Các chuyên gia về động vật hoang dã cảnh báo: sao la (Pseudoryx nghetinhensis)- một loài thú móng guốc quý hiếm của Đông Nam Á có nguy cơ sớm bị tuyệt chủng. Tại Việt Nam, một viện nghiên cứu đang nỗ lực trong việc nhân bản chúng – và gây nhiều tranh luận trong giới khoa học.
Sao la – loài động vật bí ẩn
Ngay từ khi xuất hiện, đặc điểm sinh học của sao la, giống như bản thân loài này, vẫn còn là một bí ẩn. Tháng 6/1993, nhà khoa học Đỗ Tước và các đồng nghiệp thuộc Viện Điều tra Quy hoạch rừng ở Hà Nội đã chăm sóc 2 con sao la bị bắt ở Vũ Quang. Ông Tước cho biết chúng ăn hàng tá loại cây và tăng cân nhanh. Nhưng sau 2 tháng, cơ thể chúng không chống lại được bệnh nhiễm trùng. Tổng cộng có 20 con sao la đã bị bắt ở Việt Nam và Lào. Ngoại trừ 2 con được thả lại vào rừng, số còn lại đã chết nhanh chóng trong điều kiện nuôi nhốt.
Sự yếu ớt của sao la không phải là điều ngạc nhiên lớn. Theo David Wildt, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn sinh vật thuộc Trung tâm Bảo tồn và nghiên cứu Smithsonian (Virginia, Mỹ): Một số loài động vật trong nuôi nhốt, đặc biệt là động vật móng guốc cực kỳ nhạy cảm với sự căng thẳng, hoặc chỉ do một nguyên nhân đơn giản như chế độ ăn “không thích hợp”. Nhóm nghiên cứu của ông đi tiên phong trong việc nhân giống những loài sinh vật nhạy cảm như nai cà tông (Cervus eldii) và chồn chân đen (Mustela nigripes). Theo ông, “Một cuộc kiểm tra cẩn trọng để tìm ra nguyên nhân vì sao những động vật này lại chết sau khi bị bắt là thực sự cần thiết”.
Những thông tin nghèo nàn về sao la chủ yếu được lượm lặt từ những động vật sống trong điều kiện nuôi nhốt trong khoảng thời gian rất ngắn. Giữa những năm 1990, Cheng Syavong, giám đốc vườn thú Lak Xao ở Lào, đã treo giải thưởng cho người bắt được sao la. Tháng 1/1996, Cheng mua được một con sao la cái trưởng thành. Robichaud cho biết: “Tôi đã có cơ hội tuyệt vời để quan sát đời sống hàng ngày của nó”. Sao la đánh dấu lãnh thổ của mình bằng cách mở một cái túi thịt chứa các tuyến hàm trên ở cả hai phía miệng của nó và cọ vào phía dưới tảng đá, để lại một mùi cay và thơm như xạ. Tuyến xạ của chúng được xem là tuyến xạ lớn nhất trong tất cả các loài động vật có vú. Theo Robichaud “Điểm nổi bật và được ưa thích nhất của nó là sự điềm tĩnh tuyệt đối với sự có mặt của con người”. Ngay sau khi đến Lak Xao, sao la đã cho phép con người vuốt ve nó và ăn thức ăn từ tay họ. Nó tỏ ra thuần hóa và dễ tiếp cận hơn bất cứ động vật thuần hóa nào xung quanh. Nhưng sau 18 ngày bị giam cầm, con sao la này đã đột ngột tử vong. Người ta không thực hiện việc mổ xác nó để khám nghiệm mặc dù nó đang mang thai một con đực.
Sao la rất hiếm thấy trong tự nhiên. Năm 1998, lần đầu tiên người ta chụp được ảnh một con sao la tại nơi ở của nó bằng bẫy ảnh đặt gần dòng suối giàu khoáng chất trong rừng Pù Mát. Robichaud và Robert Timmons, nhà sinh học bảo tồn nghiên cứu độc lập ở Đông Nam Á, cho rằng những con sao la còn sót lại là hậu duệ của giai đoạn ít biến động thuộc Kỷ Nhân sinh (Pleistocene – thời kỳ khoảng 1,8 triệu đến 11.500 năm về trước), khi những cánh rừng thường xanh ẩm ướt lụi tàn dần trong suốt thời kỳ băng hà lạnh và khô. Theo Robichaud: “Sự phân bố hiện tại của sao la có thể phản ánh nơi mà thời kỳ băng hà hưng thịnh nhất”. Hiện nay, con người đang đặt sao la trên bờ vực của sự tuyệt chủng.
