉnh quản lý.

Và chỉ cần một con tính bình quân thôi, mỗi ngày các cơ sở khám, chữa bệnh này có thể tiêu thụ tới hàng vài trăm kg dược liệu, trong đó có nhiều loại dược liệu mà rừng Hà Giang sẵn có.

Hằng ngày, khi đi làm hay lúc về nhà buổi trưa, buổi chiều, tôi gặp hàng chục xe máy, xe đạp chở những dược liệu đi bán cho những nơi thu gom ở thị xã Hà Giang, như hoàng đằng, quả xẹ, huyết đằng, hà thủ ô, thổ phục linh, hoài sơn…

Tôi hỏi một chị người dân tộc Dao, lai đằng sau xe đạp khoảng vài ba chục kg củ hà thủ ô và thổ phục linh, chị cho biết: Nếu gặp may một ngày có thể đào được hơn chục kg, còn cũng có ngày chỉ được từ một đến hai củ và với giá bán từ 2.500 – 3.500 đồng/kg, thì cũng chỉ được vài chục nghìn đồng một ngày.

Ðiều đáng nói là hay bị tư thương ép giá, họ chê đủ thứ, nào là củ non, nào là bị sứt sát nhiều, chảy hết nhựa, đã mang ra thì gặp giá nào cũng bán, mang về biết bán cho ai. Một anh đi cùng cho biết, cứ khoảng nửa tháng, những gia đình thu gom lại chở cả một chuyến xe tải xe dược liệu về xuôi, chắc là họ lãi nhiều lắm. Trên thực tế, các cơ sở thu gom dược liệu này hoàn toàn không bào chế, mà chỉ bán dược liệu thô, hay phơi nắng cho khô.

Ðến với cơ sở dùng nam dược

Trong buổi làm việc với Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hà Giang, khi được hỏi về nguồn thuốc mà bệnh viện đang sử dụng và những đánh giá về nguồn dược liệu trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Giám đốc Bệnh viện Trần Thị Bích Hằng cho biết: Chúng tôi không biết nói thế nào cho đúng, nhìn dược liệu trong tỉnh đang bị “chảy máu” mà không làm gì được. Chỉ đơn giản như vị thảo quyết minh, chè dây, chè đắng… để bào chế thành thuốc an thần thôi mà cũng thật khó khăn, chứ chưa nói gì đến nhiều loại thảo dược khác, bởi khi thanh quyết toán với bảo hiểm, bệnh viện không có “hóa đơn đỏ”, mà không có “hóa đơn đỏ” là bị xuất toán.

Rồi Ðề tài thuốc bột chữa bệnh dạ dày H.H.G, do chính chị Trần Thị Bích Hằng làm chủ đề tài cũng vậy, được bệnh viện đưa vào ứng dụng, đã có hàng chục người khỏi bệnh. Nhưng đến nay, đề tài vẫn không nhận được sự hỗ trợ của Hội đồng khoa học và khi đưa thuốc vào chữa bệnh vẫn không được quyết toán, cùng một lý do như đã nêu trên.

Không phải những thầy thuốc, những dược sĩ, dược tá đông y ở đây không “yêu nghề”, không có đủ kiến thức bào chế thuốc nam ngay tại cơ sở. Mà khi thu mua dược liệu, sản xuất tại chỗ chắc chắn giá cả sẽ rẻ hơn, chất lượng sẽ cao hơn và bệnh viện sẽ chủ động được nguồn thuốc để điều trị bệnh nhân. Nhưng một thực tế đang làm “nhụt lòng” những người thầy thuốc ở đây, đó là khi bệnh viện điều trị bằng thuốc tự mua dược liệu, tự bào chế thì Sở Tài chính không cho thanh toán, nhất là đối với các người bệnh có bảo hiểm y tế.

