Hiện nay, nhiều tuyến kênh, rạch ở TPHCM đang bị bồi lắng rất nghiêm trọng không còn khả năng tiêu thoát nước mỗi khi có mưa dồn dập. Vì vậy, nạo vét bùn đáy không chỉ mở rộng được kênh, rạch mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Khu quản lý đường sông vừa tổ chức đấu thầu nạo vét rạch Bến Nghé – kênh Tàu Hủ – Lò Gốm. Công ty Thi công cơ giới thủy và đầu tư – xây dựng (Bộ NN-PTNT) là đơn vị trúng thầu. Theo Trung tâm Tư vấn và ứng dụng kinh tế (Viện Kinh tế TPHCM), đất bùn đáy là kết quả tồn tích từ các chất hữu cơ, phù sa, chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp trong quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa ở TP.
Việc tìm chỗ đổ bùn sau khi nạo vét đã từng là một bài toán khó cho nhiều đơn vị nhận thầu nạo vét trước đó. Công ty Thi công cơ giới thủy và đầu tư – xây dựng đã phải tổ chức nhiều chuyến đi tìm địa điểm đổ bùn. Đang loay hoay thì công ty nhận được một gợi ý: Bùn đáy có thể tận dụng trong sản xuất nông nghiệp và làm vật liệu san lấp mặt bằng.
Từ đó, đơn vị thi công đã đưa bùn đáy đến các công trình xây dựng đường giao thông nông thôn ở quận 2, xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh). Ông Nguyễn Tấn Tuyến, Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt cho biết: Những năm trước đây, triều cường dâng cao, tràn ngập cả cánh đồng trồng lúa, rau màu… cây trồng bị giảm năng suất ghê gớm. Đặc biệt, trên 100 ha ao nuôi cá cũng bị mất trắng. Hơn 2 năm qua, nhờ Công ty Thi công cơ giới thủy và đầu tư-xây dựng đổ hơn 200.000m3 bùn đáy làm tuyến đê bao chống lũ dọc theo hai bên bờ kênh Xáng Đứng, bờ sông Chợ Đệm dài gần 10km, ngang từ 20-40m mà mùa màng ở đây khá hơn hẳn.
Tuyến đê bao này chẳng những được trải đá sỏi phục vụ cho chương trình phát triển khu du lịch sinh thái phía Tây Nam TPHCM mà còn giúp nông dân trồng cây gây rừng, tạo cảnh quan thu hút khách đến tham quan.
Từ chỗ xác định bùn đáy ở rạch Bến Nghé – kênh Tàu Hủ – kênh Lò Gốm ít bị ô nhiễm, các xã Tam Thôn Hiệp (Cần Giờ), Hiệp Phước, Phước Lộc, Phước Kiển (Nhà Bè)… đã hợp đồng với đơn vị thi công nhận trên 670.000m3 đất bùn đáy san lấp mặt bằng xây dựng nhà, lập vườn và các công trình phúc lợi công cộng ở địa phương. Ông Phan Việt Nam ở xã Phước Kiển, có hơn 2,5 ha đất ruộng trũng, sau khi nhận 62.500m3 đất bùn đáy để san lấp đã có thể lập vườn phát triển V.A.C.
Hiện nay ông đã có thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa mà không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Khu đất ở bờ phải sông Lòng Tàu gần ngã ba Tắc Rổi (xã Tam Thôn Hiệp, Cần Giờ) sau khi nhận trên 480.000m3 bùn ít ô nhiễm để san lấp trên 50ha mặt bằng đã có thể xây dựng khu tái định cư để tiếp nhận hàng trăm hộ dân từ cù lao Tắc Rổi đang bị sạt lỡ, di dời về.
Từ kinh nghiệm ở TPHCM, một số địa phương ở Long An cũng đã xử lý bùn đáy để làm phân bón phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, không nên xem bùn đáy là chất phế thải hoàn toàn mà đây là một loại tài nguyên đặc biệt, cần phân tích đánh giá chất lượng để tận dụng phục vụ sản xuất và đời sống cho dân.