Ông Barney Long cho biết năm 1992, các nhà khoa học đã xác định một nhóm khoảng 500 đến 1000 con sao la ở Việt Nam. Trong Kế hoạch hành động của Việt Nam, ước tính số sao la còn lại “có lẽ” ít hơn 200 – có thể là ít hơn hoặc nhiều hơn. Bằng chứng cho thấy sự suy giảm số lượng của loài này là “số lượng bị săn bắt để làm đồ trang trí mà chúng ta phát hiện được” và việc thiếu vắng những khu vực sao la từng đi qua. Sao la cũng bị giết hại do bẫy thắt. Tương tự như với loài gấu, người ta có thể bán tuyến mật của chúng với giá cao. Kế hoạch hành động của Việt Nam sẽ ngăn cấm việc đặt bẫy dây trong khu vực sinh sống của sao la.
Ngoài ra, sự chia cắt khu vực sống cũng là mối đe dọa lớn cho loài này. Kế hoạch hành động nhấn mạnh rằng con đường Hồ Chí Minh liên kết hai miền Nam – Bắc sắp hoàn thành được coi như “mối đe dọa lớn nhất cho quan hệ giữa quần thể sao la và môi trường sống của chúng”. Dựa trên nguồn hỗ trợ từ Ngân hàng thế giới, Tổ chức phát triển Hà Lan, cơ quan phát triển quốc tế của Mỹ, WWF đang cùng với các nhà chức trách Việt Nam bảo vệ rừng ở 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, nơi các quần thể sao la được phát hiện nhiều nhất với khoảng 50 cá thể. “Khu Bảo tồn Cảnh quan Sao la” này tiếp giáp với cánh rừng của Lào, tạo ra một khu vực sống không bị phân cắt cho vài chục cá thể sao la.
Nỗ lực gây nhiều tranh cãi
Với vai trò tăng cường bảo vệ loài sao la, kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam sẽ cấm nuôi nhốt sao la cho đến năm 2010, trừ trường hợp tịch thu từ thợ săn hoặc được phóng thích từ bẫy thắt trong điều kiện bị thương và không thể trả về tự nhiên. Theo Wildt, đây là một điều nguy hiểm. Ông nói: “Tôi không đồng ý với chính sách chỉ để mặc chúng ngoài môi trường hoang dã và cho đó là giải pháp tốt nhất”. Ông đề nghị các chuyên gia nghiên cứu về sao la triệu tập một hội thảo để có cái nhìn chặt chẽ về việc nhân giống trong điều kiện nuôi nhốt. Theo ông, không phải trước đó chúng ta chưa từng làm việc này.
Barney Long và một số cộng sự phản đối: nếu không có nỗ lực bảo vệ sao la khỏi những thợ săn và giữ gìn môi trường sống của chúng thì loài vật này đã chịu số phận bi đát. Theo tất cả những gì họ biết, loài này đã vượt khỏi ngưỡng có thể phục hồi. Đây chính là cứ liệu để đưa ra giải pháp đang gây tranh cãi là sử dụng công nghệ cao để gìn giữ loài này trong môi trường có kiểm soát.
Tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Hà Nội), một nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học, đứng đầu là ông Bùi Xuân Nguyên, đang cố gắng thực hiện kỹ thuật tách dòng sao la. Ông Nguyên cho biết, dự án này đòi hỏi thực hiện trong thời gian dài, nhưng phòng thí nghiệm của ông sẽ có cơ hội thành công. Nhóm nghiên cứu của ông đã từng hợp tác với các nhà sinh học hàng đầu chuyên nghiên cứu về sinh sản ở Pháp, Nhật và các nước khác trong 30 năm qua và đã thu được những thành tựu trong chuyển phôi và thụ tinh trong ống nghiệm đối với các loài động vật như bò và thỏ. Ông Nguyên cũng đã thành công trong việc phát triển công nghệ làm đông lạnh trứng và tinh trùng nhanh, đem lại thuận tiện cho việc bảo quản mẫu vật.