Biết rằng, mỗi tháng, bình quân bệnh viện tiêu thụ gần 200 kg thảo dược, trong đó có đến hai phần ba là những vị nam dược, trong chín bộ, hơn 70 vị, do Bộ Y tế quy định trong danh mục mà tỉnh Hà Giang có sẵn, như đỗ trọng, đương quy, huyết đằng, thổ phục linh, dây đau xương, hà thủ ô, thiên niên kiện, quả xẹ, trần bì, rễ cỏ tranh, mã đề…

Nhưng để có “hóa đơn đỏ” như quy định thì bệnh viện vẫn phải nhập nam dược từ Công ty dược liệu T.Ư I (Công ty cổ phần Dimeporattech), đúng là thuốc nhập luôn bảo đảm chất lượng, có kiểm nghiệm chặt chẽ. Nhưng nếu được thu mua dược liệu tại chỗ thì khi bào chế vẫn được kiểm nghiệm và giá cả chắc sẽ hạ hơn nhiều, người dân vùng nghèo bớt đi một gánh nặng và biết đâu đấy, trong số dược liệu mua ở nơi khác lại có nhiều cây cỏ “quay về điểm xuất phát”.

Cũng cần nói thêm, Bệnh viện Y học cổ truyền đã thành lập được hơn ba năm, đã có hai năm tiếp nhận và hoạt động tại ngôi nhà trong khu chung cư Hà Trung, phường Quang Trung, thị xã Hà Giang, vậy mà mặt bằng sân hai bên bệnh viện vẫn chưa được bàn giao. Do đó khi mới nhìn vào, nếu không có tấm biển trên đầu nhà và tường quét vôi mới, ta tưởng là “khu nhà bị bỏ hoang”, mặt bằng sân bị đọng nước, phế liệu, vật liệu xây dựng bỏ dở từng đống, cỏ dại mọc um tùm.

Biết rằng, bình quân mỗi ngày Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Giang đã đón và điều trị từ 80 đến 100 lượt người bệnh. Chị Hằng chỉ cho tôi xem toàn bộ hai khu sân, chị bảo cán bộ, y, bác sĩ bệnh viện đã cố gắng hết mình để làm vệ sinh khu khám và điều trị, phát cỏ sân, đắp tạm một lối đi cho người bệnh ra vào, nhưng vẫn không có sân, có vườn thuốc nam để phục vụ cho hoạt động của bệnh viện.

Cần có giải pháp cho nam dược phát triển

BS Trần Thị Bích Hằng cũng khẳng định, nếu thu mua dược liệu tại địa phương, qua khảo sát thì hiện nay trên địa bàn Hà Giang có khoảng hơn hai phần ba vị thuốc cần dùng hằng ngày cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh đông y cổ truyền. Nhưng nếu là cây mẫu, thì trên địa bàn tỉnh Hà Giang có đủ chín bộ và hơn 70 vị thuốc cần dùng, chưa kể một số cây thuốc nam được đồng bào dùng trong chữa bệnh, tuy chưa có trong danh mục mà Bộ Y tế quy định, nhưng cũng cần phải bảo tồn và phát triển.

Như vậy, nếu Hà Giang có giải pháp để phát triển lĩnh vực bào chế dược liệu, có những cơ sở thu mua, sơ chế ở tất cả các huyện, thị xã thì nghiễm nhiên đã hình thành được một ngành sản xuất mới. Ngành sản xuất này vừa thiết thực cung cấp dược liệu cho các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh và còn có thể cung cấp dược liệu đã bào chế cho thị trường trong cả nước.

Không những thế sẽ thu hút hàng nghìn lao động ở mọi vùng, miền, tiêu thụ được sản phẩm phụ của rừng với giá trị hàng hóa cao. Cũng cần nghiên cứu việc thanh, quyết toán bằng “hóa đơn đỏ”, mà nên có một biện pháp quản lý tài chính phù hợp các cơ sở khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền để phát huy được tiềm năng, thế mạnh, tiêu thụ dược liệu cho nhân dân.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý công trình Khu chung cư Hà Trung cũng cần sớm đưa ra quyết định, yêu cầu nhà thầu thực hiện nhanh việc san gạt mặt bằng, để Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hà Giang xây dựng vườn thuốc nam, xây dựng sân, vườn cảnh, đường đi, phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn.