Bộ trưởng Bộ TN&MT Mai Ái Trực đã có cuộc đối thoại trực tiếp với gần 60 doanh nghiệp, bao gồm cả các tập đoàn lớn đến những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hơn 20 vấn đề đã được nêu và đều được Bộ trưởng trực tiếp trả lời, tập trung vào 3 nhóm: vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhập khẩu tàu cũ để phá dỡ và cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản.
Cũng như trong tất cả các cuộc đối thoại giữa Bộ TN&MT với người dân và doanh nghiệp, đất đai vẫn là vấn đề được rất nhiều người quan tâm.
Đặc biệt, qua phản ánh của các doanh nghiệp thì những mắc mứu chủ yếu xảy ra ở cấp cơ sở, liên quan đến việc cấp “sổ đỏ” – một điều kiện quan trọng để doanh nghiệp được vay vốn sản xuất, kinh doanh.
Bộ trưởng Mai Ái Trực trả lời: “Đáng tiếc, đây đúng là một vướng mắc lớn. Hành lang pháp lý đã tương đối đầy đủ, vấn đề chính hiện nay là ở người thực hiện. Nhiều người nói tại sao không cách chức cán bộ làm sai, nhũng nhiễu? Nếu tôi có quyền đó, hẳn là tôi cũng đã làm. Nhưng việc này liên quan tới tổ chức toàn bộ máy. Cho nên chấn chỉnh tác phong làm việc của cán bộ công chức là một trong những trọng tâm công tác của Chính phủ trong năm 2007 và thời gian tiếp theo”.
Trong lĩnh vực môi trường, vấn đề “nóng” nhất vẫn là nhập khẩu và phá dỡ tàu cũ. Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị sớm có thông tư hướng dẫn việc thi hành các điều 42, 43 của Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường liên quan đến nhập thép phế thải; và cho rằng chính những quy định chưa rõ ràng hiện nay đang “đẻ” ra thêm “giấy phép con”.
Bộ trưởng Mai Ái Trực cho biết việc ban hành thông tư nêu trên thuộc thẩm quyền của Bộ Thương mại. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, việc phá dỡ tàu cũ trong nước khác hẳn với mua tàu cũ nước ngoài về để phá dỡ.
Đúng là có từ 95% đến 97% tỷ trọng tàu cũ mua từ nước ngoài có thể tái chế, nhưng phần còn lại là những chất rất độc hại mà công nghệ của ta chưa thể xử lý được.
“Quan điểm của Bộ TN&MT là phải tháo dỡ tất cả những vật liệu phi kim loại khỏi các con tàu cũ trước khi nhập về VN để tháo dỡ chứ không đi xử lý rác hộ nước ngoài”, ông tái khẳng định một cách kiên quyết.
Liên quan đến vấn đề cấp phép khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp cho biết, hiện nhiều thủ tục còn rườm rà, cứng nhắc, lắm đầu mối. Đại diện Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam phàn nàn: “Để làm xong thủ tục xin phép thăm dò khoáng sản có khi mất tới… 7 năm! Sau đó lại thêm 3 năm thăm dò nữa, mất quá nhiều thời gian và tiền bạc”.
Mặt khác, dường như vẫn còn tình trạng “cát cứ” trong khai khoáng khi mà lãnh đạo các địa phương có xu hướng “giành phần” cho các doanh nghiệp của địa phương mình, hoặc các doanh nghiệp có quan hệ thân thiết.
Bộ trưởng Mai Ái Trực cho biết việc cấp phép khai thác khoáng sản liên quan đến rất nhiều bộ, ngành và địa phương có khoáng sản, nên đúng là tiến độ cấp phép còn chậm chạp: “Bộ đã và tiếp tục đẩy mạnh cải tiến việc cấp phép thăm dò khai thác khoáng sản, đặc biệt là tăng cường sự phối hợp với Bộ Công nghiệp và các địa phương” – ông nói.
Bộ trưởng Mai Ái Trực hoan nghênh và hứa sẽ tiếp thu đề xuất của ông Bùi Văn Quân (Công ty Anh Quân) về việc lập bản đồ quy hoạch khoáng sản và tổ chức đấu thầu khai thác.
Ông cũng đồng tình với ý kiến cho rằng việc đánh giá “kinh nghiệm” (vốn là một tiêu chí để cấp phép) của một doanh nghiệp tham gia lĩnh vực thăm dò, khai thác khoáng sản không chỉ căn cứ vào thời gian mà doanh nghiệp đã hoạt động trong lĩnh vực này.
Lý do rất đơn giản: Doanh nghiệp hoàn toàn có thể thuê được những cán bộ và đối tác tin cậy, có uy tín và thời gian hoạt động lâu năm cộng tác và hỗ trợ mình.
Tiếp thu ý kiến của Tổng công ty Điện lực Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TN-MT cũng đã hứa điều chỉnh Thông tư 08/2006 do bộ ban hành về nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đồng thời có sự vận dụng linh hoạt hơn những quy định về báo cáo ĐTM đối với những dự án đặc thù (ngành điện cho biết có những dự án hạ thế nhỏ, chỉ liên quan đến 2 xã nhưng lại thuộc hai tỉnh khác nhau nên phải làm báo cáo ĐTM rất phức tạp)…