Bắt tay vào công việc này, ông Nguyên đang nỗ lực tập trung xây dựng mạng lưới công việc giữa các phòng thí nghiệm trong khu vực Đông Nam Á, tiến tới lập nên “ngân hàng phôi” đông lạnh chứa tinh trùng của những loài quý hiếm vào năm sau. Ông Nguyên cho biết, sau sự kiện sinh sản vô tính cừu Dolly năm 1997, ông đã nghĩ ngay đến việc có thể áp dụng công nghệ tiên tiến này vào bảo tồn các loài nguy cấp. Ngay khi đó, sao la đã trở thành một biểu tượng của Việt Nam. Ông Nguyên nảy ra sáng kiến liên kết với Viện Lâm nghiệp của ông Tước: “Khi ai đó phát hiện được sao la, Viện sẽ gọi cho chúng tôi và ngay lập tức chúng tôi sẽ có mặt để lấy mẫu mô”. Họ đã có những mẫu từ một con đực và 2 con cái, gồm 30 trứng non từ 1 trong 2 con cái đã chết. Họ đã giữ hầu hết trứng trong sự kiện đó để một ngày nào đó có thể đưa vào thụ tinh trong ống nghiệm. Nhưng ông Nguyên đã quyết định: “chúng tôi không thể chờ đợi để có được con cái còn sống”.
Cùng làm việc với Patrick Chesne thuộc phòng thí nghiệm của Jean-Paul Renard ở Viện nghiên cứu nông nghiệp quốc gia tại Paris, ông Nguyên đã sử dụng công nghệ chuyển nhân tế bào đưa ADN của sao la vào trứng bò, dê và trâu nước. Họ đã thu được những phôi sớm – blastocysts – nhưng đã không thành công trong việc phát triển chúng. Ông Nguyên cho biết “Chúng tôi không có cách nào vượt qua được giai đoạn này”. Rào cản chủ yếu là do thiếu kiến thức sinh học về sao la. “Chúng tôi không có thông tin gì về chu kì sinh sản, không biết gì về thời gian mang thai của chúng”. Tuy nhiên, ông Nguyên và các cộng sự đã lấp được một số khoảng trống. Chẳng hạn, họ đã xác định được sao la có 50 nhiễm sắc thể (bò có 60, trâu có 84).
Hiện tại, ông Nguyên hy vọng sẽ làm sáng tỏ được phương pháp sao chép của nhân tế bào sao la. Trong khi đưa chương trình mới vào, trứng đó sẽ quay ngược thời gian của nhân trưởng thành bằng việc chuyển các tín hiệu hóa học của sự phát triển, trở lại giai đoạn phôi thai – một bước cần thiết trong tách dòng tế bào soma. Ông Renard cho biết: “Chúng tôi quan tâm đến khả năng phân bào sớm ở sao la và các loài gần gũi với nó”. Theo Takashi Nagai, nhà sinh học sinh sản, Viện khoa học Chăn nuôi và Đồng cỏ ở Tsukuba (Nhật Bản) dự đoán: Khi tất cả vấn đề tách dòng khác loài – như số lượng nhiễm sắc thể khác nhau và AND ti thể khác nhau – được giải quyết, thì “việc nhân bản sao la sẽ hoàn toàn có thể”. Ông đang cộng tác với ông Nguyên để bảo tồn dòng di truyền giống lợn nhỏ ở Việt Nam. Ông Nguyên cho biết ông sẽ bảo quản được vì: “Tôi là một người kiên trì”.
Tuy nhiên, một số nhà sinh học cho rằng nỗ lực này quá vội vã hoặc sai lầm. Theo Wildt, việc tách dòng là một công cụ nên sử dụng cuối cùng, còn quá sớm để bàn đến nó đối với sao la. Ông Barney Long cũng nói thêm: “Tôi không thấy bất cứ lợi ích nào trong việc bảo tồn loài sao la bằng việc tách dòng chúng”. “Chi phí… sẽ tốt hơn nếu chúng ta cố gắng bảo tồn chúng trong môi trường tự nhiên”. (Theo ông Nguyên thì nguồn chi phí của ông là “khiêm tốn”). Ông Long cho rằng, cuộc chiến bảo vệ sao la phải diễn ra trong dãy Trường Sơn. “Nếu chúng ta mất sao la, nó sẽ là một dấu hiệu cho sự thất bại của chúng ta trong việc bảo tồn hệ sinh thái độc nhất này”. Điều đó có thể gây nguy hiểm cho những loài chưa được phát hiện. Theo TS. Đặng, “Ở Việt Nam, vẫn còn nhiều vùng địa hình chưa được khám phá”. Chỉ trong năm 2005, chuột đá (tiếng Lào: kha-nyou) – một loài gặm nhấm kì lạ, rất nhỏ, đã được phát hiện trong một chợ của Lào, 5 mẫu đầu tiên được mang về vào cuối tháng 5. “Có nhiều động vật kích thước nhỏ và trung bình đang chờ được phát hiện”, TS. Đặng nói thêm.