Hội nghị quốc tế về môi trường nhóm họp tại Paris đã bế mạc vào ngày 03/02 với “Lời kêu gọi Paris”. Lời kêu gọi này cảnh báo loài người đang tàn phá trái đất và phải gánh chịu hậu quả hiện nay và cả trong tương lai.
5 phút vì trái đất “xanh”
Trước đó, vào tối ngày 01/02, hưởng ứng lời kêu gọi của 70 tổ chức hoạt động môi trường tập hợp trong Liên minh vì trái đất, nhiều người dân và cơ quan chính quyền nước Pháp đã cúp điện trong vòng 5 phút – từ 19g55 tới 20g, tương ứng với thời điểm tiêu thụ nhiều điện năng nhất trong một ngày của các gia đình.
Những người làm việc hi hữu này mong muốn nhắc nhở tất cả mọi người hãy quan tâm tới những vấn đề về môi trường đang diễn ra trên hành tinh, nhân dịp 500 chuyên gia về khí hậu của LHQ tập hợp tại Paris trong 1 tuần lễ (từ 29/01 tới 02/02) để thảo luận về những vấn đề của hiện tượng khí hậu trái đất nóng lên và hội nghị môi trường thế giới chuẩn bị nhóm họp trong 2 ngày (2 và 03/02/2007) tại đây với 200 đại biểu đến từ các nước, trong đó khoảng 50 vị là các bộ trưởng môi trường…
Đúng 17g55, tháp Eiffel đang rực rỡ ánh đèn bỗng chìm vào màn đêm, 336 ngọn đèn cực mạnh chiếu sáng trang trí tháp đã được tắt đi để rồi bừng lại 5 phút sau đó. Nhiều người dân của thủ đô Paris tới tụ tập quanh chân tháp để chứng kiến sự kiện đặc biệt này. Cũng tại Paris, ngài thị trưởng quận II đã cho tắt hết các ngọn đèn ở công sở trong 5 phút. Ở Marseille, nhà thờ Notre-Dame-de-la-Garde tắt đèn hưởng ứng lời kêu gọi. Cùng lúc đó, ở châu Âu, các ngọn đèn của sân vận động lớn Colisée ở thành Rome (Ý) cũng ngừng phát sáng trong 5 phút, tương tự như điều đã diễn ra ở nhiều nơi tại Bỉ, Đức, Tây Ban Nha…
“5 phút (cúp điện) vì hành tinh” của nước Pháp đã làm lượng điện tiêu thụ trong ngày 01/02 trên toàn quốc “bất thình lình” giảm đi 1%, tức khoảng 800MW điện đã được tiết kiệm theo tính toán của cơ quan quản lý hệ thống truyền tải điện, tương đương với lượng điện dùng để thắp sáng cho 3 triệu gia đình hoặc của một thành phố lớn như Marseille (thành phố lớn thứ 3 nước Pháp). Theo một chuyên gia, 5 phút chiếu sáng của một gia đình làm sinh ra từ 5g tới 10g khí CO2, trong khi một chiếc xe hơi chạy 1km thải ra tới 200g. Như thế, nếu tổ chức được một “ngày không có xe hơi” thì hiệu quả còn lớn hơn nhiều…
Quản lý môi trường ở mức độ toàn cầu
Ngày 02/02, sau một tuần thảo luận, các chuyên gia khí hậu thế giới đã đưa ra một bản tổng kết về “bức tranh toàn cảnh” của khí hậu toàn cầu. Cũng trong ngày này, Tổng thống Jaques Chirac của nước Pháp chủ trì khai mạc một hội nghị thế giới về môi trường với 3 mục tiêu cơ bản: làm cho thế giới ý thức được tính khẩn cấp về các vấn đề môi trường, xác định những việc cần phải làm, và thúc đẩy việc thành lập một tổ chức của LHQ về môi trường (ONUE).
Hiện tại những vấn đề về môi trường trên thế giới được quản lý bởi 18 cơ quan khác nhau với ít nhất khoảng 500 thỏa thuận quốc tế. Chương trình về môi trường của LHQ (PNUE) tuy có tồn tại nhưng ngân sách của nó hoàn toàn phụ thuộc vào sự đóng góp tự nguyện của một số nước. ONUE, ngược lại, sẽ có ngân sách hoạt động riêng, có năng lực phân tích và quyết định, giống như Tổ chức Sức khỏe thế giới (OMS).
Dù sao, đây vẫn là một ý tưởng còn xa mới đạt được sự đồng thuận của tất cả các nước (không muốn bị bó buộc thêm, không muốn bị áp đặt các chỉ tiêu…). Trong thời gian diễn ra hội nghị, các đại biểu làm việc trên 6 đề tài thuộc các lĩnh vực khí hậu, nước, tính đa dạng sinh học, ô nhiễm, sự tăng trưởng sinh thái, việc quản lý môi trường ở mức độ toàn cầu.
Tại buổi bế mạc, Tổng thống Chirac đã đưa ra “Lời kêu gọi Paris”, thúc đẩy các chính phủ và các doanh nghiệp có biện pháp giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào môi trường, nhất là do việc đốt nhiên liệu ở các nhà máy điện, các xí nghiệp sản xuất và do xe hơi gây ra….