ThienNhien.Net – Các nhà nghiên cứu ở Pari cho rằng: Có một khuynh hướng khá nực cười là việc liệt kê một loài nào đó vào danh sách bị đe dọa khiến chúng càng trở nên có giá đối với những người sưu tập và tiêu thụ, điều này càng khiến cho loài đó đi tới sự tuyệt chủng nhanh hơn.
Sở thích vô lý của con người muốn sở hữu những con vẹt lớn, thằn lằn có vẩy hay những giò lan hài vệ nữ cuối cùng còn sót lại đã làm tăng thêm giá trị những loài này tới mức mà những nhà sưu tập có thể chi hàng nghìn đôla theo mọi cách hợp pháp hay bất hợp pháp để có được chúng.
Trong tạp chí khoa học Plos Biology, Frank Courchamp và các cộng sự đã viết: “Điều này đã tạo ra vòng lặp giữa nạn khai thác và sự khan hiếm của một loài, và đẩy loài đó tới vòng xoáy của sự tuyệt chủng”. Ông cho rằng “Sẽ là nguy hiểm cho một loài nếu như chúng được thông báo là quý hiếm mà không được bảo vệ” và “Ngay cả với những loài ít được chú ý cũng có thể đột nhiên trở nên quý giá nếu chúng khan hiếm”.
Những nhà sưu tập, những kẻ buôn bán các loài vật cảnh độc đáo, những người săn tìm chiến lợi phẩm từ động vật, các loại thuốc truyền thống và các loại hàng hóa xa xỉ được làm từ động vật quý hiếm là những nguyên nhân đẩy các loài này tới bờ tuyệt chủng.
Courchamp thấy rằng: “Kiến thức khoa học thường được sử dụng để xác định các loài có nguy cơ tiếp theo”.
Ngay sau khi một bài báo viết về loài rùa nhỏ Indonesia (Chelodina mecordi) và tắc kè Trung Hoa (Goniurosaurus luii) như những loài hiếm thì giá của chúng tăng vọt trên thị trường buôn bán vật cảnh lạ. Loài rùa nói trên nay đã gần như tuyệt chủng, còn tắc kè thì không còn tìm thấy ở nơi chúng sống là vùng Đông Nam Trung Quốc nữa.
Những kẻ buôn bán vật cảnh lạ săn lùng rất nhiều động vật khác nhau, như đười ươi, khỉ, bò sát, chim và mèo rừng, động vật lớp nhện, côn trùng và cá.
Ngay cả Internet giờ đây cũng là một nhân tố thúc đẩy sự tuyệt diệt của các loài quý hiếm. Giám đốc chương trình buôn bán động vật hoang dã của Quỹ Động vật hoang dã thế giới tại Canada – Ernie Cooper – nói: “Một người có thể bán 200 con kỳ nhông lạ một cách dễ dàng và nhanh chóng trên Internet – việc mà cách đây một thập kỷ thì là rất khó khăn. Internet là một yếu tố chính trong việc đưa các loài tới sự tuyệt chủng nhanh hơn bao giờ hết”. Trong một lần trả lời phỏng vấn, Cooper đã nói: “Internet khiến cho người bán liên hệ với người mua dễ dàng hơn”.
Hai năm trước đây, Cooper đã phát hiện ra 50 con sa giông đốm Kaiser (Neurergus kaiseri) – một loài đang bị đe dọa của Iran bị đem bán ở Canada. Sách đỏ về các loài bị đe dọa của tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới IUCN đã xếp Kaiser vào bậc “nguy cấp” – Chúng là một trong số 16.000 loài động – thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao. Qua tìm hiểu, ông biết được một dân buôn người Uckraina mời ông mua 200 con sa giông loại này. Bây giờ, chúng chỉ còn không đầy 1.000 con tại một vài dòng suối nhỏ của Iran. Điều lạ lùng là, mặc dù sa giông được bảo vệ ở Iran và việc bắt chúng là bất hợp pháp ở nước này, nhưng việc buôn bán sa giông Kaiser trên các website của những người sưu tập động vật lưỡng cư thì lại không phải là bất hợp pháp.
