Gần đây, ông Nguyễn Văn Buôi (Tư Buôi), chủ DNTN Tân Hiệp Phát 2 tại xã Thanh Đức (Long Hồ, Vĩnh Long) đã chế tạo thành công chiếc máy lọc khi hút cát lẫn phù sa ở hạ lưu sông Hậu để có cát hạt to.
Trước đây, dân vùng hạ lưu sông Hậu muốn xây nhà tầng phải mua cát hạt to ở vùng thượng nguồn sông
Sông Cổ Chiên, một nhánh sông Tiền chảy qua 2 tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre. Ở khúc giữa sông Cổ Chiên, người ta thấy cái “máy lọc cát sông” giống như một giàn khoan nhỏ. Một chiếc sà lan lớn, thò chiếc vòi to cắm sâu xuống lòng sông hút hỗn hợp cát và phù sa lên.
Sản phẩm hút từ lòng hạ lưu sông Hậu là một hỗn hợp: cát, phù sa, rác. Thứ này xưa kia được bán rẻ gọi là cát san nền, không thể sử dụng vào xây dựng. Nay cái hỗn hợp tạp pí lù được dẫn đến hệ thống sàng lọc để loại bỏ rác. Ông Tư Buôi cho biết rác chiếm đến 30%, sau khi tuyển lựa sẽ được giữ lại để bán cho các nhà máy sản xuất phân hữu cơ với giá 30.000đ/m3.
Hỗn hợp chỉ còn cát và phù sa hòa trong nước thành thứ lõng bõng được dẫn qua bình chứa thông minh có đáy đóng mở linh hoạt. Phù sa tràn ra trên bề mặt bình trở lại xuống sông. Cát lắng xuống đáy bình, qua băng chuyền chảy xuống ghe thuyền đợi sẵn bên cạnh. Các công đoạn thực hiện hoàn toàn tự động.
Loại cát đã tuyển lựa này của ông Tư Buôi có giá 10.000đ/m3, cao gấp 3 lần hỗn hợp ban đầu. Một chiếc “máy lọc cát” của ông có công suất 1.000 m3/ngày. Ông cho biết, đã bán được 2 chiếc cho khách hàng ở TPHCM và Campuchia với giá 2,2 tỷ đồng/chiếc và đang đóng chiếc thứ 3.
Tháng 6/2005, ông Tư Buôi trực tiếp mang ý tưởng của mình đi thuyết trình tại Cục Sở hữu Trí tuệ và được đánh giá cao. Máy không chỉ lọc được cát có chất lượng cao mà còn trả lại phù sa để sông đưa vào ruộng vườn, đồng thời vớt rác làm sạch dòng sông. Hiện ông đang chờ được cấp bằng sáng chế.
Ông Nguyễn Văn Buôi già hơn hẳn cái tuổi 46. Ông có dáng người tầm thước, gương mặt đen nhẻm và rất kiệm lời. Cái “máy lọc cát” làm ông mất ăn mất ngủ 2 năm trời. Là người có thâm niên trong nghề kinh doanh vật liệu xây dựng, ông trải qua nhiều chuyến đi mua cát từ An Giang, Đồng Tháp và cả Campuchia.
1m3 cát có giá 10.000 đồng nhưng chi phí vận chuyển thêm cỡ đó nữa khiến giá thành tăng gấp đôi mà nguồn cung ngày càng hạn chế, lời lãi chẳng bao nhiêu, rủi ro lại nhiều. “Sông Cổ Chiên có nhiều cát nhưng bao nhiêu năm người ta chỉ cày xới đáy sông để lấy thứ vật liệu san lấp mặt bằng”- Ông Tư nói. Thế là ông nghĩ tới việc chế tạo “máy lọc cát”.
Tháng 2/2005, sau nhiều năm nghiền ngẫm lý thuyết, ông cùng 10 công nhân bắt tay vào chế tạo. Phải mất chục lần cải tiến mới đi đến hoàn chỉnh. Mỗi lần cải tiến là hàng tấn thiết bị, sắt thép thành… phế liệu.
Năm 1983, tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long, Tư Buôi dạy lớp 2 tại quê nhà, 8 năm sau thì bỏ việc đi làm anh bán đồ chay sau đó lái ghe tàu rồi chuyển sang kinh doanh vật liệu xây dựng.