Ngày 10/2/2007, nhằm ngày 23 tháng chạp, các chợ hoa Tết tại TP.HCM đã đồng loạt khai mạc. Riêng 4 chợ hoa Tết ở trung tâm thành phố và khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng có trên 1.200 lô, nhiều hơn năm ngoái.
Trong ngày khai mạc, lượng hoa, kiểng về các chợ chưa nhiều. Chợ hoa Tết Công viên 23.9, có quy mô lớn nhất với khoảng 750 lô, nhưng đến chiều hôm qua mới có hơn 500 lô được trưng bày, tập trung chủ yếu ở khu A (từ bùng binh chợ Bến Thành đến đường Nguyễn Thị Nghĩa). Nhìn chung, các chợ hoa Tết trong ngày khai mạc năm nay vắng khách do thời tiết quá nóng.
Chợ hoa Tết ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng sau lễ khai mạc cũng ít khách đến, dù so với năm ngoái, năm nay chợ hoa này thu hút các đơn vị, nhà vườn tham gia nhiều hơn các năm. Chợ hoa có 206 lô hoa kiểng, trái cây, thư pháp và hàng thủ công mỹ nghệ; hằng đêm lại còn có chương trình ca nhạc, trò chơi dân gian ngày Tết. Một số khách cho biết, chỉ đến tham quan, chụp hình và hỏi giá cho biết chứ chưa mua. Nhiều người bán hàng tại đây cho biết, thường thì đến ngày 25, 26 Tết trở đi, chợ hoa mới nhộn nhịp. Tuy vậy, có những người muốn mua sớm hơn để chọn được hoa kiểng ưng ý, vì lúc này hàng còn nhiều, dễ chọn lựa.
Hai loại hoa chủ lực ngày Tết là mai và đào, năm nay về các chợ ít hơn, vì thời tiết tháng trước thay đổi thất thường, nhất là mai đã đồng loạt nở sớm. Tuy vậy, các nhà vườn có kinh nghiệm đã giữ được những cây mai cho nụ đúng vào dịp Tết. Giá mai năm nay, theo phần lớn chủ vườn thì vẫn ổn định, không tăng so với năm ngoái, nhưng cũng có chủ hàng nói giá tăng 20%. Chủ nhà vườn Nguyễn Văn Thanh ở Cái Mơn (Chợ Lách, Bến Tre) có gian hàng mai và kiểng Tết ở chợ hoa Phú Mỹ Hưng cho biết: hoa mai giảo 12 cánh phổ biến nhất hiện nay và được nhiều người ưa chuộng vì màu vàng tươi rực rỡ, bông nở to, giá bán khoảng 120 ngàn đồng/chậu nhỏ; loại trung bình giá từ 500-800 ngàn đồng/chậu. Mai chậu lớn, loại gốc thường giá từ 1-2,5 triệu đồng/chậu, nhưng nếu là gốc mai thế, dạng bonsai giá từ 5-10 triệu đồng/chậu.
Ở chợ hoa Công viên 23/9, giá mai cao hơn một chút, chậu nhỏ khoảng 200 ngàn đồng; loại lớn giá dao động từ 700 ngàn đến 70 triệu đồng/cây. Hoa đào miền Bắc và đào Đà Lạt năm nay khá nhiều nụ, nhưng theo người bán thì hàng về không nhiều do thời tiết thất thường. Đào đến từ Hải Dương ở chợ hoa Công viên 23/9 có giá khoảng 200 – 350 ngàn đồng/cây (2-3 năm tuổi). Hoa xứ lạnh đến từ Đà Lạt khá bắt mắt vì màu sắc sặc sỡ của hoa lan, anh thảo, đồng tiền… và nhất là lan.
Cơ sở sản xuất hoa lan Thanh Quang nổi tiếng ở Đà Lạt năm nay đưa về chợ hoa Công viên 23/9 khoảng 500 chậu địa lan, dù thời tiết Đà Lạt vừa qua làm nhiều vườn lan bị mất mùa. Giá địa lan Đà Lạt vẫn cao ngất, đến 300 ngàn đồng/bông (loại đặc biệt, giống nhập) và khoảng 150-250 ngàn đồng/bông (loại thường). Mỗi chậu hoa địa lan của cơ sở Thanh Quang có từ 7-11 bông, cứ đếm số bông trên mỗi chậu mà tính tiền. Địa lan của cơ sở Kim Ngân nhập từ Đài Loan có những chậu nhỏ 2-3 cành, giá bán 350-400 ngàn đồng/chậu. Anh Thảo 70 ngàn đồng/chậu; tùng thơm (lá có hương chanh, dùng để trưng trong nhà) 100 ngàn đồng/cây nhỏ; đồng tiền 50 ngàn đồng/chậu. Đặc biệt, hoa dạ yên thảo giống nhập ngoại, trồng ở huyện Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu), với gần 100 màu sắc, giá bán 70 ngàn đồng/giò treo và 500 ngàn đồng/chậu lớn…
Nhiều nhà vườn ở Cái Mơn mang lên chợ hoa Tết TP.HCM những cây si hình chú heo ngộ nghĩnh, giá bán từ 1-4 triệu đồng/cặp. Kiểng thanh long với những quả chín đỏ được nhiều người ưa chuộng trong ngày Tết, giá 180 ngàn đồng/chậu. Các loại hoa ngắn ngày giá cũng tương đương năm trước, như cúc vàng 60 – 70 ngàn đồng/cặp; vạn thọ 30 – 40 ngàn đồng/cặp; cẩm tú cầu 220 ngàn đồng/cặp; cúc mâm xôi giỏ lớn 100 ngàn đồng/cặp…