Mặc dù Nhà nước có chủ trương đóng cửa rừng, pháp luật cũng không nhẹ tay với các hành vi vi phạm lâm luật, nhưng nạn săn bắt, mua bán, vận chuyển động vật hoang dã ở Điện Biên vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
“Phần nổi của tảng băng chìm”
Có lẽ đến giờ nhiều người còn chưa quên, cách đây hơn 6 năm, vào tháng 9/1999, công an tỉnh Lai Châu (cũ) đã khám phá chuyên án, bóc gỡ một đường dây buôn lậu động vật hoang dã với số lượng lớn do vợ chồng Nguyễn Trọng Hùng (SN 1963) và Nguyễn Thị Nguyên (SN 1968) ở phố 1, phường Thanh Bình, thị xã Điện Biên Phủ (nay là thành phố) cầm đầu.
Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, trong khoảng thời gian từ năm 1991 đến khi bị phát hiện, vợ chồng Hùng đã mua bán, tiêu thụ trót lọt khoảng… 30 tấn động vật hoang dã.
Bao giờ cũng vậy, sau những cuộc ra quân của các cơ quan chức năng, hoạt động buôn bán động vật hoang dã lại chững lại (tất nhiên là vẻ bề ngoài), còn thực tế món hàng “tươi sống” (theo cách gọi của dân chạy hàng này) vẫn ùn ùn theo QL 279, QL6, QL12… kéo về các tỉnh dưới xuôi, sau đó tỏa đi các nhà hàng hoặc tuồn qua bên kia biên giới.
Mặt hàng “tươi sống” siêu lợi nhuận này chẳng kém với buôn bán ma túy, vậy mà chế tài và khung hình phạt lại nhẹ hơn rất nhiều, chủ yếu là tịch thu và xử lý hành chính(!). Với 1kg tê tê ở Điện Biên có giá 700 ngàn đồng, những kẻ vận chuyển lậu đã có thể kiếm 1,2 và thậm chí 1,5 triệu khi đưa về Hà Nội.
Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm, năm 2006 và nửa đầu tháng 1/2007, lực lượng kiểm lâm và công an đã phát hiện 619 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có 37 vụ buôn bán động vật hoang dã (phải xử lý hành chính), thu 441 kg động vật hoang dã.
Theo ông Lường Phúc Lâm, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động, Chi cục Kiểm lâm tỉnh: “Các vụ bắt giữ là phần nổi của tảng băng chìm, nhưng những vụ bị phát hiện, xử lý cũng đã phản ánh được tính chất phức tạp của nạn buôn lậu động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh…”.
Năm 2006, số vụ vi phạm lâm luật nói chung, nạn buôn lậu động vật hoang dã nói riêng chưa có xu hướng giảm; số vụ bị phát hiện, xử lý nhiều hơn, tính chất nghiêm trọng hơn.
Báo chí từng đưa tin hàng năm trên toàn quốc chỉ có 5% số vụ buôn bán động vật hoang dã bị bắt giữ. Ngay ở Điện Biên, không kể các vụ bị phát hiện trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, bất cứ ai cũng có thể tìm mua động vật hoang dã ở ngay trung tâm thành phố, thị xã hay thị trấn.
1001 phương thức và thủ đoạn
Là một tỉnh miền núi biên giới, diện tích rừng chiếm trên 80%, đã có thời các cánh rừng ở Điện Biên là nơi trú ngụ của hàng trăm loài chim, thú quí hiếm như: voi, hổ, bò tót… Nhưng nạn phá rừng làm nương rẫy, cùng với sự săn bắn vô tội vạ đã làm cho nguồn tài nguyên rừng của tỉnh bị cạn kiệt.
Thực tế công tác đấu tranh chống buôn lậu lâm sản và qua tài liệu trinh sát cho thấy nguồn động vật hoang dã chủ yếu xuất phát từ khu vực biên giới Việt – Lào, thuộc địa bàn 2 huyện Mường Nhé và Mường Chà.
Nhiều loại thuộc hàng quý hiếm như: hổ (chủ yếu là xương bị khai thác để nấu cao), khỉ, gấu, cầy hương… lại được đưa từ Lào, thậm chí là cả Myanmar sang. Các tay đầu nậu thu gom hàng, sau đó lợi dụng đêm khuya, chúng chở bằng xe máy về nơi tập kết. Trước mỗi chuyến hàng, đều có đội quân chạy trước “dò mìn”, sẵn sàng báo động để thoát lưới lực lượng chức năng.
Nếu vận chuyển bằng xe khách hoặc xe tải, chúng cất giấu, ngụy trang bằng cách để lẫn với các hàng hóa khác. Vì hám lợi, không ít lái xe cơ quan Nhà nước cũng qua mặt sếp, tranh thủ “đánh quả” gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng.
Cuộc chiến bảo vệ rừng ở Điện Biên đang càng ngày càng gay gắt bởi lợi ích từ rừng quá lớn trong khi đó lực lượng Kiểm lâm lại chưa đủ mạnh và thẩm quyền hoạt động có quá nhiều bất cập…
Trên địa bàn tỉnh Điện Biên có hàng trăm cây số đường quốc lộ, tỉnh lộ, chưa kể các đường liên xã, liên bản… nên lực lượng công an, kiểm lâm dù có tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát ngày đêm cũng không thể chặn đứng nạn buôn lậu động vật hoang dã. Không những thế, khi bị phát hiện, truy bắt, nhiều chủ hàng, chủ phương tiện sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng công an và kiểm lâm nhằm tẩu tán tang vật hoặc bỏ trốn…
Tỉnh Điện Biên có duy nhất khu bảo tồn thiên nhiên thuộc huyện Mường Nhé. Đây là nơi bảo tồn những loài động thực vật quý hiếm, nhưng từ khi đường ôtô vào đến huyện ngã ba biên giới này, gỗ quý và các loài động vật hoang dã, kể cả các loài động vật có trong Sách đỏ vẫn hàng ngày hàng giờ được mua bán, vận chuyển và… giết thịt!
Không riêng gì Mường Nhé, các cánh rừng ở Điện Biên đều nằm trong dự án bảo vệ rừng đầu nguồn sông Đà – nơi có vị trí quan trọng đảm bảo sự sống còn của thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La trong tương lai. Nếu những tên lâm tặc không bị xử lý nghiêm và một số người dân còn tiếp tay cho lâm tặc thì tình trạng vi phạm lâm luật, trong đó có nạn buôn bán động vật hoang dã ở Điện Biên sẽ vẫn là bài toán chưa có lời giải.