Một dự án làm thuốc từ nguồn dược liệu sạch

Từ cây chè dây mọc hoang trên các sườn đồi sườn núi, các nhà khoa học, bác sĩ, dược sĩ thuộc Trường đại học Dược Hà Nội và Công ty cổ phần Traphaco đã tạo ra thuốc AMPELOP công dụng hữu hiệu điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng.

Sản xuất thuốc trị viêm loét dạ dày từ chè dây

Bà Đặng Thị Kỳ, Mỹ Đức, Hà Tây đã đau dạ dày hơn một năm. “Uống thuốc ngoại mệt lắm. Nhưng từ ngày bác sĩ cho uống thuốc Ampelop được chiết xuất từ cây chè dây, không nóng ruột, không có tác dụng phụ, không gây chóng mặt, buồn nôn nữa”.

Bà Kỳ là một trong hàng trăm bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tây bằng thuốc mới Ampelop sản xuất từ nguồn dược liệu là cây chè dây ở các vùng núi cao phía Bắc nước ta. Qua khảo sát và đánh giá của nhóm nghiên cứu về một số căn bệnh đường tiêu hóa thường gặp như viêm loét dạ dày, hành tá tràng, viêm đại tràng, viêm ruột… ở các vùng dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, hoặc Cao Bằng, dân tộc Dáy, Dao ở Lào Cai nơi mà bà con dùng chè dây uống thường xuyên, thì tỷ lệ mắc các bệnh này hầu như không có.

Từ kinh nghiệm dân gian trên, một công trình nghiên cứu cấp bộ về loài thảo dược này đã được các giáo sư, bác sĩ, dược sĩ uy tín của bộ môn Dược liệu, Đại học Dược Hà Nội, Đại học Y Hà Nội, Viện kiểm nghiệm Bộ Y tế, Viện Y tế Cổ truyền Việt Nam cùng nhiều chuyên gia trong và ngoài nước thực hiện. “Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu về cây chè dây từ năm 1990. Để xác định được tên khoa học của cây chè dây mà đồng bào vẫn dùng, chúng tôi đã phải lên tận nơi để lấy được mẫu cây mẫu có hoa, có quả, hạt và sau đó mới xác định được tên khoa học là Ampelopsis cantonesis Planch. Vitaceace”. GS.TS Phạm Thanh Kỳ, chủ nhiệm công trình: Sản xuất quy mô công nghiệp thuốc mới Ampelop điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng từ dược liệu chè dây Việt Nam hiệu quả cao thuộc chương trình KC.10 (mã số KC.10.DA11) nhớ lại.

Sau đó, nhóm nghiên cúu đã xác định thành phần chính là flavonod có khả năng giảm đau, liền vết loét và có tác dụng diệt xoắn khuẩn Helicobacter pylori… là xoắn khuẩn gây ra bệnh viêm loét dạ dày, hành tá tràng. Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu và xác định cây chè dây không có độc tính và độ an toàn cao.

Những thành công bước đầu này đã thôi thúc các nhà khoa học chuyển hướng sang bào chế nguồn dược liệu quý này dưới dạng viên nang. Một xưởng sản xuất Ampelop dạng bột gói ngay tại Trường đại học Dược Hà Nội. Những gói thuốc đầu tiên này đã được thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai cho kết quả tốt. Các chỉ tiêu thống kê trên bệnh nhân cho thấy thuốc Ampelop chiết xuất từ chè dây có tác dụng cắt cơn đau do loét hành tá tràng, liều sẹo ổ loét và diệt trừ khuẩn Helicobacter pylori…với tỷ lệ cao hơn các dược liệu khác. Một đặc tính hơn hẳn nhóm thuốc điều trị dạ dày hành tá tràng là thành phần flavonoid ampelopsis trong chè dây không những không làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa ở gan mà còn có tác dụng giải độc gan theo cơ chế chống oxy hóa khử gốc tự do. Người bệnh khi uống thuốc không gặp phải phản ứng phụ gây khó chịu như một số loại thuốc khác.

Sản xuất quy mô công nghiệp

Kết quả nghiên cứu về cây chè dây đã đánh dấu một bước ngoặt trong việc “Lấy Nam dược trị Nam nhân” của ngành y dược nước ta. Với mong muốn đưa ra một liệu pháp mới sử dụng chè dây trong điều trị dạ dày – hành tá tràng, nhóm nghiên cứu đã kết hợp với Công ty cổ phần Traphaco hoàn thiện quy trình sản xuất viên nang Ampelop quy mô 100.000 viên/mẻ và 1 triệu viên trong một lô sản xuất.

Đến nay, dự án đã sản xuất được 9 triệu viên Ampelop cung cấp trên thị trường phục vụ người bệnh. Giá thành sản phẩm dự kiến là 154.000 đ/liều điều trị 2 hộp (mỗi hộp giá 77.400đ) nhưng thực tế giá bán là 72.000đ/hộp, giảm so với dự kiến là 5.400đ/hộp. “Nếu so với một số thuốc điều trị loét dạ dày – tá tràng đang bán trên thị trường Việt Nam hiện nay, chi phí điều trị bằng thuốc Ampelop thấp hơn các loại thuốc tân dược như Gastrotat, Pilopac và Pilokid của Ấn Độ”.

Dự án này cũng đã góp phần tăng thu nhập cho nhân dân vùng núi, nơi có cây chè dây mọc hoang, như Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, góp phần vòa công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở vùng cao. Với giá thu mua 25.000đ/kg lá chè dây, để sản xuất được 9 triệu viên thuốc Ampelop, Công ty cổ phần Traphaco đã phải mua 50 tấn lá chè dây với số tiền khoảng 1.250.000.000đ.

Để đảm bảo khai thác lâu dài và bền vững nguồn dược liệu chè dây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ kinh phí cho Traphaco thực hiện đề tài nghiên cứu trồng cây chè dây ở vùng núi cao. Dự án đã tổ chức hướng dẫn nhân dân vùng cao nơi có cây chè dây mọc hoang bảo tồn nguồn nguyên liệu sạch này bằng cách thu hái lá, không chặt cành để bảo vệ và giúp cây chè dây tái sinh.