Trong 6 năm tới, Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) sẽ hỗ trợ tài chính cho những chương trình lồng ghép giúp các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đánh giá và áp dụng các biện pháp nhằm giảm nhẹ các tác động tiêu cực tới môi trường từ quá trình công nghiệp hóa.
Tại hội thảo về thay đổi khí hậu toàn cầu và tác động của nó đối với phát triển kinh tế của Việt Nam, ngày 5/2 tại Hà Nội, Vụ trưởng của Ban Chính sách và Quốc tế của DFID, cho biết Bộ này cũng sẽ giúp Việt Nam trong chương trình giao thông nông thôn và cung cấp tín dụng hỗ trợ giảm nghèo để giúp Việt Nam phát triển kinh tế bền vững và thân thiện với môi trường.
Cũng theo Vụ trưởng Mark Lowcock, DFID sẽ giúp Việt Nam phát triển thị trường các công nghệ năng lượng có thể tái tạo, thải ít khí cacbonic theo “Cơ chế Phát triển sạch” Kyoto ở nông thôn Việt Nam.
Ngoài ra, từ năm 2007, DFID sẽ cung cấp vốn cho Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (thông qua Quỹ toàn cầu về khắc phục và giảm nhẹ thảm họa) để giúp Việt Nam lồng ghép xuyên suốt việc lập kế hoạch giảm rủi ro, thảm họa trong công tác lập kế hoạch của Chính phủ.
Ở Việt Nam, biến đổi khí hậu toàn cầu đã có nhiều tác động tiêu cực như biến đổi thời tiết khó dự đoán hơn, mực nước biển tăng; bão thường xuyên và nghiêm trọng hơn; nhiệt độ tăng và thay đổi quy luật lượng mưa ảnh hưởng tới nông nghiệp và nguồn nước. Thông qua các dự án lồng ghép song phương và qua các tổ chức quốc tế, DFID muốn góp phần giúp Việt Nam thích nghi với việc biến đổi khí hậu hiện nay.