Cooper cũng nói: “Nếu tôi không tình cờ biết được việc buôn bán Kaiser này thì có lẽ loài Sa giông này đã bị tuyệt chủng trước khi mọi người biết đến nó”. Và cũng không có gì ngạc nhiên khi giá mà những người sưu tập trả cho Kaiser đã tăng từ 200 lên 400 đô la, thậm chí một số con hiện vẫn còn đang được rao bán.
Peter Galvin thuộc trung tâm Đa dạng sinh học (California, Mỹ) phát biểu: “Tuy có uy tín khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu các loài bị đe dọa, nhưng Sách Đỏ của IUCN không đưa ra biện pháp bảo vệ bằng luật pháp nào cho những loài này”.
Trả lời trong một cuộc phóng vấn, Galvin nói: “Đúng hơn, vấn đề này phụ thuộc vào từng quốc gia trong việc sử dụng luật pháp để bảo vệ các loài này và đưa các loài này vào danh mục của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) để bất hợp pháp hóa việc buôn bán các loài đang bị đe dọa”. Đồng thời, ông cũng đề xuất: “Có lẽ nên giấu kín thông tin một loài nào đó đang trở nên khan hiếm, nếu như không có biện pháp bảo vệ các loài này bằng luật pháp”. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp thì việc thông báo rộng rãi việc một loài nào đó đang bị đe dọa lại là cách duy nhất khiến các chính phủ ban hành các luật và thực hiện các biện pháp để bảo vệ chúng. Ví dụ, ở Trung Quốc, người ta chỉ sử dụng các biện pháp cứng rắn để bảo vệ loài gấu trúc sau khi thế giới lên tiếng và công bố báo cáo khoa học chỉ rõ loài vật này đang bị đe dọa.
Bên cạnh đó, Galvin cũng lưu ý là: “Hầu hết các nước đều lúng túng khi để cho một loài động thực vật của họ bị tuyệt chủng”. Ví dụ, “Ở Mỹ, các loài chỉ được bảo vệ khi có vụ kiện tụng buộc chính phủ phải đưa các loài này vào danh sách các loài bị đe dọa – dù sao thì đây cũng là cách dưới thời của chính quyền Bush”. “Không có loài nào được đưa vào danh sách nếu không có yêu cầu của tòa án”. Và hơn thế, “Quá trình này có thể mất tới hàng năm. Trong suốt thời gian đó thì các loài hiếm này không có bất cứ sự bảo vệ nào của pháp luật. Nhưng giữ kín thông tin cũng lại không tốt bởi chúng càng ngày càng tiến nhanh tới bờ vực tuyệt chủng”.
Theo ý kiến của E. Cooper thì: “Công khai việc đưa các loài vào danh sách bị đe dọa có 2 mặt”. Nhưng cũng có những trường hợp mà giữ kín thông tin sẽ là tốt hơn. Ngay với loài sa giông nói trên, thì vấn đề “Có lẽ đã là quá muộn với Kaiser, vì ngay cả khi Iran muốn bất hợp pháp hóa việc buôn bán quốc tế loài sa giông, quá trình để đưa loài này vào công ước CITES phải mất tới hai năm hoặc hơn thế. Và việc loài sa giông Kaiser đi đến bờ tuyệt chủng chỉ còn là một sớm một chiều kia cũng không phải là ưu tiên đối với quốc gia này”.
Đối với những người sưu tập thì việc giáo dục họ về những hậu quả gây ra do sở thích của họ – đẩy các loài tới sự tuyệt chủng – cũng không có tác dụng gì bởi họ thường là những kẻ ích kỷ. Giải thích về vấn đề này, ông Cooper cho rằng: “Họ cũng chính là những chuyên gia và thừa biết rằng loài đó sẽ bị tuyệt chủng, nhưng dù gì đi chăng nữa họ phải có chúng trong bộ sưu tập của mình”.
Sau những thử nghiệm về sự thôi thúc tìm kiếm của con người đối với sự hiếm có, ông Courchamp nói: “Mọi người thường rất quan tâm thích thú với sự hiếm có. Ngay cả khi hai vật thể là đồng dạng, nếu bạn bảo họ là một cái hiếm hơn thì cái đó sẽ trở thành tâm điểm của họ. Đó là một xu hướng khó cưỡng lại được”.